Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và triết lý "tự học"
Sáng mùa hè trời âm u, mưa nhỏ, ảnh hưởng của một cơn bão vừa đi qua ở biên giới phía Bắc. Tôi mở báo đọc thấy tin Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh từ trần, thấy buồn vô cùng, như mất đi một người thân.
Cuộc đời tôi may mắn có rất nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện gần gũi và làm việc cùng ông. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất liên quan đến cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Ngày nay thi hoa hậu là chuyện bình thường, thậm chí nhiều người thốt lên "lạm phát thi hoa hậu". Tuy nhiên vào năm 1988, chúng tôi bước vào cuộc thi Hoa hậu đầu tiên trong bối cảnh "ba không" là: Không xin giấy phép (chẳng biết xin ai), không nhà tài trợ và không bán vé (chỉ có giấy mời).
Thi hoa hậu ngày ấy là một việc gây chấn động, không phải ai cũng đồng tình, thậm chí có không ít ý kiến phản đối, chụp mũ, quy kết. Ấy vậy mà trong gần một nghìn người đến xem cuộc thi hoa hậu đầu tiên này theo giấy mời, có Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và ông Vũ Quang (nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, thời điểm diễn ra cuộc thi là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng).
Cuộc thi được không chỉ dư luận trong nước mà truyền thông quốc tế cũng rất quan tâm. Các hãng lớn như BBC, CNN, NHK… đều đưa tin.
Khi các hãng tin nước ngoài đưa ảnh ông Nguyễn Khánh với chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đến xem cuộc thi và bình luận rằng đấy là một trong những tín hiệu đổi mới thực sự ở Việt Nam, ông bảo tôi "Tớ bị các cụ phê bình đấy".
Nói vậy nhưng ông vẫn ủng hộ Ban Tổ chức cuộc thi hoa hậu để chúng tôi tự tin thực hiện những cuộc thi tiếp theo. Ông cũng không "giận" tôi vì sự việc trên mà về sau chúng tôi còn trở thành bạn thân của nhau.
Dạo ông còn đương chức, ở số nhà 51 phố Phan Đình Phùng, tôi thỉnh thoảng đến thăm, trò chuyện với ông, có lần ông bảo người nhà hái mít trong vườn rồi mời tôi cùng ăn.
Sau đó ông chuyển về phố Trần Quang Diệu, gần nhà tôi, tôi đến trò chuyện với ông nhiều hơn. Ông là người thông minh, cởi mở, sống chân tình. Qua những bình luận về các vấn đề trong nước và thế giới, tôi cảm nhận rõ ông là một chính khách có tư tưởng đổi mới.
Có một kỷ niệm tôi từng viết báo, nay xin phép chia sẻ lại ở đây. Đó là suốt cuộc đời mình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh luôn tâm niệm "Vô sư trí vi tôn". Đây tương truyền là câu mà Phật hoàng Trần Nhân Tông treo trong phòng ở của ngài ở Yên Tử. Câu này ý nghĩa uyên thâm, chúng ta có thể hiểu nôm na một trong những ý nghĩa sâu xa là đạo lý tự học. Ngoài những kiến thức thầy dạy thì tự học là vô cùng quan trọng với mỗi người.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chính là một tấm gương tự học mà thành tài. Khi ông còn nhỏ tuổi, bố ông bệnh nặng, mẹ ông phải mở cửa hàng bán nước mắm và tạp hóa để nuôi con. Bà treo trước cửa một con cá chép bằng gỗ, vì thế hàng xóm gọi bà là "bà nước mắm con cá".
Những hồi ức này được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh viết lại trong một cuốn hồi ký "Chuyện kể với người thân", như là những bài học sinh động để các con, các cháu ông đọc và tự học, tự nhận thức. Theo ông, đó là một hình thức tự giáo dục không cần thuyết lý, khuyên răn, rao giảng gì cả, mà rất hiệu quả.
"Mỗi người phải tự học, tự lực, tự cường để chấn hưng dân tộc", ông từng nói với tôi như vậy.
Ông giải thích thêm: "Tôi dạy các con đạo lý tưởng như đơn giản: Tự học. Tự học ở đây không có nghĩa là không cần đến trường, không cần thầy giáo. Cha ông xưa có câu "Học thầy không tầy học bạn", là ý nói phải học ở mọi nơi, mọi lúc, phải học cả đời. Bây giờ trên sách báo, trên các trang điện tử có rất nhiều thông tin, rất nhiều kiến thức bổ ích, vấn đề tự học lại càng thuận lợi hơn… Tôi tạo điều kiện về sách vở, về thời gian, về những điều cần thiết để các con tự học, tự trau dồi kiến thức thường xuyên… Ngoài những điều học được ở nhà trường, cuộc đời còn dạy cho ta những bài học quý… Muốn tự học tốt phải có tính tự giác cao; có tính tự chủ cao; phải tự lực cánh sinh chứ không thể ỷ lại vào ai cả. Tự học, tự giác, đến tự chủ, tự lực… từ đó mà trở thành người có ích, sống tử tế, chân tình…".
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh có ba người con. Một lần tôi trò chuyện với người con giữa của ông là anh Nguyễn Chí Công, được nghe kể: "Năm 1968, ba anh em đi sơ tán ở Hà Tây (cũ). Tôi và cậu em học cấp một ở một trại, ông anh ở trại khác. Thỉnh thoảng, bố mẹ mang cho một ít lương khô giao cho tôi tay hòm chìa khóa, tự chăm sóc, tự lo cho mình và em. Lúc đó, bố tôi chỉ dặn rằng: Con lớn rồi, phải trông em".
Lời dặn ngắn gọn, nhưng truyền cho người con Nguyễn Chí Công ý thức tự lập. "Tôi phải chia số lương khô sao cho đủ dùng trong thời gian bố mẹ chưa đến tiếp tế. Nhiều khi cậu em tôi cứ đòi ăn thêm, tôi không cho, nó năn nỉ quá, tôi bớt khẩu phần của mình cho em", anh Nguyễn Chí Công kể.
Trong việc dạy con, vợ chồng nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh không quát mắng, không áp đặt, luôn tôn trọng ý kiến của con. Có nhiều việc ông chỉ đưa ra câu hỏi để các con nêu ý kiến, bàn luận sao cho sự việc rõ ràng. Những lúc nóng giận, ông cũng chỉ cầm roi để dọa.
"Có một lần, tôi nghịch và nói hỗn câu gì đó, bố tôi quyết định trừng phạt tôi, ông bắt tôi nằm trên giường, úp mặt xuống, ông cầm một cái roi to, tôi rất sợ nhưng không khóc… Khi ông chuẩn bị đánh, tôi nhắm mắt lại. Chờ một lúc không thấy gì, tôi hé mắt nhìn xem, thấy bố tôi lấy một cái gối kê lên mông tôi rồi ông vụt một cái thật mạnh, nghe bốp một cái… Tôi chẳng thấy đau gì cả nhưng rất hoảng. Ký ức đó tôi vẫn nhớ như in cho đến tận bây giờ…", con trai ông, anh Nguyễn Chí Công kể.
Ông Nguyễn Khánh là người tự học cả đời mà trở thành một chính trị gia hiểu nhiều, biết rộng, từng giữ các chức vụ quan trọng như: Bí thư Trung ương Đảng khóa VI; Ủy viên Trung ương Đảng khóa V (dự khuyết), VI, VII; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng (1987-1992); Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997); đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X…
Bằng chính cuộc đời mình và những nỗ lực trong công việc, ông luôn mong muốn các thế hệ về sau tự học, tự lực cánh sinh và tự chủ để từ đó đất nước phát huy tự cường dân tộc, tôi thiển nghĩ như vậy.
Tác giả: Nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) nguyên là Tổng biên tập Báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!