Ngưng đổ lỗi cho nạn nhân
Gần đây, khi một số cô gái trẻ bị quấy rối/tấn công tình dục, như sự việc nữ hành khách bị nhân viên phụ xe tấn công trên xe buýt, cô gái ở nhà trọ đi về muộn bị thanh niên sàm sỡ hay cô gái đi ngoài đường bị nam giới lạ mặt sờ mó..., đã có những người dường như muốn đổ lỗi cho nạn nhân và cố gắng biến họ trở thành thủ phạm. Các bình luận dễ bắt gặp trên mạng xã hội là "ai bảo ăn mặc hớ hênh", "gợi cảm quá làm gì"…
Chúng ta luôn bất bình, phản đối bất cứ hành vi nào xâm phạm sự tự do và an toàn thân thể của phụ nữ. Xu hướng coi phụ nữ là phái yếu để yêu thương, trân trọng và bảo vệ là nhận thức cơ bản của cánh đàn ông. Nhưng trong thực tế, như nêu trên, vẫn tồn tại nhóm "ngược dòng".
Hậu quả của xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân rất nghiêm trọng. Trước hết nó tạo ra dư luận "đồng thuận" với hành vi vi phạm pháp luật, coi hành vi xúc phạm nhân phẩm và thân thể người khác là chuyện bình thường. Không phải tự nhiên mà vừa qua, Hạ viện Tây Ban Nha đã thông qua một dự luật coi tất cả quan hệ tình dục không đồng thuận là hiếp dâm. Đạo luật do Chính phủ đề xuất có tên là "Only Yes Means Yes" (Chỉ khi nói đồng ý mới là đồng ý) đã coi tội lạm dụng tình dục và tấn công tình dục đều đủ điều kiện để gọi là hiếp dâm.
Điều luật này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về ranh giới pháp lý và đạo đức. Một cô gái ăn mặc quyến rũ và có cử chỉ thân mật không thể là lý do để ai đó đổ lỗi cho cô ấy nếu chuyện không hay xảy ra.
Chúng ta hãy thử cùng nhau trả lời những câu hỏi sau: Liệu nạn nhân với nhận thức bình thường thì có cố ý khiến bản thân bị tấn công hay quấy rối tình dục hay không? Nạn nhân có nghĩa vụ về mặt pháp luật phải ngăn chặn thủ phạm tấn công cô ấy hay không? Và, nạn nhân có khả năng ngăn chặn tội phạm hay không?
Trong các vụ quấy rối tình dục bị tố cáo, nạn nhân không đồng thuận quan hệ tình dục với thủ phạm. Trong quy định của pháp luật Việt Nam, không có điều khoản nào về việc nạn nhân có nghĩa vụ ngăn chặn thủ phạm. Nạn nhân có thể bị tấn công nhiều lần bởi một thủ phạm và họ có thể biết thủ phạm đó là ai. Tuy vậy, trong các vụ tấn công tình dục, thường có các yếu tố bất ngờ và thủ phạm lợi dụng sự không thể chống trả của nạn nhân để ra tay.
Ngoài ra, chính sự đe dọa của thủ phạm và đòi hỏi của xã hội về giữ gìn trinh tiết, hay sự đoan trang đối với người phụ nữ một cách vô lý khiến cho nạn nhân không có cơ hội để ngăn chặn sự tái diễn tấn công tình dục. Vì thế, việc đổ lỗi cho nạn nhân trong các trường hợp tấn công tình dục thường là không có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế.
Những người mang tư tưởng bảo thủ và lệch chuẩn coi phụ nữ có nghĩa vụ giữ mình trong trắng, tránh để bản thân bị ô uế do tấn công tình dục. Họ cho rằng, nếu phụ nữ không đảm bảo sự trong sạch và thuần khiết, cô ấy xứng đáng bị lạm dụng. Nhưng tại sao nạn nhân lại phải "chịu trách nhiệm" về tội ác mà thủ phạm đã gây ra? Phụ nữ có khả năng giữ gìn sự trong trắng, thuần khiết của mình thế nào nếu cô ấy sống trong cộng đồng luôn có những người dễ dàng tấn công tình dục và đổ lỗi cho cô ấy?
Vậy nguyên nhân của những suy nghĩ lệch chuẩn dẫn đến đổ lỗi cho nạn nhân là gì? Tôi xin nêu một vài góc nhìn từ khía cạnh tâm lý học và văn hóa.
Trong đám giỗ ở quê mà tôi được tham gia, những người lớn trong nhà nhiều khi nói với nhau rằng "Sao mấy đứa con gái kia ăn mặc hớ hênh thế. Tôi nhìn mà cũng thấy xấu hổ. Phải bảo bố mẹ chúng nó dạy dỗ chứ". Những lúc như vậy, tôi hiểu rằng, mọi người có thể chỉ đang muốn giáo dục để giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc và gia đình như sự kín đáo, lịch thiệp, nét đoan trang của người phụ nữ Việt Nam.
Vì thế, khi xem xét các bình luận đổ lỗi cho nạn nhân, tôi cho rằng quan điểm này phần nào đã bị phát triển một cách cực đoan hoặc là sử dụng danh nghĩa bảo vệ văn hóa một cách không phù hợp.
Cụ thể, họ suy diễn một hành vi sử dụng quần áo thời trang bình thường thành hành vi chủ động khêu gợi tình dục, hoặc hành vi đi về muộn (chưa rõ lý do) thành ăn chơi bừa bãi và do đó phá hoại nền văn hóa truyền thống. Những suy nghĩ như vậy là không có căn cứ nhưng nó đi theo một lược đồ nhận thức tiêu cực về phụ nữ và cực đoan về văn hóa.
Sự cực đoan đó bám rễ trong nhận thức của một số người một cách vững chắc và khi xuất hiện tình huống cụ thể, thì nó trở thành các bình luận, phát ngôn ra bên ngoài mà không cần nhiều cân nhắc.
Nhìn ra thế giới, đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ hiện diện trong đời sống thường ngày mà còn có thể xuất hiện trong các hoạt động quản lý xã hội. Một nghiên cứu được tài trợ bởi Trung tâm Quốc gia về Phòng ngừa và Kiểm soát nạn hiếp dâm của Mỹ với 360 bồi thẩm viên từng phục vụ trong các phiên tòa xét xử tội hiếp dâm cho thấy, bồi thẩm đoàn sẽ nghi ngờ tội danh của bị cáo nếu có bằng chứng cho thấy nạn nhân uống rượu, sử dụng ma túy hoặc hoạt động tình dục ngoài hôn nhân.
Các công tố viên của Detroit (Mỹ) cũng sẽ ra các quyết định buộc tội bị cáo khác nhau khi họ nghi ngờ tư cách đạo đức của nạn nhân và hành vi của cô ấy tại thời điểm xảy ra vụ việc.
Theo các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, việc đổ lỗi liên quan đến sự bất bình đẳng giới với phần yếu thế hơn của phụ nữ. Trong các vụ tấn công tình dục, nạn nhân chủ yếu là nữ giới và do đó, việc đổ lỗi cho nữ giới dễ xảy ra hơn.
Những nạn nhân của tấn công tình dục có thể đang là bệnh nhân (cả về thể xác lẫn tâm lý) được chăm sóc trong các cơ sở y tế hoặc là những bệnh nhân "ẩn" (từ chối khám chữa bệnh vì lý do nào đó). Việc bảo vệ bệnh nhân trước những tác động tiêu cực sau sự kiện tấn công tình dục là hành động nhân đạo và thể hiện lương tri của con người.
Ngược lại, như đã nói ở trên, đổ lỗi cho nạn nhân không những không ngăn chặn mà còn củng cố hoạt động phạm tội, khiến cho sự xấu hổ và cảm giác tội lỗi của đối tượng tấn công tình dục giảm xuống, thậm chí có kẻ còn "khoe" với bạn bè về hành vi của mình.
Vì trong các vụ tấn công tình dục, nạn nhân chủ yếu là nữ giới nên để phòng chống hiệu quả đòi hỏi nam giới nhìn ra khả năng mình có thể gây ra bạo lực đối với phụ nữ; cũng như nam giới cần có lập trường chống lại hành vi bạo lực của những người đàn ông khác.
Thực tế, chỉ số ít nam giới có khả năng tấn công tình dục, nhưng cộng đồng nam giới có thể gây ảnh hưởng tới sự tấn công tình dục của nam giới. Ví dụ, nếu trong một xóm mà tồn tại những người đàn ông phản đối bạo lực với phụ nữ, những ý tưởng về tấn công tình dục phụ nữ của ai đó trong cộng đồng sẽ sớm bị ngăn chặn.
Với chị em phụ nữ, nếu bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, nên mạnh dạn chia sẻ với người thân hoặc nhờ các chuyên gia giúp đỡ, thông báo tới cơ quan chức năng.
Cuối cùng, những người tấn công tình dục cũng có thể đang phải chịu đựng vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Cố gắng kìm nén hoặc tự giải tỏa bằng các hành động cực đoan chỉ làm cho vấn đề của người đó trở nên khó giải quyết hơn. Vì vậy, tham gia hoạt động trị liệu tâm lý hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của người đáng tin cậy xung quanh là điều nên làm để một người có một cuộc sống lành mạnh.
Tác giả: Tiến sĩ Lê Thị Huyền Trang tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận học bổng của chương trình NORPART (Na Uy) về sức khỏe tâm thần toàn cầu cho trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp.
Hiện Tiến sĩ Trang nghiên cứu độc lập và trị liệu lâm sàng về các rối loạn liên quan đến căng thẳng tại Viện Nghiên cứu lâm sàng về xã hội, tâm lý và giáo dục thuộc Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!