Tâm điểm
Khuất Thu Hồng

"Tôi từng là nạn nhân của quấy rối tình dục"

Bài viết trên báo Dân trí về việc nhà thơ Dạ Thảo Phương vừa công khai chị bị xâm hại tình dục vàcâu hỏi "sao 23 năm sau mới lên tiếng?", gợi lên trong tôi những suy nghĩ xót xa. Tôi như thấy bản thân mình trong câu chuyện này.

Hàng chục năm trời là một quãng thời gian rất dài trong một đời người, đủ để lành những vết thương trên cơ thể (nếu có) nhưng không đủ để làm lành lại những tổn thương về tâm lý và tinh thần do tội ác xâm hại tình dục gây ra.

Chắc chắn là như vậy. Bởi vì cho đến nay là một người phụ nữ trưởng thành, tôi vẫn không thể nào quên được nỗi kinh sợ, tức giận trong những lần bị quấy rối tình dục mà lần đầu tiên khi tôi mới 6 tuổi. Một trong những lần sau đó là khi tôi đang học năm cuối đại học ở Moscow(Nga). Kẻ quấy rối là một người đàn ông có quen biết với gia đình tôi. Ông ta lợi dụng tình huống khi chỉ có hai người trong phòng, đột ngột ôm chặt lấy tôi, giở trò. Lúc đó nếu tôi không phản ứng mạnh mẽ, hét lên và dọa kể với người nhà thì không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau khi ông ta sượng sùng đứng dậy đi về. Tôi khóc nức lên một hồi trong phòng, rồi chạy ra bếp đổ hết thức ăn vào thùng rác và chỉ muốn đập tan mấy cái nồi cho hả giận. Cảm giác ghê tởm, nhớp nhúa ám ảnh tôi hàng tháng trời. Lúc đó, tôi không hề hé răng với người nhà của mình cũng như bất kỳ ai về chuyện này, và phải 34 năm sau tôi mới kể lại.

Trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại cực kỳ tồi tệ. Nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Đó là những nhận xét kiểu như "muốn nổi tiếng hay sao mà sau bao nhiêu năm mới mở miệng?"; "không có lửa làm sao có khói?; hay "Tại anh tại ả, tại cả đôi bên"… Nhiều người phụ nữ bị giày vò bởi cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận trong nhiều năm song không dám chia sẻ với ai việc mình bị quấy rối hay xâm hại tình dục vì lẽ đó. Tôi không phải là ngoại lệ. Mãi sau này, khi đã nghiên cứu về chủ đề này, đã dày dạn hơn với cuộc đời tôi mới hiểu là mình không có lỗi và thôi tự trách móc bản thân. 

Hẳn là nhiều người sẽ hỏi "nhưng 23 năm đã trôi qua, làm sao biết thực hư?". Là phụ nữ, tôi kể lại những trải nghiệm của mình như một cách chia sẻ với các nạn nhân.

Tất cả nạn nhân của quấy rối hay xâm hại tình dục đều rất khó lên tiếng, không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Gần đây ở nhiều nước phương Tây với phong trào "me too", đã góp phần khuyến khích phụ nữ công khai sự quấy rối và bạo hành tình dục trên mạng xã hội, qua đó nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của vấn đề. Còn ở Việt Nam, các nghiên cứu của tôi cho thấy tiếng nói của nạn nhân dù đã vang lên nhiều hơn so với trước song vẫn còn ít ỏi so với thực tế. Một thống kê cho thấy 90% phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình ở Việt Nam không tìm đến bất kỳ sự giúp đỡ chính thức nào. Xã hội cần thay đổi góc nhìn về vấn đề này. Trong đó điều tiên quyết là tránh xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Hãy để những người phụ nữ lên tiếng và cơ quan chức năng đưa ra kết luận. Cách tiếp cận đổ lỗi cho nạn nhân vô hình trung bịt miệng và làm nản lòng những người muốn đấu tranh vì một xã hội an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, và thậm chí, có thể cản trở luật pháp và những người thực thi pháp luật.

Tác giả:  Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Hà Nội. Bà Hồng có bằng cử nhân Tâm lý học năm 1984 và bằng tiến sĩ Xã hội học 1997. Trước khi thành lập ISDS bà là nghiên cứu viên tại Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1984 đến năm 2000 và chuyên gia về giới tại UNDP Việt Nam từ tháng 3/2000 đến 5/2001. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hòa nhập xã hội.