Nói không với "văn hóa phong bì"
Chuyện đã nhiều năm trước, khi mua chiếc ô tô mới và đi đăng kiểm, tôi tự tin sẽ được thông qua nhanh. Nhưng tôi chờ mãi không thấy đến lượt mình, trong khi những xe khác vào sau đã về từ bao giờ. Hỏi một chủ xe đi đăng kiểm vào sau nhưng ra trước, anh bảo: "Bạn không để 200.000 đồng trên xe thì chờ lâu là đúng rồi". Tôi hiểu ra vấn đề.
Chờ đợi suốt cả buổi sáng song không muốn mất nốt buổi chiều, tôi đành bỏ 200.000 đồng vào ghế trước trong xe rồi quay ra. Một lúc sau xe được "đi khám" và chỉ khoảng 30 phút là xong.
Lúc đó tôi đã nghĩ rằng ở trạm đăng kiểm này thời gian được "bán", với giá 200.000 đồng có thể mua được cả một buổi sáng. Nhưng những người không biết cách "mua" thời gian, có thể mất đến cả ngày mà chưa chắc đã xong việc.
Tôi chắc chắn mình không phải trường hợp cá biệt chọn cách ứng xử trên trong cuộc sống hàng ngày. Những lúc chúng ta vi phạm một lỗi nhỏ nào đó hoặc cần giải quyết nhanh một thủ tục, "bôi trơn vài đồng" là cách mà nhiều người lựa chọn. Chỉ để mọi thứ nhanh hơn và đỡ phiền phức.
"Văn hóa phong bì" đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong xã hội. Rất nhiều người lên án nó, nhưng cũng không ít người làm quen với nó. Và đây chính là nguyên nhân gây ra tham nhũng vặt. Khi hối lộ trở thành một thói quen thì cả người đưa và người nhận sẽ cảm thấy điều vốn dĩ vi phạm pháp luật trở nên dễ "được chấp nhận".
Theo Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020.
Trên cái nền tham nhũng vặt ấy nổi lên những vụ tham nhũng lớn, nằm ngoài hình dung của nhiều người. Trong các đại án gần đây, hành vi đưa và nhận hối lộ có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng, người ta cầm cả vali tiền đưa cho nhau.
Trước tòa, hành vi đó được ngụy biện bởi những từ ngữ đánh tráo khái niệm như "quà cảm ơn", "bày tỏ lòng biết ơn"… Một số doanh nhân trong đại án "chuyến bay giải cứu" nói rằng họ là nạn nhân của văn hóa phong bì, cơ chế xin cho.
Tôi cũng như nhiều người khác rất bức xúc trước những hành vi tham nhũng. Nhưng bức xúc không làm tôi vô can. Như đã kể ở trên, tôi cũng từng "bôi trơn", cho dù số tiền nhỏ. Nghĩ lại, tôi cảm giác mình vừa là "nạn nhân" vừa là "thủ phạm" của tệ nạn này.
Thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã đạt được những bước tiến và kết quả hết sức quan trọng, hàng loạt đại án được phanh phui. Tuy nhiên, như các cấp có thẩm quyền đã nhận định và qua các khảo sát (đơn cử như khảo sát của VCCI) cũng như cảm nhận của mỗi người, có thể nói tệ nạn tham nhũng vặt vẫn còn gây bức xúc trong xã hội, gây ra hậu quả không hề "vặt".
Để phòng, chống tham nhũng nói chung, trong đó có tham nhũng vặt cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và kiên trì. Và một vấn đề được nhiều chuyên gia nêu lên là cần vận động, xây dựng văn hóa nói không với tệ nạn "bôi trơn", tiến tới mọi người trong xã hội đều không chấp nhận "bôi trơn" như một phương cách "khôn ngoan" để được việc.
Xây dựng văn hóa này dễ không? Tôi nghĩ là không dễ, nếu dễ thì chúng ta đã làm được từ lâu rồi.
Khó nhưng phải làm và phải bằng những việc cụ thể, bằng ý thức của mỗi người và của cả xã hội. Một kinh nghiệm quốc tế từng được giới thiệu tại cuộc thi sáng tạo phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức vào năm 2013. Đó là chuyện ông Raghunandan, công dân Ấn Độ, đã thành lập trang Ipaidabribe (tạm dịch Tôi hối lộ) vào năm 2010 để người dân nước này kể lại những câu chuyện "chung chi" của chính họ.
Ipaidabribe cho phép mọi người lên tiếng về tham nhũng mà không cần tiết lộ danh tính, với ba nhóm nội dung phản ánh chính gồm "Tôi đã hối lộ", "Tôi đã không hối lộ" và "Tôi không cần hối lộ" (nhờ gặp được công chức tử tế). Chỉ sau hai năm hoạt động, Ipaidabribe thu thập được hơn 20.000 phản ánh về các vụ việc hối lộ xảy ra tại trên 500 khu vực của Ấn Độ.
Theo ông Raghunandan, qua phản ánh của người dân, ông và các cộng sự lập báo cáo gửi đến Chính phủ, hoặc cơ quan phòng chống tham nhũng và đưa ra các khuyến nghị. Với cách làm này, Ipaidabribe đã góp phần tác động tích cực tới chính quyền trung ương lẫn địa phương ở Ấn Độ, giúp điều chỉnh nhiều chính sách phòng, chống tham nhũng cũng như sửa đổi quy trình dễ xảy ra tham nhũng.
Trong số các sáng kiến gửi đến cơ quan chức năng trong cuộc thi do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức kể trên, từng có sáng kiến lập một trang tương tự ở Việt Nam, nhưng đến nay thì trang web này không hoạt động. Tôi không rõ lý do vì sao, tuy nhiên, thiết nghĩ trong xu thế chuyển đổi số và để góp phần thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thì việc tổ chức thêm những kênh tiếp nhận phản ánh của người dân, thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết. Qua đó người dân cảm thấy an toàn và được lắng nghe khi phản ánh những vụ việc từ cơ sở.
Trong cuộc trò chuyện mới đây với tôi, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho hay so với hình thức khiếu nại, tố cáo thì tỷ lệ người dân chọn hình thức phản ánh, kiến nghị ngày càng tăng (có những thời điểm chiếm khoảng 60-70%). Chúng ta đã có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trong khi đó hành lang pháp lý về việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân tuy đã có nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn còn những bất cập.
Theo quy định hiện nay, kiến nghị, phản ánh được hiểu là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Việc khiếu nại, tố cáo bắt buộc phải thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, phải nêu bằng chứng và chịu trách nhiệm cá nhân. Trong khi đó, người phản ánh, kiến nghị có thể thực hiện qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… mà không nhất thiết phải tiết lộ danh tính và không ràng buộc trách nhiệm về bằng chứng.
Tất nhiên, trường hợp người dân cung cấp những bằng chứng có giá trị pháp lí về hành vi vi phạm pháp luật thì cần có cơ chế khen thưởng. Vừa qua lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đã đề xuất về cơ chế trả tiền cho người dân để mua lại các hình ảnh, video vi phạm giao thông phục vụ cho việc xử phạt nguội. Đây là một ví dụ cho thấy nhu cầu từ phía cơ quan chức năng.
Cơ chế tiếp nhận cởi mở và an toàn sẽ khuyến khích nhiều người dân phản ánh, kiến nghị hơn, và tất nhiên khi đó sẽ cần đến hành lang pháp lý rõ ràng trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý các phản ánh, kiến nghị này.
Ví dụ, nếu có một clip về nạn "bôi trơn" muốn phản ánh, người dân không thể gửi vào hòm thư hay đường dây nóng truyền thống. Vậy gửi vào đâu, ai chịu trách nhiệm xử lý, giám sát… thì phải có quy định cụ thể. Và khi chúng ta có hành lang pháp lý với các quy định cụ thể, chắc chắn là những sáng kiến như trường hợp trang web Ipaidabribe sẽ trở nên khả thi.
Trong chuyến đến Việt Nam năm 2013, ông Raghunandan cho rằng: "Nếu coi hối lộ, tham nhũng là những con muỗi thì anh có đập chết một trăm con muỗi cũng sẽ có một trăm con khác sinh ra, cho nên điều kiện cần phải thay đổi là môi trường ở đó để không phát sinh những con muỗi khác". Có thể nói việc xây dựng những kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị theo hướng cởi mở và an toàn chính là để góp phần làm sạch môi trường, không để sinh ra "muỗi".
Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!