Mua vé máy bay 0 đồng có mất tiền không?
(Dân trí) - Nếu săn được vé máy bay 0 đồng, hành khách vẫn sẽ phải trả từ trên 540.000 đồng thuế, phí cho một chuyến bay trong nước.
Xuân Phương (18 tuổi, Hà Nội) vừa được bố mẹ đồng ý cho đi du lịch xa nhà cùng nhóm bạn thân đại học. Cô sinh viên năm nhất mừng rỡ, háo hức tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội, rồi tự lên website của hãng để "săn" vé máy bay giá rẻ.
Phương từng nghe rất nhiều về vé máy bay 0 đồng, thậm chí thấy cả quảng cáo trên truyền hình nên cô tin là nếu biết cách thì có thể được đi máy bay miễn phí. Nhóm bạn của Phương cũng tin như vậy, và tất cả tập trung vào "săn" vé máy bay 0 đồng.
"Ơ sao lúc thanh toán đắt thế nhỉ, tận gần 600.000 đồng", một tin nhắn xuất hiện trong nhóm chung. Sau đó là những bình luận "Của tớ cũng thế, có nhầm lẫn gì không?", "Hay bọn mình chưa biết cách?"… Nhóm của Phương bắt đầu nghi ngờ, rồi đi đến thất vọng về vé máy bay 0 đồng.
Thực tế, vé máy bay 0 đồng chỉ là mức giá cơ bản, chưa bao gồm thuế phí. Dù giá vé là 0 đồng nhưng người mua vẫn sẽ mất một khoản thuế, phí theo quy định hàng không.
Theo khảo sát của Dân trí, tổng thuế phí cộng thêm ngoài giá vé của Vietnam Airlines gồm: phụ thu quản trị hệ thống 415.000 đồng, phí dịch vụ hành khách chặng nội địa 215.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng (tổng 650.000 đồng và thuế giá trị gia tăng).
Tương tự, Vietjet phụ thu dịch vụ hệ thống quốc nội 215.000 đồng, phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng, phí sân bay quốc nội 100.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng (tổng 550.000 đồng và thuế giá trị gia tăng).
Bamboo Airways thu phí quản trị 417.000 đồng, phí dịch vụ hành khách chặng nội địa 100.000 đồng, phí soi chiếu an ninh, hành khách và hành lý 20.000 đồng (tổng 537.000 đồng và thuế giá trị gia tăng).
Vietravel Airlines thì phụ thu quản trị 420.000 đồng, giá dịch vụ phục vụ hành khách 100.000 đồng, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 20.000 đồng (tổng 540.000 đồng và thuế giá trị gia tăng).
Như vậy, ngay cả khi "săn" được vé máy bay 0 đồng, hành khách vẫn sẽ phải trả từ trên 500.000 đồng cho một chuyến bay trong nước.
Cũng cần lưu ý, vé máy bay 0 đồng thường cắt hết hành lý ký gửi; hành khách chỉ có hành lý xách tay; điều kiện vé là không hoàn không đổi, nên người mua cần lựa chọn và suy nghĩ kỹ trước khi thanh toán vé.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.
Đề xuất trên ngay lập tức được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc - đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật Giá sửa đổi - nhận xét là "rất hay, hợp lý" và khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Lý giải nhận xét trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.
Trao đổi với Dân trí, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng khi bổ sung giá sàn và giữ giá trần sẽ phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng "mạnh ai đấy làm", không phù hợp luật cạnh tranh. Các hãng hàng không sẽ được cạnh tranh lành mạnh "cá lớn không nuốt cá bé".
Theo ông Hòa, hiện nay có tình trạng một số hãng hàng không tung ra giá vé máy bay 0 đồng. Nhưng theo ông Hòa, đây chỉ là hình thức quảng cáo, thu hút khách hàng. Bởi dù có mua được vé máy bay 0 đồng thì khách hàng vẫn phải trả chi phí các dịch vụ khác, chứ không phải hoàn toàn khách hàng đi được máy bay mà không mất đồng nào.
Không phủ nhận ý kiến nếu áp giá sàn cho vé máy bay sẽ làm mất cơ hội để người dân được đi máy bay giá rẻ nhưng ông Hòa cho rằng, mức độ ảnh hưởng tới khách hàng không lớn, bởi giá sàn cũng sẽ ở mức thấp chứ không cao. "Người dân muốn đi máy bay có giá rẻ thì cũng rẻ ở mức độ vừa phải, chứ không tới mức không mất gì", ông Hòa nói.