Phụ huynh vây trường và quyền đi học gần nhà
Đầu năm học 2023-2024, 200 trẻ mầm non không được đến lớp suốt gần 1 tháng do bố mẹ phản đối việc chuyển học sinh 5 tuổi từ điểm trường gần nhà đến điểm trường chính xa nhà, bất chấp điểm trường chính khang trang, to đẹp hơn.
Sự việc xảy ra tại Trường mầm non Mai Trung số 2, điểm trường thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Điểm trường chính đặt tại thôn Mai Phong, thừa 4 phòng học. Còn điểm trường ở thôn Cẩm Trang đã cũ, phòng học nhỏ, quá tải sĩ số học sinh một lớp, thiếu 5 phòng học.
Hai điểm trường chỉ cách nhau khoảng 3km, đi xe máy hết khoảng 10 phút. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương là ông bà đưa đón cháu đi học, chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp. Việc trẻ mầm non đi học 3km được cho là xa, không thuận tiện.
Sau gần 1 tháng liên tục đối thoại, chính quyền huyện Hiệp Hòa cuối cùng cũng nhìn nhận rằng, quyền cho con đi học gần nhà của người dân Cẩm Trang là chính đáng. Huyện đồng ý để trẻ tiếp tục học trường cũ và xây dựng thêm 2 phòng học tại đây.
Yêu cầu được đi học gần nhà cũng là nguồn cơn chính của nhiều sự vụ cha mẹ học sinh cho con nghỉ học để phản đối sáp nhập trường diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong những năm qua, như Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, Hòa Vang - Đà Nẵng, Triệu Sơn - Thanh Hóa...
Việc tổ chức lại cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng nhưng lại không nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh. Bởi một lẽ vô cùng giản đơn: trường mới xa nhà.
Để có thể thuyết phục phụ huynh cho con em đi học trở lại, tin vào lợi ích của việc đi học xa hơn một chút nhưng mọi điều kiện giáo dục khác tốt hơn, các nhà trường và chính quyền địa phương đã vô cùng vất vả.
Yêu cầu được đi học gần nhà cũng là nguyên nhân của sự việc hàng trăm phụ huynh "vây" Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày 21/8 vừa qua.
Dân số phường Tây Mỗ hiện có khoảng 70.000 người, chủ yếu là cư dân khu đô thị mới. Trước khi có trường Tây Mỗ 3, phường có 2 trường tiểu học là Tây Mỗ và Lý Nam Đế.
Theo phân tuyến tuyển sinh, trường Tây Mỗ dành cho cư dân các tổ dân phố truyền thống và các tòa chung cư gần trường. Cư dân các tổ dân phố mới xa trường hơn phải sang học trường Lý Nam Đế cách đó 3-5km, đi qua cầu vượt, đường tàu, đường liên tỉnh, nhiều xe container tải trọng lớn, thường xuyên tắc đường.
Cả hai trường Tây Mỗ và Lý Nam Đế đều quá tải, sĩ số 50-60 học sinh/lớp. Nhiều học sinh có thường trú không được vào, phải sang địa bàn lân cận hoặc quận, huyện khác để học.
Khi Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 được khởi công xây dựng, cư dân quanh trường tràn trề hy vọng vào việc con em của họ sẽ sớm không phải đi học xa nhà nữa.
Một phụ huynh ở căn hộ đối diện cổng trường có con đang học lớp 2 tại quận Thanh Xuân, nơi cách nhà chị 12km, đã bật khóc trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khi nói về niềm hy vọng của mình.
Rằng mỗi ngày đi qua cổng trường, nhìn từng viên gạch đang xây, chị lại có thêm động lực để đưa con vượt quãng đường 24 cây số cả đi lẫn về từ 6 giờ mỗi sáng và 7 giờ mỗi tối, đông cũng như hè. Bởi chị đinh ninh rằng, chỉ ít lâu nữa, con chị được đi học gần nhà.
Nhưng chị cùng với hơn 500 gia đình khác đã không thể tìm được thông tin tuyển sinh của trường ở đâu.
Khi đi hỏi các nơi, câu trả lời mà họ nhận được là như nhau: Chờ khi nào trường mới xây xong thì đến xin.
Lãnh đạo phường Tây Mỗ, lãnh đạo Trường Tiểu học Tây Mỗ, lãnh đạo Trường Tiểu học Lý Nam Đế có mặt tại buổi đối thoại với phụ huynh ngày 23/8 đã không phủ nhận thông tin phản ánh này của các phụ huynh.
Phụ huynh không tìm được thông tin tuyển sinh của trường Tây Mỗ 3 vì đơn giản là trường không tuyển sinh, ngoại trừ lớp 1. Trường Tây Mỗ 3 tách ra từ trường Tây Mỗ theo quyết định 1388 của UBND quận Nam Từ Liêm, mang theo 1.111 học sinh, đã bao gồm 460 học sinh lớp 1 tuyển sinh hộ (thời điểm tuyển sinh đầu cấp là 1/7, trường Tây Mỗ 3 lúc đó chưa xây xong, nên trường Tây Mỗ 1 tuyển sinh hộ).
Đáng nói, việc trường đã đủ học sinh chỉ được thông báo chính thức bằng văn bản tới cư dân trên địa bàn vào tối muộn ngày 21/8, tức sau 16 tiếng đồng hồ phụ huynh "vây" trường yêu cầu minh bạch thông tin tuyển sinh.
523 lá đơn đại diện cho nguyện vọng của 523 gia đình, 523 đứa trẻ được gửi đi với hy vọng có một sự "rà soát", "xem xét" nào đó giúp con em họ được đi học gần nhà.
Nguyện vọng đó đã được Phó chủ tịch quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà khẳng định là "chính đáng và phù hợp", hoàn toàn không phải do phụ huynh "tranh chỗ học với dân gốc" hay "thấy trường to đẹp thì đòi chuyển về" theo những thông tin mà mạng xã hội đang gán ghép cho họ.
385/523 gia đình, tức gần 74%, đã đồng ý chuyển trường cho con về các trường khác gần nhà hơn theo sự bố trí nguyện vọng của phòng giáo dục và UBND quận. Tuy vậy, sự việc trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về công tác quy hoạch trường lớp, phân tuyến tuyển sinh của địa phương.
Đi học gần nhà là quyền của học sinh tiểu học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học nêu rõ, học sinh "được học ở một trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học thuận tiện đi lại đối với bản thân trên địa bàn cư trú".
Sự thuận tiện đi lại là một trong những cơ sở thiết yếu để TPHCM áp dụng phân tuyến tuyển sinh bằng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ (GIS). Học sinh được phân bổ chỗ học theo nguyên tắc học trường gần nhà thay vì căn cứ trên địa giới hành chính phường. Nơi ở hiện tại trở thành tiêu chí chính thay cho thường trú, tạm trú.
Đồng thời, khi kết hợp công nghệ bản đồ GIS với dữ liệu tuyển sinh, các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về việc phân bố dân cư, từ đó đưa ra quy hoạch trường lớp một cách phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Sự thuận tiện đi lại trên địa bàn cư trú cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng giáo dục và an sinh, xã hội. Những đứa trẻ không thể cứ ròng rã lớn lên trên yên xe, lúc lỉu gục đầu sau lưng cha mẹ trong cơn thiếu ngủ buổi sáng và mệt mỏi buổi chiều, trên những con đường đô thị kẹt cứng xe cộ và dài cả chục cây số.
Trong khi ấy, ngôi trường thuận tiện đi lại với các em thì lại… xa vời.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!