Người Việt tụt hạng tiếng Anh
Tôi ngồi nhẩm tính chi phí cho một người bạn đang có ý định luyện thi IELTS (Hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế). Khoan bàn về câu chuyện IELTS có giúp tăng cơ hội nghề nghiệp hay không, tôi đưa ra cho bạn vài con số tạm tính: Tiền thi IELTS khoảng 5 triệu đồng, nếu đi học bên ngoài với mục tiêu đạt 7.0 (mức điểm cao nhất của IELTS là 9.0), số tiền bỏ ra cho vài khóa với người tiếng Anh ở mức trung bình cũng ngót nghét vài chục triệu đồng.
Nhẩm tính sơ sơ cho bạn và nhìn vào số lượng người học, thi IELTS mỗi năm mới thấy đúng với nhận định của nhiều người khi cho rằng IELTS giờ đây thực sự là "một ngành công nghiệp."
Song, trong khi "ngành công nghiệp" IELTS nói riêng và việc học tiếng Anh nói chung ngày càng nở rộ với số tiền chi trả ngày càng lớn, trình độ tiếng Anh của người Việt đã giảm 5 bậc trong năm 2024, tụt xuống trong nhóm có mức độ thông thạo thấp. Đây là kết quả từ công bố chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2024 (EPI) của tổ chức giáo dục Education First Việt Nam vào ngày 13/11. EPI là khảo sát lớn nhất thế giới về kỹ năng tiếng Anh, được thực hiện tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, công bố hàng năm từ 2011 đến nay. Năm 2024, EPI phân tích kết quả kiểm tra của 2,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi tiếng Anh không phải bản ngữ.
Trong một công bố khác, theo số liệu kết quả kỳ thi IELTS trên toàn cầu năm 2023-2024 được công bố bởi các đơn vị đồng tổ chức IELTS, điểm trung bình IELTS của người Việt đạt 6.2, giảm 5 bậc so với năm 2022 với kỹ năng nghe, nói giảm 0.1 điểm, thấp hơn mức trung bình thế giới.
Việc tăng giảm thứ hạng theo từng năm là điều bình thường trong các bảng xếp hạng, với nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan tới phương pháp đánh giá, việc thêm bớt các quốc gia và vùng lãnh thổ mới vào danh sách đánh giá (ví dụ các quốc gia mới được đánh giá năm nay đều có trình độ tiếng Anh hơn Việt Nam, thì có thể ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam ).v.v. Nhưng có một điều bao năm nay vẫn là trăn trở của nhiều người học và dạy tiếng Anh: Tại sao khả năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh Việt Nam lại khó cải thiện đến vậy?
Khi đem trình độ tiếng Anh học sinh Việt Nam ra so sánh với một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Singapore,… nhiều người hay đưa nhận định về câu chuyện chương trình và phương pháp giáo dục. Điều này đúng nhưng chưa đủ khi có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh, trong đó bao gồm cả câu chuyện về địa lý và dân số.
Thời gian sống tại Mỹ, tôi học cùng nhiều bạn sinh viên gốc Ấn Độ. Điều khiến tôi ngạc nhiên không phải khả năng nói tiếng Anh lưu loát của người Ấn Độ. Tôi ngạc nhiên vì sinh viên Ấn Độ gặp nhau nhưng vẫn sử dụng tiếng Anh. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với nhiều ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên. Chính vì vậy, để giao tiếp được với nhau, tiếng Anh là ngôn ngữ hiệu quả (bên cạnh tiếng Hindi và một số ngôn ngữ khác). Các quốc gia có sự đa dạng sắc tộc (như Singapore) hay địa lý trải rộng với nhiều ngôn ngữ (như Ấn Độ) đòi hỏi học sinh phải sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong giao tiếp.
Những đặc điểm trên giải thích cho câu chuyện cần một "môi trường" để học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh giao tiếp nhằm tăng khả năng nghe nói. Điều này dẫn đến lý do thứ hai khi thực tế, tạo ra "môi trường" nói tiếng Anh cho học sinh vẫn là điều không dễ dàng, ngay cả ở thành phố. Môi trường ở đây có thể liên quan (nhưng không giới hạn) đến việc giáo viên có nói tiếng Anh với học sinh không, các bạn có được thực hành nghe nói nhiều không, có những không gian khuyến khích việc nói tiếng Anh của học sinh theo nhiều hình thức hay không…. Từng có cơ hội làm việc cho một trường quốc tế ở Hà Nội, tôi biết nhiều trường đã thay đổi cách học sinh học tiếng Anh rất nhiều, tạo ra môi trường tối ưu cho trẻ em được giao tiếp và học nói tiếng Anh một cách hiệu quả. Song, mức độ đầu tư cho các chương trình tiếng Anh ở các khối trường công và trường tư rất khác nhau, chưa muốn so sánh giữa thành phố và khu vực nông thôn.
Tâm lý ngại nói tiếng Anh cũng là một rào cản với nhiều người, giải thích cho lý do nhiều người không sẵn sàng nói và nghe tiếng Anh. Không ít bạn trẻ thường phàn nàn rằng, đôi khi nếu họ nói chuyện bằng tiếng Anh với bạn bè sẽ nhận được những thái độ cười cợt hay để ý từ người xung quanh - "người Việt với nhau mà bày đặt nói tiếng Anh". Trong khi đó, muốn coi tiếng Anh không chỉ là một môn học trong trường phổ thông mà thực sự là một công cụ giao tiếp, việc trao đổi và giao tiếp bằng tiếng Anh trong những hoàn cảnh phù hợp nên được khuyến khích để tăng cường khả năng giao tiếp. Tôi nhấn mạnh "hoàn cảnh phù hợp" để tránh xu hướng lạm dụng hoặc nói "chêm" tiếng Anh không đúng chỗ.
Ngại nói tiếng Anh với một số khác đến từ việc sợ nói sai. Nếu vẫn coi tiếng Anh là một môn học, người học sẽ tiếp tục "ngại nói" nếu cứ chờ đến khi nào trình độ nghe nói tiếng Anh phải đạt điểm 10 mới dám nói. Người học không nên coi tiếng Anh như một "tháp ngà" mà hãy coi đó như một công cụ giao tiếp và bình thường hóa việc có khả năng nói sai để thay đổi. Ngay cả ở những nước nói tiếng Anh như Mỹ, việc một người bản xứ nói sai tiếng Anh cũng là điều không hiếm gặp. Để vượt qua những rào cản tâm lý như vậy khi nói tiếng Anh đòi hỏi các thầy cô, bạn bè hay người thân phải khuyến khích người học nói tiếng Anh một cách tích cực và tìm kiếm nhiều cơ hội để nói tiếng Anh.
Một điều nhỏ nữa liên quan đến việc nghe nói tiếng Anh tốt là mức độ gần gũi về mặt ngôn ngữ giữa tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Hà Lan là một trong những quốc gia mà người dân nói tiếng Anh tốt nhất vì nhiều sự tương đồng trong ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc câu giữa tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Trong khi đó mức độ gần gũi giữa tiếng Việt hay một vài ngôn ngữ khác tại châu Á với tiếng Anh không quá cao. Điều này lý giải việc người học tiếng Anh từ một số nước khác nhau có những vấn đề cụ thể trong việc phát âm một số âm nhất định.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là một trở ngại quá lớn với việc nghe nói tiếng Anh. Việc giao tiếp hiệu quả quan trọng hơn phát âm chuẩn theo một ngữ điệu tiếng Anh nhất định. Một vài hiểu nhầm có thể diễn ra với một số từ phát âm sai (ví dụ không đọc một số âm đuôi trong tiếng Anh), tuy nhiên các lỗi như vậy hoàn toàn có thể khắc phục và ít ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc hội thoại. Có những âm trong tiếng Anh đến giờ tôi vẫn gặp khó khăn, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp của tôi khi học tại nước ngoài.
Việt Nam đã xác định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Rõ ràng là còn rất nhiều điều cần làm để trình độ tiếng Anh người Việt có thể vươn cao hơn trong tương lai.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!