Tâm điểm
Hoàng Lam

"Con có phải là đứa trẻ hạnh phúc không?"

Nửa đêm, cô bạn đồng nghiệp nhắn tin "đọc thư thằng bé mà khóc suốt đêm". Thằng bé cô bạn đồng nghiệp của tôi nhắc tới là cậu bé lớp 10 ở một trường chuyên tại Hà Nội, đã chọn cách kết thúc cuộc đời khi nhảy từ ban công tầng 12 xuống đất, lúc hơn 4h sáng. 

Tôi và chúng ta không phải là người trong cuộc, không thể hiểu hết căn nguyên của sự việc, cũng không có quyền phán xét ai. Nhưng sự thật đã xảy ra và không thể thay đổi được nữa. Cậu bé đã mãi mãi dừng việc đến trường ở tuổi 15, cái tuổi không còn bé bỏng song cũng chưa đủ trưởng thành. 

Sáng nay tôi hỏi con trai gần 9 tuổi của mình "con có phải là đứa trẻ hạnh phúc không?". Nó nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu "không". Tim tôi như đánh hẫng một nhịp. "Vì sao?" - "Cái đó mẹ tự hiểu", nó quay lại với bộ phim hoạt hình đang xem dở, để lại một người mẹ lòng rối như tơ vò. 

Tôi cố gắng kiểm điểm lại bản thân và vẫn chưa hiểu được vì sao một đứa trẻ 9 tuổi không hạnh phúc trong khi vợ chồng tôi không để con phải thiếu thốn thứ gì. Bản thân tôi chưa từng gây áp lực học hành lên con, chưa từng bắt con phải tham gia lớp học thêm. Yêu cầu của tôi đối với con chỉ là hoàn thành hết bài tập về nhà của mình. Nhưng có lẽ, điều một đứa trẻ cần không chỉ có như vậy.  

Cô bạn khác của tôi, con năm nay vào lớp một. Cháu là đứa trẻ thông minh nhưng khả năng phát âm và diễn đạt kém hơn các bạn. Đọc chậm hơn nên cháu thường xuyên bị phê bình và phải ở lại chép phạt. Cô bạn tôi cũng nhiều lần được cô giáo "nhắc nhở" kèm cặp con thêm để có thể theo kịp bạn bè trong lớp.

Đọc kém nên thằng bé ghét phải học môn tiếng Việt, nó chỉ thích làm toán và tô màu. Cô bạn tôi bảo, có những tối cả môn tập toán lẫn tiếng Việt con phải hoàn thành là 5 quyển vở, hai mẹ con đánh vật đến tận khuya cũng không xong. Con khóc, mẹ cáu, một phút không kiềm chế được, cô ấy đánh con. "Con khổ lắm", lời thằng bé 6 tuổi, phát âm chưa rõ khiến cô ấy bừng tỉnh. Áp lực ấy đâu phải mỗi mình bố mẹ phải đối mặt, để rồi trút cả lên con. Nhưng rồi cuộc chiến bài tập, điểm số ngày hôm sau vẫn phải tiếp tục. Những buổi học trở nên ám ảnh với cả mẹ lẫn con. Những buổi học không chỉ có con số và chữ cái, mà có cả tiếng quát mắng và những giọt nước mắt...

Làm cha, làm mẹ chưa bao giờ là dễ bởi không có công thức chung nào cả. Mỗi đứa trẻ là một tính cách riêng biệt, có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Trong khi đó, không ít phụ huynh thường đặt quá nhiều kỳ vọng và có xu hướng yêu cầu con mình phải giỏi toàn diện, hoặc ít nhất là học thật giỏi. Thậm chí, nhiều đứa trẻ phải gồng mình đến kiệt sức để học, để đậu vào trường nọ, trường kia, mai này có thể làm ông này bà nọ, dù rằng đó chưa chắc đã là ước mơ của chúng, mà là ước mơ của bố mẹ.

Những đứa trẻ phải gánh nặng "cuộc đời mơ ước" của người khác, lạc lõng và cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Có người sẽ nói áp lực, trong đó có thành tích học tập là điều cần thiết để những đứa trẻ biết được giới hạn của bản thân và luôn nỗ lực. Tuy nhiên, người sáng lập tổ chức phát triển kỹ năng Hướng dẫn Chơi vui (Good Play Guide), bà Amanda Gummer lại cho rằng điểm thi không phải là tất cả, càng không phải yếu tố quyết định mà cuộc sống cần nhiều phẩm chất khác. 

Còn theo PGS. TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chỉ ra nhóm tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất là từ 16-20; nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12-15 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Như vậy, nhóm có tỉ lệ tự tử cao nằm trong độ tuổi học sinh. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một thực tế là áp lực và sự cô độc khiến các em dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực. 

Khi tự hỏi như thế nào là một đứa trẻ hạnh phúc, tôi nghĩ rằng đó là những đứa trẻ được sống đúng với lứa tuổi của mình, không phải gánh những áp lực vốn chỉ dành cho người lớn. 

Khi một đứa trẻ không phải gánh trên đôi vai bé nhỏ áp lực vô hình từ kỳ vọng của cha mẹ, khi một đứa trẻ làm toán sai mà không bị quát mắng, thay vào đó là một cái ôm động viên, tôi nghĩ đó mới là đứa trẻ hạnh phúc. Điều này có thể rất khó trong một xã hội đua tranh, so sánh mọi thứ và một nền giáo dục vẫn nặng thành tích. Nhưng, khó thay đổi không có nghĩa là không thể thay đổi.