Tâm điểm
Phạm Tâm Long

Ô nhiễm không khí: Chuyện "quả táo và quả cam"

Thời gian gần đây ô nhiễm không khí trở thành chủ đề nóng với Hà Nội và TPHCM. Nhiều lần báo chí đưa tin Hà Nội nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) Hà Nội nằm ở mức từ trên 200 đến trên 300.

Chỉ số AQI dao động từ 0-500, tức chỉ số càng cao tương ứng với mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng, và tác động tới con người càng lớn. Ở mọi nơi trên thế giới, ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng", có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn. Thông thường, nhóm người có thu nhập thấp hơn và dễ chịu tổn thương như trẻ em và người già phải chịu những tác động này nhiều nhất.

Ô nhiễm không khí: Chuyện quả táo và quả cam - 1

Dịp cuối năm âm lịch, nhiều lần báo chí đưa tin Hà Nội nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới (Ảnh minh họa: Nguyễn Hải)

Câu chuyện ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM là có thật, nhiều khi chúng ta có thể tự cảm nhận khi nhìn vào dòng phương tiện ùn tắc kéo dài và bầu trời mờ mịt. Tuy nhiên, cách tiếp cận "chỉ mặt đọc tên" thành phố này, thành phố kia ô nhiễm nhất thế giới có thể gây hiểu lầm và trên hết là không chính xác hoàn toàn về mặt khoa học.

Các chất gây ô nhiễm - nguyên nhân chính gây ra chỉ số chất lượng không khí kém thường không tương đồng hoặc khác nhau đáng kể giữa các thành phố. Có một thành ngữ nổi tiếng trong tiếng Anh: "Apples and Oranges - Quả táo và Quả cam", mang ý nghĩa chỉ 2 vật có sự tương đồng, nhưng không thể so sánh với nhau. Việc cho rằng thành phố này ô nhiễm hơn thành phố kia, không khác gì so sánh quả táo và quả cam.

Ngoài chỉ số quen thuộc đo độ ô nhiễm như hạt bụi mịn PM10 và PM2.5, AQI chủ yếu dựa vào các chất ô nhiễm phổ biến khác như khí carbon monoxide (CO), nitơ dioxide (NO2), lưu huỳnh dioxide (SO2) và ozone (O3). Nhưng vẫn còn rất nhiều những chất ô nhiễm khác như VOCs (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), amoniac … không được đưa vào tính toán AQI. Điều này khiến chỉ số AQI không phản ánh chính xác tình trạng ô nhiễm toàn diện.

Thêm vào đó, các yếu tố như gió, độ ẩm, nhiệt độ, và độ ổn định của khí quyển ảnh hưởng lớn đến mức độ ô nhiễm không khí và sự lan tỏa của các chất ô nhiễm. Trong những ngày không có gió hoặc trong điều kiện khí tượng không thuận lợi, ô nhiễm có thể tích tụ tại một khu vực, nhưng AQI không phản ánh được điều này ngay lập tức. Ngược lại, trong điều kiện gió mạnh hoặc mưa, ô nhiễm có thể được "rửa trôi" hoặc phân tán, làm giảm chỉ số AQI, mặc dù thực tế mức độ ô nhiễm vẫn có thể cao.

Mỗi quốc gia có thể có cách tính AQI và các ngưỡng tiêu chuẩn khác nhau dựa trên các yếu tố như các chất ô nhiễm quan trọng trong từng khu vực, các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng và mức độ nhạy cảm của dân cư với ô nhiễm không khí.

Hơn nữa, một số thành phố sẽ không lọt vào danh sách "ô nhiễm nhất" chỉ vì họ không giám sát chất lượng không khí như rất nhiều thành phố ở châu Phi. Ngay cả những thành phố có giám sát mức độ ô nhiễm cũng sẽ có số lượng trạm quan trắc khác nhau ở từng địa điểm.

Các trạm quan trắc có thể tập trung ở các khu dân cư ít ô nhiễm hơn ở một "quả táo", nhưng lại được đặt trên những con đường đông đúc với mức ô nhiễm cao trong một "quả cam". Để có thể có dữ liệu phổ quát mang tính thuyết phục, số lượng trạm giám sát tối thiểu cần được đảm bảo, tuy vậy điều này thường không được nói đến trong các bảng xếp hạng thành phố ô nhiễm trên các ứng dụng phổ biến.

Tôi đang sinh sống tại Nhật Bản, nơi được đa phần các bảng xếp hạng và ứng dụng đánh giá như một trong những quốc gia ít ô nhiễm trên thế giới. Theo báo cáo của IQAir, chỉ số AQI trung bình của Nhật Bản là 40 trong năm 2023. Vậy có thực sự là chất lượng không khí Nhật Bản không có hại với sức khỏe con người? Thực tế, chỉ số ô nhiễm hạt bụi mịn PM2.5 tại Nhật vẫn lớn hơn 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong năm 2019, có tới hơn 42.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí tại Nhật Bản, theo báo cáo của Statista.

Có nhiều lý do khiến việc sử dụng các bảng xếp hạng chỉ số AQI dễ gây hiểu lầm. Trước hết, ô nhiễm không khí là vấn đề phức tạp và không thể giải quyết qua những phán xét đơn giản hay việc đưa ra những danh sách xếp hạng.

Tại Việt Nam, những nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí đang được thực hiện qua việc phát triển giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường và hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm. Chúng ta cần thiết nhìn thẳng vào vấn đề ô nhiễm không khí, tuy nhiên cần cách tiếp cận khoa học và có chọn lọc để tránh những đánh giá sai lệch về nỗ lực và kết quả thực tế, khi những khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, mức độ công nghiệp hóa cao hay lượng phương tiện cá nhân lớn vẫn là thách thức lớn.

Ô nhiễm không khí: Chuyện quả táo và quả cam - 2

Sáng 19/1, TPHCM phủ lớp mù mờ ảo, trời nhiều mây (Ảnh: Nam Anh).

Việc "chỉ mặt đọc tên" một thành phố nào đó vì ô nhiễm không khí có thể giúp vấn đề được quan tâm hơn, từ đó buộc chính quyền và người dân phải có những biện pháp cần thiết. Nhưng, thực tế trên thế giới cũng cho thấy việc "chỉ mặt đọc tên" quá mức có thể dẫn đến những phản ứng cực đoan, kiểu "buông xuôi" hoặc che giấu dữ liệu để tránh bị chỉ trích đối với nhà chức trách, và tạo nên tâm lý tiêu cực đối với người dân.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí cần tầm nhìn dài hạn. Ở Nhật Bản, chính quyền và người dân luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua nhiều biện pháp hiệu quả. Người Nhật tôn trọng lối sống theo tinh thần "Mottainai", khuyến khích tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng đồ vật và giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách sử dụng túi tái chế khi mua sắm. Bên cạnh đó, họ ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, Shinkansen và xe buýt, đồng thời áp dụng rộng rãi các loại xe thân thiện với môi trường như xe hybrid (kết hợp 2 nguồn năng lượng xăng và điện).

Ý thức cộng đồng của người Nhật được nâng cao thông qua giáo dục môi trường từ nhỏ, kết hợp với các hoạt động dọn dẹp trường lớp, khu phố và bảo vệ các khu vực công cộng. Văn hóa sống hòa hợp với thiên nhiên cùng truyền thống tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên thông qua các lễ hội lớn như Sakura (hoa anh đào) hay Momiji (lá đỏ) đã giúp người dân thêm gắn bó và ý thức hơn trong việc bảo vệ bầu không khí trong lành.

Các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và TPHCM có thể học hỏi từ những quốc gia đã thành công như Nhật Bản trong việc cải thiện chất lượng không khí, đồng thời, chia sẻ sáng kiến của mình với các quốc gia khác.

Không khí sạch là quyền cơ bản của con người và chúng ta cần hành động khẩn cấp để giảm ô nhiễm không khí - đặc biệt là ở các nước đang phát triển nhanh như Việt Nam. Xếp hạng và chỉ ra những thành phố ô nhiễm nhất, như phân tích ở trên, có thể không hoàn toàn chính xác về mặt khoa học, và vì vậy có thể bị sử dụng vào mục đích định hướng thông tin hơn là cách tiếp cận bài bản.

Thay vì chỉ nhìn vào những bảng xếp hạng, chúng ta cần suy nghĩ kỹ lưỡng và tập trung vào những giải pháp lâu dài, mang tính khoa học và hợp tác quốc tế để xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế - Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!