"Cứu" du lịch Phú Quốc hay Phú Quốc tự cứu mình?
Anh bạn người Hàn Quốc của tôi vừa đi "phượt" Phú Quốc về, nhắn tin "đây là hòn đảo tuyệt vời" dù anh đã đến chơi lần thứ hai. Tôi hỏi, "điều hấp dẫn nhất của Phú Quốc với bạn là gì mà quyết định đi lần thứ hai?".
Anh cho hay, giá tour đến Phú Quốc cao hơn tour đến Đà Nẵng (địa phương du lịch được người Hàn ưa chuộng) nhưng anh và nhiều người Hàn Quốc khác thích tìm đến các địa điểm mới, nhất là khu vực biển đảo Việt Nam. Vậy nên, Phú Quốc, Phú Yên… là những cái mới trong sự lựa chọn gần đây của họ. Anh còn thông tin thêm, các hãng truyền thông ở Hàn đang quảng bá khá nhiều cho Phú Quốc. "Người Hàn đang biết về Phú Quốc", anh nhắn.
Cũng như anh bạn kể trên, gia đình tôi cũng đã đôi lần đến Phú Quốc và đều có trải nghiệm tốt. Trong một tour lặn biển, hai vợ chồng tôi xuống trước và hồi lâu không thấy con tôi lặn xuống thì được bạn hướng dẫn ra tín hiệu để vợ chồng tôi an tâm, "con anh đang được chăm sóc trên thuyền vì cháu gặp sự cố nhỏ". Kết thúc buổi lặn, tôi rất hài lòng khi có đến 3 nhân viên chăm con trai tôi trong lúc chúng tôi tham quan đáy đại dương, họ còn cho kẹo và chơi với cháu. Đơn vị tổ chức tour sau đó chủ động hoàn lại phần tiền vé vì con trai tôi không tham gia dịch vụ đã mua.
Trái ngược với những cảm nhận tích cực trên, thông tin trên báo chí gần đây vẫn là "Phú Quốc vắng khách". Và đã có những hội thảo được tổ chức để bàn chuyện "cứu" du lịch Phú Quốc vì du khách vắng từ 20-50% so với trước.
Trên thực tế, sau những ồn ào hàng loạt du khách bỏ tour đến Phú Quốc vì nạn chặt chém, giá lưu trú cao, phí vận chuyển trên trời thì thời gian qua đã có những cái bắt tay của các hãng hàng không, dịch vụ khách sạn, đơn vị lữ hành để giúp bình ổn giá, kích cầu du lịch Phú Quốc. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất là những đơn vị này… báo lỗ vì du khách thật sự không mặn mà chọn Phú Quốc làm điểm đến trong suốt mùa hè qua.
Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh vắng khách quốc tế vì nhiều lý do thì Phú Quốc nên tập trung khai thác thị trường khách nội địa. Nhưng khi tôi trao đổi với đại diện một công ty du lịch chuyên tổ chức tour tham quan các đảo, nhất là Phú Quốc, thì họ nói thu hút khách nội địa giờ cũng khó vì người dân đang có nhiều lựa chọn. Vị này phân tích, do nghi ngại chênh lệch giá cả, chất lượng tour từ các hãng lữ hành nên nhiều khách trong nước chọn đi "phượt" Phú Quốc thay vì đi tour. Chính vì điều này, du khách dễ bị "chặt chém", không tìm ra nơi có món ăn ngon và điểm tuyến tham quan hấp dẫn để trải nghiệm, cùng hàng loạt vấn đề phát sinh khác.
Nhìn chung, nếu đi tìm thông tin về Phú Quốc thì chúng ta sẽ thấy có cả tích cực và tiêu cực, sẽ không dễ nhận biết đâu là các vấn đề cốt lõi. Nhưng một thực tế mọi người đều thừa nhận là Phú Quốc đang vắng khách. Đơn cử, theo Sở Du lịch Kiên Giang, dịp lễ 2/9 vừa qua, Phú Quốc đón hơn 62.000 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ 2022, trong đó chỉ có 5.700 lượt khách quốc tế.
Những giải pháp để chung tay "cứu" du lịch Phú Quốc lúc này đều cần thiết. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước hết Phú Quốc phải tự "cứu" mình, tự nỗ lực để tìm lại được chính vị thế của mình cả cho thị trường trong nước và khách quốc tế.
Hãy thử làm phép so sánh: Phú Quốc có thật sự đặt khách là trung tâm như chiến lược "mềm dẻo" và "đo ni đóng giày" của Thái Lan, Hàn Quốc?
Thái Lan từ lâu đã biết cách bắt tín hiệu, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, để du khách tự tìm đến rồi dễ dàng móc hầu bao của họ. Về đêm, mỗi địa điểm du lịch ở đất nước chùa Vàng này đều có các khu vui chơi giải trí nâng tầm di sản văn hóa địa phương, nâng tầm tinh hoa nghệ thuật ẩm thực đường phố. Ở đâu, họ cũng giúp du khách tìm thấy sự hứng thú, nét mới lạ trong trải nghiệm.
Đến Thái Lan là sẽ cảm nhận được đúng slogan mà du lịch nước này đã tạo dựng từ năm 2005 - Amazing Thái Lan (Ấn tượng Thái Lan), và du khách sẽ không bao giờ thấy tiếc cho chuyến đi đến xứ sở chùa Vàng. Đặc biệt, giá tour đi Thái Lan bao giờ cũng rẻ hơn với tour du lịch nội địa không chỉ ở Việt Nam mà cả với Hàn Quốc.
Cũng như vậy, Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở các chiến lược vĩ mô để phát triển du lịch mà còn chăm chút từ những việc nhỏ. Chẳng hạn như với món kẹo hồ lô trứ danh trong các bộ phim của Trung Quốc, Hàn Quốc đã địa phương hóa để tạo trải nghiệm thú vị cho du khách. Những trái dâu, trái nho trồng trong nhà kín được chế biến thành món kẹo hồ lô kiểu Hàn, hình thức mới lạ, thưởng thức tại chỗ giúp du khách có thêm niềm vui trong chuyến tham quan. Giá cả của các loại trái cây này tăng lên gấp 4, 5 lần sau khi trở thành kẹo hồ lô, giúp có thêm thu nhập cho nông dân địa phương.
Hàn Quốc còn tranh thủ quảng bá hình ảnh du lịch của đất nước họ bằng các cây viết (KOL) ở nước khác. Hằng năm, họ tuyển phóng viên danh dự, người có ảnh hưởng ở nước ngoài viết bài, làm clip về du lịch Hàn Quốc để đăng lên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Instagram… Chi phí nhuận bút cho các bài viết này là rất nhỏ so với nguồn thu từ du lịch mà người Hàn Quốc nhận lại được.
Nhìn lại Phú Quốc, ngoài chợ đêm, show thực cảnh tại thành phố không ngủ thì không có nhiều hoạt động khác. Với show thực cảnh Tinh hoa Việt Nam, du khách có thể "xuyên không" trong hành trình dài 4.000 năm với cây đa, mái đình nhưng hình ảnh Phú Quốc lại mờ nhạt.
Các món ăn đường phố ở Phú Quốc đa phần cũng là những món ăn tìm đâu cũng thấy trong các tour, tuyến du lịch khác trên khắp mọi miền đất nước. Du khách đi một chặng đường ra đảo để thấy mình chẳng khác gì khi ở đất liền thì sẽ thấy "không đã". Dường như Phú Quốc chưa chú trọng xây dựng những gì là đặc sắc riêng có để tạo cảm xúc cho du khách.
Vậy nên, tôi nghĩ rằng Phú Quốc muốn tìm lại chính mình trên bản đồ du lịch thì trước nhất hãy thật sự là chính mình. Ngoài chính sách giá cả, cần có chiến lược nâng tầm sản phẩm, sản vật địa phương bằng nhiều hình thức và nỗ lực không ngừng để nắm bắt thị hiếu của du khách. Cùng với đó, Phú Quốc hãy cùng với các cấp quản lý liên quan rà soát lại chiến lược xây dựng và quảng bá hình ảnh; tranh thủ cơ chế đặc biệt về miễn thị thực (như cách đảo Jeju của Hàn Quốc đã làm để thu hút du khách quốc tế).
Phú Quốc cũng cần quan tâm khảo sát những thị trường ưa chuộng du lịch biển đảo, từ đó xây dựng các dịch vụ "đo ni đóng giày" cho du khách ở thị trường tiềm năng.
Giữa thời buổi tiền cao, gạo kém, du khách dù là đi tour hay đi phượt thì đều sẽ cân đo, đong đếm giá trị đồng tiền mình bỏ ra. Phú Quốc hãy là chính mình để du khách muốn tìm đến không chỉ một lần.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!