Ai mang Hồ Gươm của tôi đi đâu mất rồi?
"Đi đâu thì đi, lần sau không lên phố đi bộ Hồ Gươm nữa nhé!". Đó là tuyên bố của vợ và các con tôi sau một phen trải nghiệm không mấy vui vẻ ở phố đi bộ Hồ Gươm. Bản thân tôi, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên với Hồ Gươm, yêu Hồ Gươm cũng như cực ủng hộ phố đi bộ Hồ Gươm từ ngày nó bắt đầu được mở, 1/9/2016, chỉ biết thở dài đồng thuận. Bởi tôi cũng không còn nhận ra phố đi bộ Hồ Gươm như những ngày đầu nữa rồi.
Người dân, các cử tri và cả báo chí gần đây đã đồng loạt lên tiếng về sự bát nháo trong nhiều hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm. Ý kiến ấy đã được UBND Quận Hoàn Kiếm đưa vào văn bản đề nghị Sở Văn Hóa và Thể Thao Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép các hoạt động trên phố đi bộ Hồ Gươm một loạt các vấn đề. Từ việc cấp phép tổ chức các gian hàng không phù hợp đến việc các giải chạy bộ vào ban đêm hay việc sử dụng loa công suất lớn tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nhưng đó chưa phải là tất cả về những vấn đề đang xảy ra ở phố đi bộ Hồ Gươm. Việc những gian hàng kém chất lượng, biến Hồ Gươm thành một kiểu "chợ đêm" chụp giật chưa đáng sợ bằng nỗi lo về an toàn vệ sinh của thực phẩm bày bán ở đó. Việc tổ chức giải chạy đêm lúc 3h sáng bật nhạc ầm ĩ khiến người dân mất ngủ, hay việc sử dụng loa công suất lớn tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục chưa đáng sợ bằng việc ô nhiễm tiếng ồn liên tục toàn bộ Hồ Gươm và các vùng phụ cận.
Bạn tôi, một cư dân phố cổ đã phải bán nhà để đi nơi khác sau khi không chịu nổi ô nhiễm tiếng ồn. Khi mà hàng quán nào cũng phát loa thùng, đi vài bước lại gặp một loa kẹo kéo đủ loại. Ô nhiễm tiếng ồn kéo dài từ 19h tối thứ Sáu đến tận 24h Chủ Nhật. Hồ Gươm thực sự ồn ào, xô bồ và mất đi hoàn toàn ý nghĩa của phố đi bộ. Có thời điểm nó đã thành một cái "chợ trời" lớn.
Thứ khiến vợ và các con tôi hãi hùng sau một chuyến ghé thăm phố đi bộ Hồ Gươm ngoài việc ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng, còn là chuyện những chiếc xe điện trẻ con chạy ào ào ở đó. Nhiều chiếc xe đã được tăng tốc độ khiến đường phố thành đường đua, biến không gian đó thành không gian của trò chơi xe… đụng. Hay những hàng rong chơi trốn tìm với đội trật tự cũng là những ẩn họa khó lường về an toàn thực phẩm.
Nhưng lớn hơn cả, chúng ta đã chẳng thu lượm được gì khi tới phố đi bộ Hồ Gươm ngoài người chen người. Dù chỉ là một chút thư giãn sau một tuần làm việc. Ở phố đi bộ Hồ Gươm, chẳng còn chỗ nào cho việc thư giãn cả.
Gần Hồ Gươm, chúng ta đã có dọc con phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân cho việc mua bán, chợ đêm, sao còn muốn mang nó ra Hồ Gươm? Các không gian văn hóa dân gian cổ truyền sao phải dùng đến loa thùng khuếch đại âm thanh? Hay đơn giản, việc tổ chức các giải chạy sao cần dàn âm thanh công suất lớn?
Tôi vẫn nghĩ về phố đi bộ Hồ Gươm cần được thay đổi mạnh mẽ, quy hoạch lại rõ ràng và đặc biệt là hãy trả lại ý nghĩa phố đi bộ cho Hồ Gươm. Là nơi chúng ta được tản bộ đúng nghĩa thay vì xô bồ như hiện nay. Các hoạt động văn hóa được tổ chức ở Hồ Gươm phải thực sự đủ chất lượng với những tiêu chuẩn khắt khe hơn chứ không phải nhân dịp nào là làm hội đó. Bởi Hồ Gươm không phải hội chợ triển lãm. Bởi Hồ Gươm ngoài là một không gian văn hóa nó còn có cả lịch sử.
Tôi đã từng mơ, từ lâu rồi, khi phố đi bộ Hồ Gươm vừa mở. Về một không gian Hồ Gươm nơi cha mẹ có thể buông tay cho con cái lớn. Về việc lũ trẻ học Sử thông qua những hoạt động văn hóa truyền thống dân gian. Về những chiếu chèo, hát xẩm, tuồng… được làm mới bởi chính các nghệ sĩ gen Z. Rất nhiều người trẻ gen Z đã và đang làm việc đó. Hồ Gươm không dành cho những ồn ào, xô bồ.
Hồ Gươm là nơi người ta phải ghé vào tai nhau thủ thỉ. Nơi chẳng cần lời to tiếng lớn, đôi khi chỉ cần cái siết tay nhẹ, ánh mắt nhìn nhau hay khoảng lặng vừa vặn cho những người đang yêu ngồi bên nhau thiết tha ngắm hồ vậy. Hồ Gươm là lịch sử. Nơi người trẻ nói chuyện lịch sử với nhau. Những người già có thể đem đến những bổ sung, bổ khuyết, bổ trợ đầy bổ ích.
Khi con trai tôi, cậu bé 17 tuổi, đang làm dự án "Hà Nội trong tôi là" có nhờ bố tư vấn ý tưởng, tôi có nói con ra Hồ Gươm đi. Hà Nội chính là Hồ Gươm, Hà Nội gói trọn ngay ở Hồ Gươm đấy. Nhưng rồi cậu bé về và thở dài vì cậu không tìm thấy Hà Nội trong Hồ Gươm hôm nay. Ai đã làm "hỏng" Hồ Gươm vào cuối tuần? Những hàng quán xập xệ nháo nhào, những hàng rong hay chính cái cách chúng ta biến Hồ Gươm thành sự tạp nham, tạp kỹ rồi gọi đó là không gian đi bộ?
Tôi nghĩ về cuộc "đại phẫu" lại Hồ Gươm nói riêng và toàn bộ cách mà chúng ta đang làm ở nhiều phố đi bộ khác của Hà Nội, TPHCM. Thứ chúng ta cần không phải là một phố đi bộ, không gian đi bộ để thu hút khách du lịch đâu. Bởi khách du lịch đến rồi lại đi, thứ họ nhớ về cái không gian đó có thể khiến họ chẳng bao giờ muốn quay lại lần nữa. Thứ chúng ta cần chính là không gian đi bộ của chính chúng ta, nơi có thể khiến chính chúng ta muốn tới mỗi dịp cuối tuần. Phải là ta thích cái đã thì dân du lịch sẽ thích. Phải là nơi để chúng ta truyền đi thông điệp chúng tôi là Hà Nội, Hà Nội là chúng tôi.
Muốn Hồ Gươm trở lại là Hà Nội, muốn mỗi người dân Hà Nội đều trở thành đại sứ du lịch thì hãy bắt đầu từ việc đại phẫu lại cách chúng ta tổ chức không gian đi bộ, lấy người dân Hà Nội làm trung tâm, lấy mong muốn của mỗi người Hà Nội khi ra Hồ Gươm làm thước đo và quy chuẩn để tổ chức lại không gian đi bộ này. Mà điều đó, một văn bản đề nghị Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội thôi chưa đủ.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!