Quang Hải sang Pháp: Đừng vội nói chuyện "thành bại"
Mùa hè này, khi bản hợp đồng giữa Quang Hải và Pau FC được công bố và mùa giải mới bắt đầu, tiền vệ sinh năm 1997 sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam duy nhất chơi bóng tại châu Âu.
Thông tin Hải sang Pháp thi đấu và được ví như "Messi Việt Nam" đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá cũng như giới truyền thông, không chỉ Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và Pháp. Chúc mừng có, tán dương có, tự hào có, ngược lại cũng không ít bày tỏ sự lo lắng, nghi ngờ. Đáng chú ý, một bài viết ở diễn đàn ABC đã nêu những nhận định làm xôn xao cộng đồng mạng. Bài viết cho rằng: "Quang Hải ở Việt Nam là một ngôi sao, nhưng Quang Hải sang Pháp để làm gì trong một đội bóng Pháp?
Tấm gương Công Phượng, Xuân Trường… chưa đủ để tỉnh sao? Đừng làm mất thêm một Quang Hải, bởi Việt Nam thì hãy cứ là Việt Nam. Đừng mơ mộng biến trứng gà thành đà điểu.
Tôi rất yêu quý Quang Hải vì đã có những đóng góp rất tuyệt vời cho bóng đá nước nhà, cũng phải công nhận rằng cậu ấy có tài năng bóng đá.
Nhưng, bóng đá là môn thể thao tập thể, Quang Hải thành ngôi sao cũng phải có những đồng đội xuất sắc phía sau, không có đồng đội tốt, xả thân thì Quang Hải cũng sẽ không là gì cả, ngay cả siêu sao C.Ronaldo mà không được đồng đội chuyền bóng thì cũng trở thành thứ vô dụng trên sân cỏ.
Vậy nên, đôi khi họ được đồng đội hy sinh chụm cho ít đuốc sáng, họ lại ngỡ mình là mặt trời. Mà quên đi bản thân chỉ là que diêm".
Liệu việc chuyển sang Pháp thi đấu của Quang Hải có là "mơ mộng viển vông?" như ý kiến… bàn lùi nêu trên. Tôi không nghĩ như vậy. Việc Quang Hải xuất ngoại, chưa biết thành công hay thất bại như thế nào, song nếu tôi là tuyển thủ này, tôi sẽ rất buồn khi nghe những nhận định "thiếu tính động viên, thiếu tinh thần xây dựng và thừa làm người khác nhụt chí" như vậy.
Đầu tiên, Quang Hải sang Pháp là để thỏa ước mơ, thỏa chí tang bồng của mình. Đời cầu thủ ngắn lắm, nếu có cơ hội mà không nắm lấy, lại để sự sợ hãi, lo lắng đè bẹp đi ước mơ của mình thì thật là điều đáng tiếc. Khi quyết định sang Pháp, là một cầu thủ chuyên nghiệp, Quang Hải thừa hiểu những khó khăn, thử thách phía trước, thậm chí thu nhập sẽ bị giảm đáng kể, nhưng Hải vẫn quyết tâm dấn thân. Theo tôi, điều đó rất đáng để khen ngợi. Chẳng phải chúng ta vẫn nói với nhau rằng cần thêm nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, ra biển lớn, qua đó mới góp phần đưa bóng đá Việt Nam tiến lên. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ rằng chỉ những người có đủ bản lĩnh, tự tin, có mong muốn tiến bộ, có khát khao tuổi trẻ như Quang Hải mới chọn con đường ra nước ngoài thi đấu, dù khó khăn, thử thách song cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh của mình.
Thứ hai, Quang Hải thành công hay thất bại không phải do Công Phượng, Xuân Trường hay Đoàn Văn Hậu. Quang Hải là chính mình. Các cầu thủ khác thất bại không có nghĩa Quang Hải cũng thất bại, và ngược lại giả sử cầu thủ khác xuất ngoại thành công thì chắc gì Quang Hải sẽ thành công? Trứng gà chắc chắn không thể nở thành đà điểu, nhưng nếu hạt giống tốt và môi trường tốt, đó sẽ là một chú gà khỏe mạnh. Giải Ligue 2 của Pháp là một trong những môi trường thi đấu chuyên nghiệp và hấp dẫn ở châu Âu, có trình độ cao hơn V-League rất nhiều. Được thi đấu ở đây là ước mơ không phải cầu thủ nào ở Việt Nam cũng có thể chạm đến.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, nên một cầu thủ chỉ có thể chói sáng nếu có sự hỗ trợ tốt từ đồng đội. Điều này ai cũng biết. Nhưng thật ngạc nhiên khi người ta cho rằng, Quang Hải sẽ khó lòng tỏa sáng khi chơi bóng ở Pháp bởi sẽ không nhận được sự hỗ trợ tốt từ đồng đội như khi còn ở Việt Nam. Trong bất cứ môi trường làm việc nào, hãy lo là tài năng mình không đủ, năng lực mình không tốt, chứ đừng lo tập thể không hỗ trợ được cho mình.
Đã ở tuổi 37, C.Ronaldo vẫn được cả một tập thể Man Utd hỗ trợ đầy đủ, có thể đá chính 90 phút, miễn là anh vẫn còn khả năng săn bàn, chạy chỗ. Nếu vẫn mang trong mình một tâm lý tự ti như ý kiến ở tờ ABC nói trên, làm sao có một Son Heung Min của Hàn Quốc vừa đạt danh hiệu Chiếc giày vàng Premier League mùa giải vừa qua ở Tottenham?.
Thứ ba, Quang Hải đã rất thực tế khi chọn một câu lạc bộ vừa tầm, mức độ cạnh tranh suất đá chính không quá cao. Đây là điều quan trọng để Hải dần làm quen và khẳng định mình ở sân chơi mới. Tất nhiên để được ra sân thường xuyên, Hải sẽ phải nỗ lực rất nhiều, bởi thống kê cho thấy HLV của Pau FC ít khi sử dụng cầu thủ nước ngoài (tỷ lệ thi đấu của các trường hợp không có quốc tịch Pháp ở Pau FC trong mùa giải vừa qua là 22,6%). Nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng, Hải cần chú ý rèn thể lực và phát huy thế mạnh kỹ thuật, nhãn quan chiến thuật tốt của mình. Đây chính là điều HLV Pau FC cần ở Hải.
Tôi nghĩ rằng, Quang Hải sang Pháp không phải là đi để giải bài toán thành công hay thất bại của cầu thủ Việt Nam khi chơi bóng ở nước ngoài, mà đơn giản là đi tìm giới hạn của bản thân. Dù thành công hay thất bại trong bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (kèm 1 năm gia hạn hợp đồng) với đội bóng Pháp, ít nhất sau này Hải cũng có thể tự hào để nói với mọi người: "Tôi từng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên rời V-League để chơi bóng ở Pháp". Lịch sử bóng đá Việt Nam sẽ ghi nhớ dấu mốc mà Quang Hải đã mở ra lúc này.
Tác giả: Thế Nam là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2002, từng tham gia viết ở các mảng xã hội, giáo dục, văn hóa, nhân ái và chuyên viết thể thao từ 2019 đến nay.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!