Phú Quốc: Cơ hội và thách thức cùng APEC 2027
Những ngày đầu năm 2025, tin vui đến với Phú Quốc, khi Chủ tịch nước Lương Cường cho biết 2027 là năm Việt Nam làm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC lần thứ 3 (lần 1 năm 2006, lần 2 năm 2017) và địa điểm tổ chức được Trung ương xác định tại Phú Quốc. Đây vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm; là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước đối với Kiên Giang và Phú Quốc.
Chúng ta biết rằng tuần lễ cấp cao APEC diễn ra hàng năm đã và sẽ đưa địa danh diễn ra sự kiện trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Theo thông lệ, toàn bộ hoặc đại đa số lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới sẽ hội tụ tại địa danh đăng cai cùng với hàng nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên trong và ngoài nước.
Có thể nói quyết định trên tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Phú Quốc, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc cho đảo ngọc này.
Với hệ sinh thái du lịch đẳng cấp, vị trí địa lý chiến lược và bản sắc văn hóa đa dạng, Phú Quốc đang đứng trước thời cơ vàng để khẳng định mình như một biểu tượng du lịch mới của khu vực. Vui mừng và tự hào, song Phú Quốc cũng cần vượt qua những thách thức lớn trong quy hoạch, môi trường và chất lượng dịch vụ để xứng tầm với nhiệm vụ và phát triển bền vững hơn nữa.
Cánh cửa kết nối khu vực
Phú Quốc sở hữu vị trí địa lý chiến lược, là một trung tâm kết nối khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Khoảng cách từ Phú Quốc đến các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Singapore, và Kuala Lumpur chỉ từ 350-500 km, xa nhất là Indonesia, Philippines cũng chỉ từ 800km-1.500 km, điều này giúp tối ưu hóa thời gian di chuyển cho du khách và đại biểu quốc tế.
Hơn nữa, sân bay quốc tế Phú Quốc hiện đã phát triển đường bay thẳng đến các nền kinh tế ở Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Đại Dương, giúp đảm bảo khả năng kết nối nhanh chóng và hiệu quả cho khách mời quốc tế.
Ngoài vị trí địa lý chiến lược, hệ sinh thái du lịch của Phú Quốc đã khẳng định đẳng cấp với hạ tầng hiện đại và dịch vụ đầy đủ đã và đang được xây dựng trong nhiều năm qua. Hàng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế hàng đầu đã hiện diện tại Phú Quốc, tạo ra những khu nghỉ dưỡng chuẩn quốc tế, phù hợp với nhu cầu đón tiếp lãnh đạo và doanh nhân tầm cỡ.
Đặc biệt, tòa tháp Khát Vọng ở Hòn Thơm hứa hẹn trở thành biểu tượng mới cho du lịch cao cấp khi hoàn thành. Thêm vào đó, Phú Quốc đã nhiều lần chứng minh khả năng tổ chức sự kiện lớn như Diễn đàn Du lịch ASEAN, xây dựng uy tín về khả năng điều phối với các hoạt động tầm cỡ.
Bản sắc văn hóa: điểm nhấn cho du khách quốc tế
Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên mà còn sở hữu nền văn hóa phong phú, tạo nên sức hút đặc biệt với bạn bè quốc tế. Đây là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư, và mỗi cộng đồng đều mang đến những sắc thái văn hóa riêng biệt, từ ẩm thực, nghệ thuật đến tín ngưỡng. Điều này tạo nên một bản sắc đa dạng, phản ánh sự hòa nhập và cởi mở của văn hóa Việt Nam.
Nước mắm Phú Quốc, một sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về chỉ dẫn địa lý, cùng với hồ tiêu, ngọc trai và ẩm thực hải sản là những điểm nhấn mà Phú Quốc có thể giới thiệu đến bạn bè quốc tế thông qua sự kiện APEC.
Ngoài ra, sự kiện APEC có thể là cơ hội để Phú Quốc tổ chức các chương trình triển lãm văn hóa, hội chợ ẩm thực, hoặc các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam như một quốc gia có nền văn hóa phong phú và giàu bản sắc.
Thách thức môi trường và quản lý bền vững
Dù vậy, những thách thức lớn vẫn đang đặt ra cho Phú Quốc, ví dụ như vấn đề rác thải nhựa, quy hoạch chưa bài bản trong quá trình phát triển hạ tầng đã khiến nhiều khu vực rừng ngập mặn bị thu hẹp… Có thể nói hướng tới APEC 2027 là cơ hội để Phú Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc tìm giải pháp khắc phục các vấn đề này, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế. Hơn thế, đây là cơ hội để Phú Quốc trình diễn các giải pháp phát triển bền vững, từ việc ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý rác thải biển đến bảo vệ hệ sinh thái. Những bước đi này có thể biến Phú Quốc thành biểu tượng về sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Việc đón tiếp lãnh đạo, doanh nhân và khách mời quốc tế tại APEC 2027 sẽ là dịp để Phú Quốc chứng minh tiềm năng trở thành điểm nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ châu lục và thế giới. Các sản phẩm du lịch độc đáo như bãi biển riêng, rừng quốc gia nguyên sơ và dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao sẽ củng cố hình ảnh Phú Quốc như một "thiên đường du lịch sang trọng" trong mắt du khách toàn cầu.
APEC 2027 còn mở ra cánh cửa giúp Phú Quốc thu hút các sự kiện kinh tế, chính trị lớn trong tương lai. Để nắm bắt tốt cơ hội lớn này, Phú Quốc cần chiến lược đầu tư bài bản, quy hoạch hợp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những yếu tố cốt lõi này sẽ giúp định vị Phú Quốc như một thành phố du lịch biển đảo hàng đầu châu Á và thế giới.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!