Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Nói dối con trẻ

Hôm nay là ngày Cá tháng Tư, ngày người ta được quyền nói dối để trêu đùa, vui cười với nhau miễn sao đó là lời nói dối vô hại.

Khi còn trẻ, lại là một nhà báo, tôi căm ghét sự dối trá. Tôi luôn tâm niệm rằng nhà báo và sự thật phải gắn chặt với nhau như hình với bóng. Nhà báo thì phải nói thật. Nói thật thì mới xứng đáng là nhà báo. Nhưng về sau tôi hiểu rằng trong cuộc sống không ít thì nhiều, không lúc này thì lúc khác, chúng ta phải sống chung với những lời nói dối và đó là những lời nói dối giúp con người sống tốt hơn, cuộc đời đẹp hơn.

Có một câu chuyện được lưu truyền thế này. Ngày bé, Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại, một hôm mang tờ giấy về cho mẹ, bà Nancy. Mẹ ông sau khi đọc nội dung tờ giấy đã bật khóc. Nhưng rất nhanh chóng, bà lấy lại bình tĩnh và đọc to tờ giấy đó với con: "Con bạn là một thiên tài. Trường học của chúng tôi quá nhỏ so với tài năng của Edison và không có giáo viên nào đủ giỏi để đào tạo cậu bé. Gia đình có thể tự dạy dỗ cháu". 

Phải nhiều năm sau, Edison mới biết được nội dung thật sự của tờ giấy năm ấy: "Con bạn bị thiểu năng trí tuệ, chúng tôi không thể tiếp tục nhận thằng bé. Edison đã bị đuổi học". Mẹ ông đã nói dối ông theo cách đó. Một lời nói dối thật lòng từ một người mẹ.

Bao nhiêu người cha, người mẹ đã nói dối thật lòng như vậy trong suốt tuổi thơ của con mình? Như những câu nói dối kinh điển "Con ăn đi, mẹ no rồi". Nó kinh điển bởi rất nhiều đứa trẻ sau đó lớn lên đều đã lặp lại lời nói dối đó với chính con mình. 

Đã có lúc cho rằng các cha mẹ nói dối con kiểu "Con ăn đi, mẹ no rồi" hay "mẹ không sao, con cứ lo học đi" là một cách giáo dục sai lầm khiến con cái trở thành một đứa trẻ ích kỷ. Cho đến khi tôi trở thành người cha của lần lượt ba đứa con. Tôi nhận ra mình đã nói dối con nhiều lần, một cách thật lòng và chưa bao giờ thấy ngượng miệng. Thậm chí, còn hạnh phúc khi thấy con tin vào lời nói dối của mình.

Có một bộ phim rất nổi tiếng: La Vita è Bella (tựa Việt: Cuộc sống tươi đẹp). Guido (Roberto Benigni thủ vai), người cha đã nói dối con trai mình về một thử thách kiếm đủ 1.000 điểm để có một chiếc xe tăng mới và rất đẹp. Lời nói dối đó đã giúp Joshua, cậu con trai bé bỏng của ông nuôi dưỡng niềm tin trong tim và nụ cười trên môi của cậu bé trong những năm tháng phải sống ở nơi đen tối nhất cuộc đời.

Làm cha mẹ là thế, những lời nói dối nhưng rất thật lòng của họ bắt đầu từ lòng thương con thật lòng. Như những người mẹ đau lắm mà vẫn nở nụ cười trước con mình mà nói: Mẹ thấy khỏe hơn nhiều rồi. Như những người cha mệt mỏi trong cuộc mưu sinh của cuộc đời nhưng khi về nhà vẫn làm siêu nhân bố với con mình. 

Nói dối con trẻ - 1

Một cảnh trong phim Cuộc sống tươi đẹp (Ảnh chụp màn hình)

Họ có quyền nói thật về cơn đau đang hành hạ họ, về vất vả mưu sinh với con mình để đòi hỏi con phải học tốt, phải biết nghĩ cho cha mẹ, phải giúp đỡ cha mẹ. Nhưng họ đã chọn nói dối. Họ nói dối nhưng lại không phải để lừa gạt con mình mà chỉ đơn giản, một cách thật lòng, họ hạnh phúc khi nhìn thấy con tin vào lời nói dối của họ. Những cơn đau hành hạ thể xác họ đã giảm đi nhờ những cảm giác hạnh phúc được sinh ra. Những mệt mỏi thường nhật cũng giảm đi khi họ thấy con họ hạnh phúc. 

Có một điều kỳ lạ mà tôi nhận ra sau hàng chục năm tiếp xúc với trẻ con là những đứa trẻ "bị" cha mẹ nói dối như thế đa phần đều trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và rất biết nghĩ cho cha mẹ, thương cha mẹ chứ không hề ích kỷ như tôi từng hồ nghi về cách giáo dục này. 

Trong khi có những đứa trẻ hàng ngày "được" cha mẹ thật thà kêu than về cuộc đời vất vả, khổ sở, bắt con trẻ phải chịu chung với những bất hạnh của mình, đòi hỏi con phải biết nghĩ về những hy sinh của mình…, thì đã trở thành những đứa trẻ tiêu cực, u uất, nhút nhát và có những đứa trẻ sinh ra chán đời, tuyệt vọng, mất lòng tin vào cuộc sống, tương lai.

Không ai trong chúng ta muốn con mình trở thành người dối trá. Chúng ta luôn được khuyên rằng: Hãy làm gương cho con bằng sự trung thực của mình. Đúng! Hầu hết những đứa trẻ có tật xấu nói dối đều là học từ chính cha mẹ của chúng. Những lời nói dối của cha mẹ rất ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của con trẻ. Thế nên nói dối con trẻ đúng là điều cấm kỵ trong hành trình làm cha, làm mẹ. Như thay vì nói dối "Tiêm không đau đâu con, thuốc này ngọt í mà", tôi vẫn hay chọn cách nói thật "Sẽ hơi đau đấy, nhưng bố tin con chịu được", "Thuốc này sẽ hơi đắng, bố chuẩn bị sẵn quả chuối này cho con hết đắng nhanh hơn". 

Nhưng đôi khi, có những thứ tôi buộc lòng phải nói dối như người cha Guido trong bộ phim La Vita è Bella bởi con không đáng phải chịu những sự thật quá tuổi chịu của con. Như Guido khi nói về những tên lính tàn ác trong trại cải tạo của phát xít "là vì họ cũng khao khát có điểm để lấy phần thưởng là chiếc xe tăng". Là để con cái chúng ta giữ được lòng tin vào cuộc đời vẫn còn những điều tốt đẹp. 

Một đứa trẻ có tuổi thơ hạnh phúc sẽ giúp sức đề kháng của chúng mạnh hơn những đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh. Đó cũng là thứ mà tôi học được trong suốt những năm tháng làm báo cho học trò của mình. Làm báo bằng trái tim chứ không chỉ có sự thật, sự thật và sự thật. Là sự thật phải được lọc qua trái tim. Không phải mọi thuốc đắng đều có thể giã tật và không phải mọi sự thật đều mang đến giá trị tốt đẹp. 

Đặc biệt với con trẻ, những đứa trẻ chưa có nhiều trải nghiệm cuộc đời cũng như sức chống chịu trước những sự thật nghiệt ngã của cuộc đời. Và cả những sự thật nhất thời, sự thật mang tính thời điểm. Nhà báo là những người tôn trọng sự thật nhưng không thể dùng sự thật như một vũ khí sát thương người khác. Và cha mẹ cũng vậy, nếu sự thật đó có thể khiến con cái tổn thương thì chẳng cha mẹ nào muốn vậy cả.

Tôi luôn nghĩ về nói dối gồm hai loại. Một loại nói dối bằng miệng và một loại nói dối bằng tim. Nói dối bằng miệng là loại nói dối phát ra từ miệng mà đầu óc chúng ta không nghĩ thế. Nói dối bằng tim là loại nói dối phát ra từ trái tim, vì lòng yêu một ai đó mà ta phải nói dối để bảo vệ họ. 

Nói dối bằng miệng là thứ nói dối chúng ta cần lên án, cần xóa bỏ, cần tránh. Nói dối bằng trái tim là thứ bất đắc dĩ chúng ta phải làm, cân nhắc mỗi khi sử dụng. Bởi nói dối khi được lọc qua trái tim nó sẽ trở thành một lời nói thật. Thật như cách chúng ta thương yêu con mình. Thật như hạnh phúc của con mà chúng ta thấy trong đôi mắt của chúng nhìn ta vậy.

Hôm nay, ngày nói dối để chúng ta nghĩ thật về những lời nói dối vậy!

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!