"Nháy mắt", "nhìn gợi tình"… có phải là quấy rối?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, dựa trên cơ sở cập nhật bộ quy tắc ban hành năm 2015.
Một số quy định mới của Bộ quy tắc thu hút sự chú ý của công luận và nhận nhiều ý kiến khác nhau, nhất là các quy định nhằm làm rõ hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, gồm: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có những cử chỉ động chạm cơ thể hoặc gợi ý tấn công tình dục.
Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục; nhận xét không phù hợp về xã hội, văn hóa, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó; mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
Ngoài ra còn có quấy rối tình dục phi lời nói, gồm: Dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải quy định cụ thể như trên, ví dụ như "nháy mắt", "dùng cử chỉ ngón tay"… vì không thể bao quát được hết các hành vi trong thực tế. Tôi nghĩ ngược lại, chúng ta đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục càng chi tiết thì càng dễ nhận diện và xử lý. Năm 2018, từng xảy ra vụ một nữ công chức ở Triệu Phong (Quảng Trị) tố bị nam đồng nghiệp quấy rối tình dục ngay tại công sở, song phải mất nhiều thời gian và nhiều cơ quan vào cuộc thì mới kết luận được. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và chắc chắn để giải quyết các sự việc tương tự. Vậy thì tại sao nay mọi người lại giễu cợt các chi tiết "nháy mắt", "nhìn gợi tình"…?. Suy cho cùng quy định này là để phụ nữ được an toàn, được tôn trọng và chúng ta nên ủng hộ.
Tôi chỉ góp ý rằng, với định nghĩa về quấy rối tình dục phi lời nói, cơ quan soạn thảo nên "Việt hóa" các từ dịch từ tiếng Anh sao cho dễ hiểu, tránh gây băn khoăn với người đọc. Nên chăng định nghĩa theo hướng: Những hành vi phi ngôn ngữ (phi lời nói) có tính chất tình dục khiến đối tượng cảm thấy bị xúc phạm như nháy mắt một cách khiếm nhã, nhìn chằm chằm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, ngoắc tay thô bỉ, các cử chỉ suồng sã.
Mục đích của quy định chi tiết là để làm sao người dân khi đọc thì hiểu ngay mình được làm gì và không được làm gì. Trong bối cảnh văn hóa của người Việt vốn "dĩ hòa vi quý" được coi là phương châm đối nhân xử thế, và khi xảy ra sự việc nhiều người chưa có thói quen tìm đến luật sư, thì một bộ quy tắc với các quy định cụ thể, chi tiết lại chẳng tốt hơn sao?.
Năm 1999, khi tôi làm nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trường học ở Hà Nội, TPHCM, một chị đã kể về tình trạng thường xuyên bị ông sếp quấy rối bằng cách đến sau lưng và thổi nhẹ vào gáy chị. Tình trạng này kéo dài đến nỗi chị phát ốm và phải xin nghỉ việc. Như vậy khi soạn thảo Bộ quy tắc thì chúng ta "làm ngơ" với thực tế này hay đưa vào quy định chi tiết?. Nhiều ý kiến sẽ cho rằng đây là việc tầm phào. Nhưng với người trong cuộc là phụ nữ, với người chồng, người cha có vợ mình, con gái mình là nạn nhân chắc không ai gật đầu với ý kiến này, ngược lại sẽ là sự phẫn nộ.
Mục đích cuối cùng của Bộ quy tắc là phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, góp phần xây dựng môi trường công sở văn minh, an toàn. Tôi được đọc một nghiên cứu cho thấy yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, không hẳn là tiền bạc, thành công, nổi tiếng… mà chính là mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh chúng ta mỗi ngày, trong đó có những người đồng nghiệp ở công sở. Dù bạn là ai, nếu mối quan hệ của bạn với những người thân trong gia đình cũng như đồng nghiệp không được suôn sẻ, bạn bị bạo lực về thể chất hay tinh thần thì cuộc sống và sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ rất thấp. Do đó, tôi ủng hộ việc sửa đổi Bộ quy tắc theo hướng càng cụ thể, càng dễ dàng thực thi.
Bộ quy tắc ban hành từ năm 2015 trong bối cảnh chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ về quấy rối tình dục nên việc áp dụng có thể gặp nhiều khó khăn. Nay vấn đề quấy rối tình dục đã được Luật Lao động 2019 quy định rõ ràng, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 cũng đã quy định cụ thể chi tiết về các giải pháp phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc ứng xử lần này mặc dù không phải là văn bản pháp luật song là một tài liệu hướng dẫn có giá trị giúp các cơ sở lao động thực hiện luật và nghị định, triển khai các hoạt động phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Thiết nghĩ, dù có hay không Bộ quy tắc ứng xử thì các cơ sở lao động cũng phải triển khai các hoạt động để thực hiện luật. Do vậy, các cơ sở nên coi Bộ Quy tắc ứng xử như một tài liệu tham khảo hữu ích. Với cách tiếp cận này, tôi cho rằng Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục nên được tiếp tục hoàn thiện để tạo cách hiểu thống nhất, khuyến khích các cơ sở lao động áp dụng rộng rãi.
Trong dịp này, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Nhiều ý kiến đã đề cập đến việc dự thảo Luật có nên quy định quá chi tiết các hành vi bạo lực gia đình hay không? Tôi nghĩ rằng, một trong những chức năng đầu tiên của luật pháp là giáo dục, điều chỉnh hành vi của người dân để ngăn ngừa sự sai trái, sau đó mới đến xử lý, trừng phạt. Luật mà chung chung, mơ hồ không những không giáo dục được đến nơi đến chốn mà cũng không có tác dụng răn đe vì không thể trừng phạt.
Luật về bạo lực gia đình của bang Victoria của Úc dành gần 4 trang để giải thích về các hành vi bạo lực gia đình. Luật của New Zealand cũng tương tự. Và chừng đó trang cũng không phải đã bao quát hết mọi hành vi bạo lực có thể xảy ra trong cuộc sống. Đối với những vấn đề có nguồn gốc sâu xa từ bất bình đẳng giới, từ định kiến xã hội và những quan niệm văn hóa xưa cũ như bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, luật cũng như các Bộ quy tắc càng phải có các quy định chi tiết, cụ thể để thay đổi nhận thức của xã hội.
Tác giả: Tiến sĩ Khuất Thu Hồng là người sáng lập và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS). Bà Hồng có bằng cử nhân Tâm lý học năm 1984 và bằng tiến sĩ Xã hội học 1997. Trước khi thành lập ISDS bà là nghiên cứu viên tại Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từ năm 1984 đến năm 2000, và chuyên gia về giới tại UNDP Việt Nam từ tháng 3/2000 đến 5/2001. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hòa nhập xã hội.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!