Tâm điểm
TS Nguyễn Thụy Anh

Tình yêu vô điều kiện với con trẻ

Tình yêu vô điều kiện với con trẻ - 1

Các em nhỏ của chúng ta luôn cần được tin vào tình yêu vô điều kiện của cha mẹ, của những người lớn trong xã hội (Ảnh: DT)

Ngày con tôi còn nhỏ, nó rất hay hỏi: "Mẹ có yêu con không?" "Mẹ có yêu con cả khi… con hư không?"… Nó lẽo đẽo đi theo người lớn, hỏi đi hỏi lại, chỉ để biết, nó còn được yêu hay không. 

Trẻ con có nỗi sợ như thế đấy! Sợ không được yêu! Nhất là khi bị người lớn mắng mỏ, chỉ trích, nó càng cần được tin rằng, nó vẫn được yêu thương.

Thông điệp từ người lớn

Đi trên đường, tôi thường gặp những người lớn sốt ruột, lo lắng vì yêu thương… to tiếng quát nạt những đứa trẻ. Họ giục ăn, giục học. Họ nhắc nhở mọi việc sao cho chỉn chu. Thậm chí, khi con ngã con đau, xót con, họ cũng gắt gỏng. Có vẻ như, cao giọng với trẻ, dùng những từ ngữ tiêu cực để răn đe, dạy dỗ đã là một thói quen cố hữu của số đông người lớn ở Việt Nam. Khi trẻ nghe lời, thuận theo bố mẹ, thì gọi "con" âu yếm. Khi trẻ ứng xử lệch đi chút ít so với chuẩn của bố mẹ, thì dễ dàng chuyển sang "mày, tao"...

Những đứa trẻ hoang mang nhận một thông điệp: "Mình không ra gì. Mình không được yêu!". Thông điệp về giá trị con người là một trong những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nó sẽ hạnh phúc, cố gắng hơn khi được tin, được tôn trọng, được có giá trị trong mắt người lớn. Chính lòng tin sẽ ngăn cản người ta nói dối. Cảm nhận về giá trị bản thân giúp người ta dừng lại trước mọi quyết định tiêu cực, là cái neo để bám vào khi bế tắc. 

Một thông điệp khác trẻ thường nhận được từ người lớn: điều kiện của tình yêu. Nếu con không ngoan, nếu con không nghe lời, nếu lần này không cố gắng, nếu lần khác bị điểm thấp, nếu cuối cùng không thi đỗ…, con sẽ là nỗi thất vọng của bố mẹ, là sự "phản bội" lại mọi cố gắng, hy sinh của bố mẹ vì con. Có nghĩa là, tình yêu của bố mẹ dành cho mình luôn đi kèm theo điều kiện! Đôi khi, điều kiện đó được đưa ra không lời, qua sự kỳ vọng, qua thái độ sốt sắng, giục giã của họ đối với trẻ. Khi không thực hiện những điều kiện đó, trẻ tự động thấy mình không xứng đáng với tình yêu!

Một cô bé 13 tuổi kể với tôi, rằng mẹ em thường nói: "Mẹ không gây áp lực cho con trong học tập!", nhưng tối nào mẹ cũng nhắc học, gần thi thì mẹ kiểm tra sát sao, mẹ gắng sức để con có điểm số tốt hơn - mỗi một lần con điểm kém, mẹ không mắng nhưng căng thẳng tìm nguyên nhân, rồi tìm gia sư hỗ trợ con. Dần dà, con không dám thử đưa ra một cách giải Toán khác, không dám thử viết bài Văn theo cách khác … vì con sợ bị điểm thấp, lại gây áp lực cho mẹ! Vì con yêu mẹ!

Giữa chúng ta luôn có tình yêu

Nhiều phụ huynh cho rằng, dạy con thì phải nghiêm khắc, mà nghiêm khắc đồng nghĩa với mắng mỏ, răn đe, tỏ ra cứng rắn. Tuy nhiên, trên thực tế, cách thể hiện nghiêm khắc như thế không có "chuẩn" để chúng ta tự soi mình. Trẻ sẽ không nhìn ra được thông điệp chính xác của sự răn đe mà chỉ thấy một người lớn dễ nổi nóng và mất kiểm soát! Chính vì thế, thay vì quát tháo, giận dữ thì nên chăng, các phụ huynh cùng các con ngồi lại thảo luận để đưa ra những nguyên tắc chung cho cả bố mẹ và con trong mọi việc. Khi đã được tham gia vào việc "ra luật", trẻ sẽ thực hiện một cách tự giác. Và luật cũng liên tục được … sửa đổi cho phù hợp sau từng quãng thời gian nhất định. Cách làm này sẽ tránh được những căng thẳng không đáng có trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con. Giữa chúng ta - người lớn và trẻ em - không nên chỉ có gắt gỏng, bực mình, khó chịu. Giữa chúng ta, thực chất luôn có và phải có tình yêu. Một tình yêu vô điều kiện. 

Mỗi lần ông bố, bà mẹ ngắm một đứa trẻ ngủ ngon, lòng lại trào lên cảm xúc thương yêu vô điều kiện như thế. Đứa trẻ ngủ có gương mặt nhẹ nhõm thiên thần. Nó là máu thịt của cha mẹ. Cớ gì ta lại mắng mỏ, thậm chí đôi lần gào to vào mặt nó, có người nóng tính còn phết vài cái rồi phân bua "yêu cho roi cho vọt"?! 

Thế là ta tự nhủ, ta phải độ lượng hơn với con, phải dịu dàng hơn, biết lắng nghe hơn. Thiếp đi trong nỗi ăn năn như thế để rồi sáng thức dậy, quên sạch những gì vừa nghĩ.

Biểu hiện của tình yêu

Nhân ngày 1/6, Tết của thiếu nhi, tôi muốn nói đến tình yêu, sự âu yếm nảy sinh trong ta khi ta nhìn thấy một đứa trẻ tung tăng trên đường. Trẻ em cần được nhìn bằng cái nhìn mềm mại, độ lượng, để chính chúng cũng nuôi dưỡng tình thân mến với những người xung quanh. Nhiệm vụ của người lớn là đồng hành cùng trẻ, lớn lên cùng trẻ, nhẹ nhàng làm mẫu để trẻ làm theo, sai thì ôn tồn vạch ra lỗi sai và cách sửa… chứ không phải là dạy dỗ, phán xét, dọa nạt, trừng phạt mong trẻ nên người, hoặc tệ hơn là đặt ra những điều kiện khắc nghiệt của tình yêu!

Đừng tự cho mình cái quyền đáng sợ đó. Nó khiến đứa trẻ ngoan trở thành … "nô lệ" của một tình yêu có điều kiện, đứa trẻ nào không theo được thì sẽ dễ rơi vào trạng thái "nổi loạn", bất cần, bùng nổ.

Xin hãy trao cho đứa trẻ đang sống bên bạn, hoặc các em nhỏ ta nhìn thấy trên đường, những thông điệp thương yêu giản dị bằng giọng nói không chói gắt, cái nắm tay, vỗ vai, ánh nhìn khích lệ… Tất cả những điều bé nhỏ đó lại sẽ làm nên kỳ tích lớn lao, chứ không phải trống giong cờ mở, quà lớn quà nhỏ, âm nhạc xập xình trong các sự kiện 1/6 đang chát chúa bên tai tôi đây, khi ngồi viết những dòng này!

Các em nhỏ của chúng ta luôn cần được tin vào tình yêu vô điều kiện của cha mẹ, của những người lớn trong xã hội. Để nó yên tâm sống. Và lớn lên.

Tác giả: Bà Nguyễn Thụy Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga); sau đó về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ và giáo dục. Bà là người sáng lập câu lạc bộ Đọc Sách Cùng Con và nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện trong suốt 11 năm qua; tác giả của nhiều cuốn sách về trẻ em như: Bố ơi Vì Sao; Nói sao cho con hiểu; bộ Sách thơ 4 tập đoạt giải Đồng sách hay Việt Nam 2015… Năm 2021, TS Nguyễn Thụy Anh lọt vào danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do Forbes Việt Nam bình chọn.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!