Ngân hàng "hy sinh lợi nhuận"
Trong số 8 nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra với các ngân hàng thương mại tại hội nghị hôm 11/2 vừa qua, yêu cầu đầu tiên với ngành này là: "tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân".
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Thực tế là về mặt tiết giảm chi phí, hiện tại các ngân hàng đã thực hiện rất tích cực nhờ vào chuyển đổi số mạnh mẽ. Khi ứng dụng công nghệ vào các khâu hoạt động, hệ thống ngân hàng giảm được đáng kể chi phí hoạt động cũng như nhân sự vận hành. Vừa rồi loạt ngân hàng tinh giản nhân sự, trong đó BIDV giảm hơn 1.000 người. Có thể quan sát thấy một làn sóng "layoff" - cắt giảm nhân sự rầm rộ trong ngành ngân hàng hiện nay.
Qua việc giảm chi phí sẽ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận và họ có thể dùng phần đó để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
NIM (chênh lệch giữa huy động và cho vay) là một chỉ số quan trọng với ngành ngân hàng. NIM quyết định lãi suất đầu ra và hiện tại, NIM của các ngân hàng trong khoảng 3,x (nghĩa là biên lãi ròng của các ngân hàng đang ở mức hơn 3%). Chỉ số NIM trung bình của các ngân hàng trên thế giới trong khoảng từ 2% đến 4%. Theo đó, về lý thuyết thì hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể giảm NIM, hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, bản chất ngân hàng là tổ chức kinh doanh, hoạt động nhằm mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận. Do vậy, hiệu quả của việc động viên, khuyến khích, kêu gọi ngân hàng lãi ít đi để dành nguồn lực hỗ trợ hạ lãi suất hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các ngân hàng.

Nhân viên một ngân hàng đang giao dịch tại quầy (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Bên cạnh các biện pháp mang tính hành chính, chúng ta cần phát triển các kênh cung ứng vốn khác nhằm cạnh tranh với ngân hàng, bởi nguyên lý là độc quyền (trong trường hợp này là độc quyền nhóm) sẽ tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.
Như chúng ta đã thấy, ngân hàng - một bộ phận trung gian - nhưng lại đang là ngành có lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế. Đây rõ ràng là bất cập rất lớn của kinh tế Việt Nam. Thống kê báo cáo tài chính của 27 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 là gần 300.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2023, trong đó, có 6 ngân hàng lợi nhuận vượt 1 tỷ USD.
Nếu như ở Mỹ hay các thị trường phát triển khác, ngành có giá trị vốn hóa lớn nhất là công nghệ thì ở Việt Nam lại là ngân hàng. Chi phí trung gian của nền kinh tế quá cao! Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã cảnh báo, dư nợ tín dụng của Việt Nam chiếm đến 135% GDP, rất đáng báo động khi quá lệ thuộc vào ngân hàng, chứa đựng rủi ro lớn đối với sự ổn định của nền kinh tế.
Để cạnh tranh với ngân hàng, tôi muốn nhấn mạnh đến 2 lĩnh vực: phát triển thị trường trái phiếu và thúc đẩy phát triển các công ty Fintech (công nghệ tài chính).
Thứ nhất, về thị trường trái phiếu, ở Việt Nam, kênh trái phiếu chưa phát triển đúng như mong muốn, kỳ vọng và bản chất của thị trường. Trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay có đến 70-80% lượng trái phiếu là của các ngân hàng.
Kênh trái phiếu nghiễm nhiên trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho ngân hàng, trong khi bản chất đây phải là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp của nền kinh tế chứ không phải huy động vốn cho bên trung gian.
Bản chất của nền trái phiếu Việt Nam đang bị méo mó khi ngân hàng là nhà phát hành chính, kế đến là các doanh nghiệp bất động sản. Còn nhóm doanh nghiệp sản xuất chiếm tỷ trọng rất nhỏ, dưới 10%.
Nhìn chung doanh nghiệp muốn vay nợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ còn cách vay ngân hàng vì đó là kênh khả thi nhất.
Để đẩy mạnh thị trường trái phiếu, cần gia tăng số lượng doanh nghiệp (ngoài ngành ngân hàng và bất động sản) phát hành, thời gian phát hành trái phiếu phải ngắn hơn, chi phí ít hơn, thủ tục tinh gọn hơn để các doanh nghiệp huy động được vốn một cách nhanh chóng với chi phí thấp.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu tổ chức thị trường trái phiếu dưới chuẩn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia. Tất nhiên là phải có các quy định để đảm bảo an toàn và giảm rủi ro.
Vừa qua, sau khi xảy ra các vụ khởi tố liên quan đến vi phạm trên thị trường trái phiếu, lòng tin thị trường bị giảm sút, lượng phát hành cũng giảm mạnh. Tôi đề xuất nên cho phép các công ty bảo hiểm tham gia bán bảo hiểm trái phiếu. Tương tự gửi tiết kiệm có bảo hiểm tiền gửi thì trái phiếu cũng có bảo hiểm trái phiếu, để phòng trường hợp các doanh nghiệp phá sản, mất khả năng thanh toán thì sẽ có các công ty bảo hiểm. Việt Nam nên áp dụng thông lệ này của thế giới.
Thứ hai về fintech. Trong các kênh thay thế cho ngân hàng, fintech giúp giảm chi phí trung gian xuống rất thấp.
Fintech ở Việt Nam mới chỉ phát triển mảng pay-tech (thanh toán) còn mảng cho vay chưa phát triển. Ở mảng cho vay hiện nay tồn tại nhiều tổ chức lừa đảo, các công ty cho vay nặng lãi núp bóng fintech, trong khi doanh nghiệp fintech thực sự đang chờ cơ chế sandbox (khung thể chế thí điểm), khung pháp lý.
Do vậy, cơ quan quản lý cần gấp rút phát triển cơ chế sandbox cho fintech phát triển, như mô hình B2B lending (cho vay ngang hàng), cho phép người vay và người đi vay gặp nhau trực tiếp trên nền tảng, ký hợp đồng thông minh (smart contract) tự động hay buy now pay later (mua trước trả sau..). Khi phát triển được mô hình này thì chi phí trung gian giảm đáng kể, có thể về gần bằng 0, chỉ mất một ít chi phí cho các nền tảng giao dịch, tiết giảm được rất nhiều chi phí trung gian cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Mở rộng được mảng fintech sẽ giúp tạo kênh cạnh tranh với ngân hàng, khi đó buộc ngân hàng phải chủ động giảm lãi suất để giữ khách.
Lâu nay kênh cổ phiếu được nhắc tới nhiều, và dù quan trọng nhưng thực tế đây không phải là kênh huy động vốn thường xuyên của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chủ doanh nghiệp ưa thích vay nợ hơn vì không muốn "bán" công ty của mình - dù ít dù nhiều. Vì vậy, cơ quan quản lý nên chú ý phát triển đồng bộ các kênh dẫn vốn, trong đó với điều kiện Việt Nam như nêu trên thì cần quan tâm thị trường trái phiếu.
Một thông tin cũng rất đáng chú ý là TPHCM và Đà Nẵng đang triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khả năng sẽ giúp thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường. Thậm chí, với sự vận hành của các trung tâm này, chúng ta có thể xây dựng được những thị trường hoàn toàn mới để thu hút lượng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thay vì chỉ trông chờ thị trường trong nước.
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Huân là Giám đốc chương trình đào tạo Thị trường chứng khoán, Đại học Kinh tế TPHCM. Ông là chuyên gia tư vấn cấp cao trong lĩnh vực kinh tế- tài chính cho các tỉnh, thành phố và các bộ ban ngành trên cả nước. Ngoài ra ông còn tư vấn cho một số dự án về công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam; đồng thời là nhà sáng lập của một công ty về trí tuệ nhân tạo tại Singapore và Việt Nam - Promete.AI và 1 công ty fintech trong lĩnh vực đầu tư- Công ty cổ phần công nghệ Finbot.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!