Tâm điểm
Nguyễn Nam Cường

"Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học"

Gia đình tôi vừa ăn mừng cháu gái trúng tuyển chuyên ngành Hóa thực phẩm, Đại học Bách khoa TPHCM. Tuy nhiên, với mẹ cháu, kèm theo niềm vui là những lo lắng về học phí. Bởi mỗi học kỳ sẽ tốn trên dưới 50 triệu đồng, nếu chị chấp nhận cho cháu học theo chương trình tiếng Anh.

Điều kiện gia đình không khấm khá, nhưng chị gái tôi vẫn đầu tư cho con vào chương trình học chuyên ngành bằng tiếng Anh, tốn kém hơn so với mặt bằng chung, là vì chị tính đầu tư đường dài để cháu sau này đáp ứng điều kiện xin học bổng nước ngoài.

Ngoài học phí cao, chị còn nỗi lo khác là cháu gái sẽ vất vả để theo được chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Câu chuyện của chị gái và cháu gái tôi có lẽ cũng là vấn đề nhiều tân sinh viên và phụ huynh gặp phải trước thềm năm học mới. Đất nước đã hội nhập sâu với thế giới, một bộ phận học sinh ở những năm cuối THPT đã có IELTS 7.5 trở lên, nghĩa là trình độ tiếng Anh khá tốt, có thể học tập bằng ngôn ngữ này, nhưng vẫn còn đó một bộ phận đáng kể học sinh có trình độ Anh Văn ở mức trung bình, thậm chí yếu.

Trong hơn 906.500 thí sinh dự thi môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, gần 42,7% bài thi dưới điểm trung bình; điểm trung bình thí sinh đạt được là 5,51. So với mặt bằng chung nhiều năm nay thì phổ điểm môn tiếng Anh luôn nằm ở nhóm "bét bảng".

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học - 1

Thí sinh làm bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Có lẽ không cần phải nói về sự cần thiết của ngoại ngữ, bao gồm và quan trọng nhất là tiếng Anh, trong thế giới ngày nay và trong bối cảnh đất nước ta đã hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên theo quan sát của tôi, nhiều người vẫn đang nhìn nhận tiếng Anh như một ngoại ngữ "thời thượng", theo hướng coi trọng nhưng mang tính phong trào, thấy mọi người học thì mình cũng học mà chưa nhìn nhận đúng vai trò của tiếng Anh và tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ này trong cuộc sống, công việc cũng như cơ hội to lớn mà nó mang lại.

Theo khảo sát của Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố vào cuối năm 2023, Việt Nam xếp thứ 58/113 trong bảng xếp hạng độ thông thạo tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu, tăng hai bậc so với năm 2022, tuy nhiên vẫn tiếp tục nằm trong nhóm có độ thông thạo tiếng Anh trung bình trên thế giới. Từ năm 2021 trở về trước, Việt Nam bị xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh thấp.

Là một nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, tôi phát hiện nhiều điểm thú vị về cách người Hàn sử dụng tiếng Anh trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày. Ở trường, sinh viên người Hàn luôn cố dùng tiếng Anh với tôi, dù các bạn ấy đều biết tôi có khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Hàn Quốc. Điều đơn giản là các bạn ấy muốn tranh thủ thực hành tiếng Anh và chứng tỏ mình nói được tiếng Anh với người nước ngoài.

Khi tôi đi ra đường, gặp những người Hàn Quốc lớn tuổi, nhiều người biết tôi là người nước ngoài cũng cố gắng nói một vài câu tiếng Anh với tôi.

Bác tài xế ở Viện nghiên cứu (nơi tôi làm nghiên cứu sinh) đã sắp về hưu, nhưng khi nhờ tôi cung cấp vài thông tin về Đà Nẵng để chuẩn bị đi du lịch, bác cũng hỏi tôi bằng những câu tiếng Anh vừa học. Tôi hỏi bác học tiếng Anh như thế nào, thì bác nói học từ chương trình tiếng Anh phổ cập trên truyền hình và mục đích học là để đi du lịch Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Người Hàn Quốc có tinh thần dân tộc cao và họ đang nỗ lực quảng bá tiếng Hàn ra thế giới, nhưng điều này không ảnh hưởng đến việc học và sử dụng tiếng Anh của họ. Tất nhiên một vài câu chuyện tôi kể ở trên chỉ là trải nghiệm cá nhân, không phải bức tranh toàn cảnh. Nhưng những trải nghiệm này càng củng cố trong tôi suy nghĩ rằng người Việt chúng ta phải cố gắng hơn nữa trong cải thiện mức độ thông thạo tiếng Anh.

Mới đây trong Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", đã nêu rõ chủ trương "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Để thể chế hóa chủ trương trên, thiết nghĩ trước hết cần xây dựng chính sách và quy định cụ thể về việc giảng dạy và sử dụng tiếng Anh trong trường học, bao gồm xác định lộ trình đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu cho giáo viên tiếng Anh để nâng cao trình độ giảng dạy, bao gồm cả kỹ năng ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Nhìn vào phổ điểm môn tiếng Anh, chúng ta thấy còn có sự phân hóa theo vùng miền, địa phương khá rõ rệt, vì vậy cần tăng cường cơ sở vật chất và tài liệu học tập tiếng Anh ở các địa phương miền núi, nông thôn; đầu tư công nghệ hỗ trợ học tập như phần mềm học tiếng Anh trực tuyến, các ứng dụng học tập tương tác.

Một giải pháp quan trọng là khuyến khích sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học: Tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, các cuộc thi nói tiếng Anh, hoặc các sự kiện giao lưu văn hóa để học sinh có cơ hội thực hành và nâng cao kỹ năng ngôn ngữ.

Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, và nhận được sự hỗ trợ trong triển khai giảng dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.

Với các bạn trẻ, tôi nghĩ rằng giỏi tiếng Anh không chỉ là giỏi một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ, mà bạn còn được mở rộng cơ hội giỏi nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác. Vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong nhiều tài liệu nghiên cứu, sách báo, các khóa học trực tuyến từ hàng loạt trường đại học hàng đầu thế giới. Sử dụng thành thạo tiếng Anh giúp người học tiếp cận với kiến thức mới nhất và nâng cao chất lượng học tập.

Nhiều người cho rằng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là mục tiêu rất khó, chỉ khi nào trên 60% dân số Việt Nam có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo thì mới tiệm cận mục tiêu này. Một số ý kiến khác lại bảo, Việt Nam không có yếu tố lịch sử như Philippines, Singapore… nên cũng khó đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Tôi không nghĩ như vậy. Với mục tiêu "từng bước" và cách làm khoa học, kiên trì, chắc chắn chúng ta sẽ cải thiện được phổ điểm tiếng Anh trong nhà trường, tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Và khi đó tiếng Anh không còn là rào cản mà là thế mạnh của người Việt.

Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!