Uy quyền chiếc phong bì, chuyện lạ « bệnh ghẻ ruồi » khó chữa
(Dân trí) - Cách đây đúng 2 năm, trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà tham nhũng nhỏ cũng rất khó chịu. “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.
Một tuần trước, đoàn thanh tra công vụ của TP Hà Nội đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc bà Vũ Thanh Hoa bức xúc với cán bộ phường Văn Miếu khi làm giấy chứng tử cho người thân. Theo đó, đoàn thanh tra đã kiến nghị chấm dứt hợp đồng lao động với Nguyễn Lê Hiếu, là cán bộ chuyên trách tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của phường này.
Có lẽ không cần phải nói vụ việc này đã diễn biến ra sao, bởi nó đã gây chấn động dư luận cả nước một thời gian, khi mà đến cả tờ giấy chứng tử cũng phải hết một hành trình 6 lượt đi – về.
Theo bản kết luận, không có chuyện cán bộ phường gợi ý đòi “lót tay” 200.000 đồng mới giải quyết công việc, thế nhưng, “chiếc phong bì” với “văn hóa” sâu xa của nó đã trở nên phổ biến đến nỗi bất cứ ai cũng có thể “tự hiểu ra”.
Lạ nỗi, ở xứ ta, không phải anh cứ quyền cao chức trọng gì mới được người ta “giúi” cho phong bì, mà làm ở bất cứ vị trí nào, chức nhỏ đến mấy anh cũng có cơ hội để tham nhũng, “vặt” tiền của dân. Từ ông bảo vệ, bà văn thư đến cậu lễ tân, cô y tá... Bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng đều có nguy cơ xảy ra tiêu cực, không chỉ là thuế, hải quan, địa chính mà còn cả giáo dục, y tế, bộ phận tiếp dân ở phường xã v.v…
Mỗi một “dịch vụ” đều có giá riêng, đôi khi cũng chẳng nhiều nhặn gì. Có khi chỉ 10.000 đồng, 20.000 đồng thôi, nhưng không có không xong việc, hồ sơ trả đi trả lại (lắm lúc không hiểu thiếu gì), đến mức người đi làm thủ tục cảm thấy chán nản và uể oải. Cái đó người ta gọi “hành” nhau là “chính”: hành vì cái tội “có mỗi chuyện cỏn con thế cũng không chịu hiểu”, đã thế phải “hành” đến lúc hiểu mới thôi!
Còn nhớ, cách đây đúng 2 năm, trong một lần tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó cũng chỉ ra rằng, không chỉ có tham nhũng lớn, mà tham nhũng nhỏ cũng rất khó chịu. “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.
Cứ nghĩ chống tham nhũng phải là những vụ án to tát lắm, cỡ PMU 18, Vinashin, Vinalines, thất thoát phải trăm, nghìn tỷ đồng. Thế nhưng thực tế, 63 tỉnh thành, đi đến đâu cũng vài ba cái phong bì 10.000 đến 200.000 đồng như thế, tưởng nhỏ mà chẳng nhỏ tí nào! Chính những cái phong bì ngỡ là “vặt vãnh” đó tạo nên một thứ “văn hóa” ăn sâu vào đời sống, “bôi trơn” xã hội, bóp méo nhân cách, lòng tự tôn, tự trọng của con người.
PGS-TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển tại một diễn đàn khoa học hồi cuối tháng 7 bàn kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã nói rất hài hước mà sâu cay, rằng: “Phong bì cũng cứu được rất nhiều việc. Có nhiều việc tưởng rất khó nhưng hóa ra lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”.
Trên tờ Người Lao động số ra ngày 24/7, ông San phân tích: không có sức ép của thị trường lên bộ máy hành chính mà bộ máy “tự tung, tự tác”, nhất là quyền chọn người, nên mới có chuyện Sở Tài chính Hà Nội tuyển 100 suất nhưng có đến 2.000 người chen nhau vào.
Do đó, theo ông San,cần có sự tham gia giám sát của xã hội với bộ máy hành chính. “Chúng ta cải cách thủ tục hành chính để cho nhà nước hài lòng, nói nôm na là tự sướng, chứ hỏi người dân, doanh nghiệp có hài lòng hay không, tôi nghĩ không có đâu. Doanh nghiệp đang kêu trời, người dân cũng vậy” - ông San phát biểu thẳng thắn, không giấu nổi sự ngao ngán của mình.
Còn người viết, xin nói thẳng quan điểm của mình, rằng nếu vốn dĩ cuộc sống đã tồn tại tình trạng “ra giá – trả giá” như vậy thì trong một số trường hợp, như cung cấp dịch công, hãy để thị trường tự điều tiết. Nhà nước đấu thầu cho tư nhân làm, thay đổi mối quan hệ “xin-cho” sang mua bán cung cấp dịch vụ.
Những trường hợp còn lại, vì những lý do nào đó mà Nhà nước phải nắm giữ và nếu đã lỡ tuyển theo lối “4C”, “ngũ ệ” vào bộ máy thì chỉ còn cách tăng cường công khai, minh bạch; siết chặt quản lý, giám sát. Một khi không còn cơ hội kiếm chác được gì, tham nhũng tự khắc sẽ ra đi!
Bích Diệp