Tâm điểm
Nguyễn Nam Cường

Đảo ngọc, bê tông và tầm nhìn Phú Quốc

Tôi đến Phú Quốc lần đầu tiên vào năm 2004 bằng tàu gỗ tại bến phà ở Hà Tiên. Khệ nệ đem xe máy lên tàu, lênh đênh trên biển hơn 8 giờ đồng hồ mới nhìn thấy "đảo ngọc". Hành trình du lịch cực nhọc là vậy nhưng Phú Quốc của lần đi đó đã trở thành kỷ niệm đẹp, không thể nào quên đối với tôi.

Phú Quốc ngày ấy trong trẻo, hiền lành và dịu ngọt. Từ câu chuyện thầy cô giáo ở đất liền mang con chữ ra đảo, chắt chiu từng giọt nước ngọt để trồng rau xanh cải thiện cuộc sống, cho đến hai vợ chồng đứng tuổi ngày ngày chạy tàu ra hòn Móng Tay chặt dừa, bập bẹ "hello" để bán dừa cho mấy anh khách Tây hiếu kỳ. Con người và cảnh sắc nơi đây đều thật dễ thương.

Thật ra, hồi đó tôi cũng từng mơ Phú Quốc sẽ không còn khói bụi đỏ đường từ Nam Đảo đến Bắc Đảo; có tàu hiện đại hơn để ra các hòn đảo nhỏ nhanh hơn. Hay là, cơ sở lưu trú tốt, nhiều điểm vui chơi để chuyến đi thêm nhiều sắc màu.

Rồi sau 20 năm, giấc mơ về Phú Quốc của tôi vượt xa những gì mong đợi. Sau dịch Covid-19, tôi cùng gia đình bay ra Phú Quốc chỉ sau hơn một giờ đồng hồ. Chưa bao giờ tôi thấy biển Phú Quốc gần với mình như vậy. Nhưng trải nghiệm Phú Quốc giờ đây mang đến cho tôi một cảm giác thật khác. Những tòa cao ốc của các đơn vị khai thác du lịch, khu dân cư án ngữ, tôi không thấy biển cả đâu. Ở ngay biển cả bao la mà sao tôi lại "xa biển" vời vợi đến thế.

Đảo ngọc, bê tông và tầm nhìn Phú Quốc - 1

Du khách trải nghiệm tại Phú Quốc (Ảnh: SCMP).

Quyết không để chuyến đi của mình bị hỏng, cũng phần vì muốn tìm lại ký ức cũ về nơi được thế giới bầu chọn là có bãi biển hoang sơ hàng dầu của thế giới, tôi thuê tàu ra đảo nhỏ để được gần biển hơn.

Từ biển xa nhìn vào Phú Quốc, trong mắt tôi Phú Quốc nhiều màu sắc đến mức… nhức mắt. Phú Quốc là một rừng màu với hàng trăm khối bê tông cao thấp chen chúc, đa dạng hình thù. Đây là thành phố Cartagena (Colombia) ở vùng biển Caribe mà tôi từng có dịp đến? Hay đây là Phú Quốc thân thương của tôi. Những công trình tôi nhìn thấy giúp cho du lịch Phú Quốc phát triển, hay chỉ đơn thuần là những dự án bất động sản đang "khai thác" đảo ngọc?

Phú Quốc trong trẻo, hiền lành và dịu ngọt của tôi ở đâu rồi?

Không phủ nhận quá trình phát triển của một địa phương cần đồng bộ kinh tế - xã hội. Và quá trình phát triển đó không thể tách rời chủ trương kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào để cải thiện, nâng cấp hạ tầng, phát triển cơ sở lưu trú và dịch vụ hiện đại. Song, đâu là thế mạnh và tính khác biệt của một địa phương này so với một địa phương khác. Phát triển bền vững phải chăng là ở đâu cũng bê tông hóa như nhau? Trong bờ cũng giống ngoài đảo?

Tôi có vài dịp đến Kyeongju, cố đô nằm ven biển của Hàn Quốc, nơi mà du khách trân quý gọi là bảo tàng ngoài trời. Có được tên gọi này là nhờ địa phương khéo tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa bản địa trong bối cảnh cạnh tranh phát triển kinh tế và định vị hình ảnh địa phương. Không một tòa nhà cao tầng nào được xây dựng trong khu vực khai thác du lịch.

Những tòa nhà được xây dựng có chăng là những ngôi nhà Hàn Quốc truyền thống. Công việc phục tráng lại cảnh quan cố đô rất được quan tâm, chăm chút. Kiến trúc quán ăn, quán cà phê, khách sạn lưu trú… dù là xây mới cũng phải nằm trong tổng thể của "cảnh cũ, người xưa". Không những thế, họ còn phát huy thế mạnh các lễ hội bản địa, đề cao văn hóa địa phương. Phải chăng nhờ vậy, trong khi nhiều nơi gặp khó khăn trong việc kéo du khách về sau dịch Covid-19, thì Kyeongju vẫn đón 50 triệu lượt khách mỗi năm.

Dĩ nhiên câu chuyện của Kyeongju có thể hơi đặc thù vì đây là cố đô, nhưng nếu tìm hiểu về Hàn Quốc chúng ta sẽ thấy rằng cách thức phát triển du lịch của họ tuân thủ những nguyên tắc nhất định, những đô thị mới thì rất hiện đại, còn những nơi cần phát huy cảnh quan tự nhiên, truyền thống văn hóa thì luôn được giữ gìn cẩn thận.

Một ví dụ khác là thành phố biển Pohang sở hữu 2 bãi biển với quy mô nhỏ nhưng không bao giờ ngớt khách, đặc biệt vào mùa hè. Biển cho họ một lợi thế và họ chọn cách làm đẹp thêm để khai thác mà không làm tổn thương tài nguyên xanh. Hạ tầng ven biển chỉ là những công trình đưa du khách đến gần với biển hơn bằng các lối tham quan như cầu gỗ, đường đi trải bằng cát... Còn homestay chính là những ngôi nhà của ngư dân và do chính ngư dân vận hành. Đến đó, tôi có thể hòa mình vào không gian làng biển, vui chơi và hiểu thêm không gian sống của người dân địa phương, rất truyền thống mà vẫn văn minh.

Taepyeong ở vùng biển Tây Nam Hàn Quốc là một câu chuyện khác về cách làm du lịch trân trọng tài nguyên xanh. Thay vì ào ạt phát triển du lịch bằng vẻ hào nhoáng, họ lựa chọn sự tĩnh lặng của thiên nhiên vùng biển. Bãi triều Dadohae ở Shinan-gun và trang trại muối Taepyeong được công nhận là bãi triều sạch, nơi nhiều loài sinh vật cùng tồn tại và muối biển được sản xuất theo cách thân thiện với môi trường, có giá trị toàn cầu do UNESCO công nhận.

Có đủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng, phát triển nhanh, nhưng Taepyeong lại đăng ký trở thành "thành phố chậm" đầu tiên của châu Á. Mỗi năm ngư dân Taepyeong sản xuất khoảng 16.000 tấn muối biển giá trị cao, kết hợp du lịch nông nghiệp với giới thiệu sản phẩm địa phương.

Ngày nay, với sự phát triển của hạ tầng và phương tiện giao thông, các điểm đến du lịch trong nước, nước ngoài không còn xa xôi cách trở như trước đây, nhiều khi đi du lịch ở nước ngoài thì giá vé máy bay chỉ bằng đi chặng đường dài trong nước. Du khách có nhiều sự lựa chọn, và vì vậy nhiều người sẽ không bỏ tiền đi xa chỉ để ngắm những khối bê tông cốt thép. Hơn nữa, cuộc sống hiện đại càng khiến con người muốn được du lịch trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới, nơi có cảnh quan tự nhiên và truyền thống văn hóa khác biệt, đặc sắc.

Những thế mạnh du lịch của Phú Quốc là rất rõ ràng, với 22 hòn đảo lớn nhỏ được thiên nhiên ưu đãi, biển xanh, cát vàng và hơn 60% diện tích tự nhiên là núi, rừng nguyên sinh. Đây cũng là ngư trường lớn nhất phía Nam, nơi có hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản đa dạng, nhiều loại có giá trị cao. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phú Quốc với diện tích trên 36,2 nghìn ha với hệ sinh thái rừng, động thực vật phong phú; thuộc Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đề án mới về phát triển Phú Quốc định hướng đưa đảo ngọc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực con người Phú Quốc và Kiên Giang. Đây là chủ trương đúng đắn và cũng là những định hướng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để hiện thực hóa.

Trong số những giải pháp để Phú Quốc là nơi đáng để đến, nơi đáng để sống, thiết nghĩ cần chú ý đúng mức đến việc tạo sự khác biệt dựa trên phát triển sức mạnh nội tại của địa phương, tôn trọng tài nguyên xanh và bảo tồn hình ảnh tự nhiên của Phú Quốc.

Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!