Người Việt có nên quá "tốn kém" với IELTS?
Theo dữ liệu mới đây của các đơn vị đồng tổ chức kỳ thi IELTS (hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế) toàn cầu, điểm IELTS của người Việt trong năm 2023-2024 tụt 6 hạng so với năm 2022, thấp hơn mức trung bình của thế giới, đặc biệt thấp ở hai kỹ năng nghe - nói.
Việc tụt hạng có thể là một tin không vui, nhưng nếu nhìn sâu vào số liệu thì ước tính số lượng thí sinh Việt thi IELTS năm 2023-2024 đã tăng thêm ít nhất là 35% so với năm 2022. Đây là lý do tích cực của việc Việt Nam tụt hạng IELTS, vì số lượng thí sinh tăng đột biến sẽ dẫn đến việc điểm thi trung bình giảm.
Có thể thấy là giới trẻ Việt Nam đang dành một lượng thời gian (và cũng là tiền bạc) khổng lồ để chuẩn bị và tham gia các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hóa như IELTS.
Số lượng người tham gia lớn cùng với áp lực không thể tránh khỏi mà nó gây ra đã đánh thức câu hỏi trong công chúng: "Liệu sự cố gắng đó có đáng giá không?" Nói cách khác, chúng ta có nên từ bỏ sự tập trung vào các kỳ thi quốc tế chuẩn hóa này để tìm cách học tiếng Anh và đạt được mục tiêu cá nhân bằng cách khác không?
Tôi muốn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. Đó là những suy nghĩ của một người nói tiếng Anh bản xứ và là một giảng viên đã sống ở Việt Nam gần hai năm. Ở một số mặt, quan điểm của tôi về vấn đề này là có tính truyền thống. Vì những lý do tôi sẽ giải thích, tôi không thể đồng ý với bất kỳ kế hoạch nào để loại bỏ hoặc bỏ qua các kỳ thi này, mặc dù tôi cảm thông với những thắc mắc hay thậm chí là bức xúc về hệ thống hiện tại.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta định vị bản thân mình vào phía này hoặc phía kia của một cuộc tranh luận, điều quan trọng là nhận ra rằng, vào năm 2024, tình hình đang thay đổi. Đây không phải là lúc để hỏi liệu chúng ta thích hay không thích các bài kiểm tra. Đây là lúc để hỏi các bài kiểm tra đạt được điều gì, và liệu có cách hiệu quả nào để giảm thiểu chi phí và gánh nặng liên quan.
Điều này dẫn đến một luận điểm quan trọng có tính lịch sử, một luận điểm mà đôi khi bị bỏ qua. Vấn đề với các bài kiểm tra và sự bất mãn với các hệ thống kiểm tra không phải là chuyện mới đây. Kể từ khi xuất hiện các bài kiểm tra có tính tổ chức, cũng đã xuất hiện lý do để chỉ trích các sắp xếp căn bản cho các bài kiểm tra này. Điều đó là vì việc thi cử có một vấn đề cố hữu, một vấn đề mà có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết.
Đó là, nếu bạn làm cho các câu trả lời trong một bài kiểm tra quá dễ đoán và quá phụ thuộc vào một công thức duy nhất, thì mọi người sẽ làm theo cách đơn giản là học thuộc một danh sách các câu trả lời đúng, có nghĩa là một người có thể nhận được điểm cao mà không rõ ràng là họ có thực sự hiểu kiến thức hay không.
Ngược lại, nếu bạn cố gắng làm cho bài kiểm tra trở nên cá nhân hơn và thực sự "thâm nhập" vào tâm trí của những người dự thi, thì gần như là không thể áp đặt một tiêu chuẩn duy nhất.
Điều này có liên quan đến một bài kiểm tra như IELTS? Rất nhiều, vì, giống như những lời chỉ trích về các bài kiểm tra đã tồn tại từ lâu, những nỗ lực để đối phó với vấn đề cố hữu bên trong của chuyện thi cử cũng đã tồn tại từ lâu. Ở đây, quan trọng là phải loại bỏ một quan điểm sai lầm thông thường về thi cử. Các bài kiểm tra quốc tế về tiếng Anh phức tạp hơn nhiều so với nhiều người nghĩ.
Để giải thích, hiện tôi đang học tiếng Việt và giáo viên của tôi đôi khi tổ chức các bài kiểm tra đột xuất. Giả sử tôi phải viết "tối" và tôi trả lời "tôi"? Vâng, rõ là tôi đã sai. Nhưng đừng nghĩ rằng bài kiểm tra IELTS chỉ là một phiên bản lớn của điều đó.
Thay vào đó, nếu bạn xem trực tuyến các tiêu chuẩn chấm điểm chính thức của họ, bạn sẽ thấy rằng họ không đăng tải một danh sách các chủ đề cần học. Thay vào đó, họ mô tả một loạt các cấp độ. Các giám khảo của họ được đào tạo để xác định bạn thuộc cấp độ nào, với mục tiêu đặc biệt là có thể nói rằng ai đó đã sẵn sàng hoặc không cho việc học tại các trường đại học ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Đừng nên tranh cãi xem hệ thống IELTS có tốt nhất không, hoặc một số bài kiểm tra khác có tốt hơn không. Điểm cần suy nghĩ ở đây là tất cả chúng đều được sinh ra trong sự ý thức về các vấn đề gắn với chuyện thi cử và người ta đã cố gắng phát triển các bài kiểm tra để xác định liệu một học sinh có đủ điều kiện cho các cấp độ học tập khác nhau.
Câu hỏi quan trọng là liệu ta có nên giữ lại loại hình kiểm tra này nói chung, hay chúng ta nên cố gắng thay thế nó bằng cái khác. Tôi nghĩ chúng ta nên giữ lại loại hình kiểm tra này. Để giải thích được tại sao lại nên làm như thế, chúng ta nên xem xét rằng các bài kiểm tra luôn mang trong mình những nan đề. Bất kể chúng đưa ra quyết định gì thì ta sẽ không bao giờ quyết định đúng hoàn toàn, vì các vấn đề này là có tính cố hữu trong hệ thống. Đồng thời, bất kể các tình huống đó có nghiêm trọng đến đâu, vào năm 2024 - và trong tương lai gần - chúng ta không thể loại bỏ các bài kiểm tra nhằm đo lường năng lực.
Giải thích được tại sao chúng ta cần các bài kiểm tra đo mức độ thành thạo tiếng Anh rất quan trọng, chính là bởi có nhiều lý do ta không thể hài lòng với tình trạng hiện tại.
Hiểu biết nhiều chưa chắc đã thi cử đạt điểm cao - và ngược lại. Vì có nhiều điều khác nhau trong hệ thống thi cử có thể đem ra chỉ trích, theo định kỳ các hệ thống giáo dục sẽ cố gắng cắt giảm chúng, hoặc thậm chí loại bỏ chúng hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi chưa thấy bất kỳ nỗ lực cải tiến nào mà, sớm muộn, lại không bắt đầu quay ngược lại. Điều này đang xảy ra ở Hoa Kỳ lúc này. Trước đại dịch, có nhiều biện pháp giảm hoặc loại bỏ vai trò của các bài kiểm tra trong yêu cầu nhập học đại học. Nhưng, hiện tại, những trường tốt nhất đang âm thầm đưa chúng trở lại.
Có ba lý do tại sao các bài kiểm tra như vậy không - và không nên - biến mất.
Đầu tiên, mặc dù có thể đúng là điểm số chính xác của chúng ta trong một bài kiểm tra chuẩn hóa có thể không quan trọng trong 10 năm tới, thông tin về việc chúng ta đang ở vị trí như thế nào so với những người khác rất quan trọng với chúng ta lúc này.
Thực sự, điểm mạnh nhất của việc đo lường năng lực là nó cho phép chúng ta đặt kỹ năng của mình vào một thang đo phổ biến. Nếu thiếu thang đo này, chúng ta thường phải dựa vào cảm giác của mình hoặc ý kiến của những người - vì lý do của riêng họ - đã thích hoặc không thích chúng ta. Điều này không phải là thông tin đáng tin cậy và thường dẫn chúng ta đến sai lầm.
Khi tôi nói chuyện với sinh viên về kế hoạch tương lai của họ, tôi hỏi kỹ năng của họ như thế nào khi so với những người đang nỗ lực làm những điều tương tự. Câu hỏi này bao gồm khả năng nói tiếng Anh. Nếu họ không thể cung cấp một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này, tôi nói với họ rằng họ cần phải tham gia một bài kiểm tra chuẩn hóa và nên xem xét kết quả của nó một cách nghiêm túc.
Thứ hai, một số người có thể đồng ý rằng thông tin mà các bài kiểm tra này cung cấp là có giá trị, nhưng phản đối việc dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho chúng. Thật vậy, tôi cũng muốn tìm cách giảm thời gian mà học sinh dành cho các bài tập có tính lặp lại. Tuy nhiên, tất cả chuyện này lại liên quan đến cách tiếp cận việc thi cử, chứ không phải là về bản thân kỳ thi.
Mặc dù không có cách hiệu quả nào để ngăn người ta "học gạo" kiến thức, phương pháp đáng được khen ngợi nhất để chuẩn bị cho một kỳ thi là để tích lũy kiến thức, nơi hiểu biết về nội dung khó nhất phụ thuộc vào sự thành thạo của các khái niệm cơ bản.
Khi không có kiến thức tích lũy, một điểm số cao trong một bài kiểm tra chỉ hữu ích được trong một thời gian ngắn. Và nếu một bài kiểm tra chuẩn hóa được thực hiện với tinh thần đúng đắn, nó có thể cung cấp cho bạn một đo lường chính xác về kiến thức tích lũy của bạn. Đây là một trong những cách tốt nhất để xác định xem bạn liệu đã sẵn sàng tiến xa hơn với công việc hoặc học tập của mình không.
Cuối cùng, mặc dù điều này không luôn đúng với từng cá nhân thí sinh, các kỳ thi như vậy có tiềm năng để giúp Việt Nam trên tổng thể. Khi thế giới trải qua sự không ổn định ngày càng tăng, việc xác định các tiêu chuẩn đáng tin cậy càng trở nên quan trọng. Trên thực tế, sinh viên Việt Nam có thể cạnh tranh rất tốt trên môi trường quốc tế. Tuy nhiên, lợi thế đó phụ thuộc vào việc tất cả chúng ta đều tham gia vào trò chơi, và bằng cách tuân thủ cùng các quy tắc.
Tóm lại, tôi nhận ra rằng có một số người có thể nghĩ rằng tôi chỉ nói những điều này vì tôi là một giáo viên. Nhưng tôi cũng là một học sinh, đang cố gắng học tiếng Việt. Tôi ước mình có thể đưa ra các quy tắc của riêng mình và không ai kiểm tra tôi về dấu sắc, và tôi có thể phát âm "ng" bất cứ cách nào tôi muốn. Nhưng nếu tôi làm điều đó, cho dù tôi đạt điểm cao trong các kỳ thi "thân thiện với thí sinh", tôi chắc sẽ không nói được tiếng Việt.
Tác giả: GS David Pickus có bằng Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Chicago (Mỹ); từng giảng dạy tại Mỹ và Trung Quốc. Hiện ông giảng dạy cho một đại học tại Đà Nẵng. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo khoa học về các chủ đề liên quan đến lịch sử, giáo dục và toàn cầu hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!