Tâm điểm
Trần Văn Nhung

Bàn thêm về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Gần đây vấn đề học tiếng Anh được bàn luận sôi nổi, nhất là khi Bộ Chính trị có kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8 về việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó nêu rõ "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Mới đây, trong hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất 3 nhóm vấn đề, bao gồm việc đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Dõi theo các thảo luận về nội dung nêu trên, nhớ lại vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015), tôi đã có tâm thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh. Trong tâm thư này, tôi phân tích thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của các nước phát triển, đề xuất cần có Chỉ thị/Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam.

Bàn thêm về việc đưa tiếng Anh  trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - 1

Tiếng Anh là hành trang thiết yếu với các bạn trẻ (Ảnh minh họa: CV)

Thế hệ chúng tôi học tiếng Anh rất lận đận. Năm 1970 những sinh viên năm thứ tư, khóa XII chúng tôi ở Khoa Toán Cơ Tin học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), mới được thầy Vũ Tá Lâm dạy nhập môn tiếng Anh trong một học kỳ, 2 tiết/ tuần, "cưỡi ngựa xem hoa".

Thầy Lâm và cuốn giáo trình hai tập của Thầy giúp chúng tôi bập bẹ phát âm và chủ yếu học ngữ pháp để đọc sách, chưa nói được.

Mấy năm sau, chúng tôi gồm một số giảng viên trẻ ở Ký túc xá Mễ Trì (Đại học Tổng hợp Hà Nội) tự tổ chức một lớp học thêm tiếng Anh và mời thầy Vũ Ngọc Tú, là một thầy giáo trẻ và giỏi đến dạy. Nhờ thầy Tú, chúng tôi bước đầu được luyện nghe và nói. Nhưng cũng chỉ mấy tháng sau thầy Tú lại sang Anh du học.

Hồi đó, với 85% lương giảng viên khởi điểm, chúng tôi chẳng còn tiền để mua thêm sách hoặc trả tiền học thêm tiếng Anh. May sao sách giáo khoa tiếng Anh, ngoại ngữ, toán học..., của Nga rất tốt, bán ở các hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền và Hàng Bài (Hà Nội) có giá rẻ, hợp với túi tiền sinh viên và giảng viên trẻ, rất hữu ích cho chúng tôi. Mặc dù chỉ học đại học ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn yêu và cảm ơn Liên Xô và nước Nga là vì vậy.

Ngày đó vốn tiếng Nga của tôi cũng "vớ vẩn" lắm. Mặc kệ, tôi cứ đặt hai cuốn sách tiếng Nga và tiếng Anh (hoặc Pháp, được dịch từ tiếng Nga) lên bàn rồi so sánh mà lần mò tự học. Đến nay tôi vẫn còn nhớ một ví dụ là cuốn sách Differential and integral calculus by N. S. Piskunov (1964).

Cái khó ló cái may: Vốn tiếng Nga ít ỏi của chúng tôi lại được củng cố và bổ sung trong quá trình tự học thêm tiếng khác. Sách mua thì ít mà sách mượn thư viện là chính. Cũng may ngày đó dưới bom rơi đạn nổ, nhưng các thư viện lớn vẫn nhiều sách khoa học tiếng Việt, tiếng Nga và các tiếng quốc tế khác.

Không đủ tiền mua sách và đến trung tâm tiếng Anh buổi tối, từ Ký túc xá Mễ Trì, tôi đi bộ sang Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), xin phép thầy Nguyễn Mạnh Hùng được ngồi dự thính vào lớp tiếng Anh cho sinh viên năm thứ nhất do thầy dạy.

Lúc đầu tôi chưa hiểu, như vịt nghe sấm, nhưng rồi dần dần cũng vỡ ra, quan trọng là học được chút ít nhưng không phải trả tiền.

Sau này tôi được gặp gỡ, học hỏi và cộng tác thêm với các thầy, cô giỏi của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, trong đó có thầy Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Vang, Nguyễn Ngọc Hùng…

Ngoài ra, thời đó, cũng như nhiều người, tôi biết đến thầy Nguyễn Quốc Hùng (MA) và theo học các lớp tiếng Anh của thầy trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam. Đây có thể xem là những bài giảng tiếng Anh trực tuyến/online đầu tiên mà tôi theo học, ngay từ khi từ "online" chưa quen dùng như bây giờ.

Hình ảnh thầy Hùng có sức thu hút và động viên chúng tôi học thêm tiếng Anh ngoài nhà trường. Thầy có tài sư phạm, phát âm tiếng Anh rất rõ ràng, từ tốn, chu đáo, giúp chúng tôi xóa nạn mù tiếng Anh. Đã thế thầy còn rất đẹp trai, hóm hỉnh, lịch lãm, làm cho tập hợp các "fan" hâm mộ ngày càng đông đảo, từ thành phố đến nông thôn, từ trong ra ngoài nước, mà hình như nữ luôn nhiều hơn nam.

Tôi đã cố gắng học tiếng Anh theo những cách như vậy, nhưng đến già rồi mà tiếng Anh của tôi vẫn "made in Vietnam", vẫn "bồi". Tự học tiếng Anh và ngoại ngữ nói chung là quan trọng và cần thiết, nhưng nếu được học sớm và cơ bản như các cháu ngày nay vẫn tốt hơn nhiều, rồi lại tự học thêm tiếp.

Ngày nay khi chúng ta bước sang kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đã có nhiều bàn luận rằng học sinh, sinh viên có cần phải học ngoại ngữ nữa không, tiếng Anh hay tiếng gì? Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo đã sáng chế ra máy dịch ngôn ngữ nhưng cũng chưa thay được con người và chuyên gia.

Thứ hai, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Nhưng tôi tin rằng, khi đã có Chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, căn cứ vào luật pháp, nghị quyết của Quốc hội, rút kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh trước đây, Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai cụ thể và thực sự hiệu quả việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn. Ví dụ, học sinh ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia, hải đảo còn có nhu cầu nói tiếng Trung, Lào, Campuchia. Vì thế chúng ta phải tính toán rất cụ thể để bảo đảm kết quả và thắng lợi của Chỉ thị này.

Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT và các chuyên gia xem xét tăng cường tối đa việc tham khảo, sử dụng các chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế cho Việt Nam, hợp tác để mời thêm giáo viên Việt kiều và các nước.

Ngôn ngữ là công cụ phục vụ việc dạy và học, sinh hoạt, giao tiếp, làm việc. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động.

Thứ ba, mặc dù kinh nghiệm của Singapore trong việc phổ cập tiếng Anh rất hữu ích cho chúng ta, nhưng không dễ gì học theo được, vì thực chất đây mới chỉ là bài học thành công của một thành phố.

Thứ tư, theo tôi, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Kinh nghiệm cho thấy, cha ông ta từ thời Pháp rất thành thạo tiếng Pháp, sau này là tiếng Anh nhờ không chỉ học mà còn dùng ngoại ngữ để học các môn khoa học và để giao tiếp xã hội.

Chúng ta phải chấp nhận "mô hình khí động học" hay "mô hình mũi tên nhọn", trong giáo dục không thể và không nên dàn hàng ngang cùng tiến thì hệ thống mới lôi kéo nhau phát triển được.

Thứ năm, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là hai công cụ như "hai chân" có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.

Ở nhiều ngành nghề, những công việc cũ sẽ mất đi, công việc mới sẽ ra đời. Thế hệ trẻ nước ta cần chuẩn bị gì, học gì, làm gì để có công ăn việc làm và tránh bị thất nghiệp. Tôi nghĩ những kiến thức cơ bản về toán học, tin học và tiếng Anh sẽ là hành trang thiết yếu để các bạn trẻ "xoay xở" thời biến động, trí tuệ nhân tạo (AI), "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Tôi xin đề xuất "công thức" con người cần có trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, AI:

Con người Việt Nam thời cách mạng công nghiệp 4.0 = Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu, yêu nước + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (và ngoại ngữ) + IT/ICT (công nghệ thông tin và truyền thông)

Tin rằng thế hệ trẻ nước ta, với tư duy tốt và ham học, nhanh chóng nắm bắt, ham thích IT/ICT và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, sẽ hào hứng đón nhận Kết luận số 91 ngày 12/8 của Bộ Chính trị để học tập và khởi nghiệp trong thời đại hiện nay.

Tác giả: GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông tốt nghiệp Khoa Toán, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (năm 1971), bảo vệ thành công luận án TS Toán học (năm 1982) và TSKH (năm 1990) tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, từng là Phó hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Là một nhà khoa học tâm huyết và có uy tín, GS Trần Văn Nhung đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo, nghiên cứu Toán học và quản lý giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!