"Bệnh thừa tiền" ở ngân hàng
Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Thông tin này được Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ tại một cuộc họp gần đây bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại tồn kho tiền.
Giữa lúc kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chật vật vượt khó và về phía người dân, nhiều gia đình phải "thắt lưng buộc bụng", siết chặt hầu bao, giảm chi tiêu để đối phó với nguy cơ giảm lương, giảm việc, thì các thông tin được phía ngân hàng nêu lên như ở trên quả thực bất ngờ.
Tiền một khi dư thừa, ứ đọng, không quay vòng được tức là "tiền chết", làm giảm hiệu quả của nền kinh tế. Các ngân hàng là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, kinh doanh tiền, vậy nên tiền buộc phải đẻ ra tiền. Theo đó, thái độ sốt ruột của phía nhà băng về tình trạng tiền đọng lại trong kho như vậy là rất dễ hiểu!
Vấn đề là vì sao lại xảy ra tình trạng "lệch pha" như vậy trên thị trường tiền tệ?
Số liệu NHNN cho thấy, đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà cơ quan quản lý định hướng cho năm nay là 14%, tính ra, 4 tháng còn lại, tín dụng toàn hệ thống còn dư địa tăng trưởng về mặt số học rất rộng, khoảng 9%, tương đương khoảng một triệu tỷ đồng.
Nếu nhìn vào chu kỳ hoạt động của nền kinh tế (thường sôi động hơn vào cuối năm) cũng như một số điểm sáng của bức tranh vĩ mô tháng 8 thì có thể kỳ vọng vào sự cải thiện của tín dụng. Tuy nhiên, đạt mục tiêu đề ra hay không và có buộc phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá hay không, thì đó lại là câu chuyện cần xem xét kỹ.
Nói gì thì nói, doanh nghiệp muốn phát triển đều cần phải có nguồn tiền và hầu như không doanh nghiệp nào không có nhu cầu vay nợ. Song vấn đề đáng lo ngại ở đây là theo lãnh đạo NHNN, dù cơ quan này cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục thực hiện các biện pháp nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, mà nói như Phó Thống đốc Đào Minh Tú là "không muốn vay".
Thiết nghĩ, ngành ngân hàng sẽ phải trả lời được 2 câu hỏi: Thứ nhất, vì sao doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, và thứ hai, vì sao doanh nghiệp không muốn vay? Từ đó mới đưa ra được giải pháp sát sườn.
Hiện nay, ước tính khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 97%) tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng trên phương diện tiếp cận vốn, nhiều doanh nghiệp thuộc khu vực này không có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh còn thiếu tính khả thi.
Vậy, muốn tăng dư nợ cho vay thì hoặc là ngân hàng sẽ phải hạ chuẩn, hoặc sẽ phải tìm kiếm, thẩm định và sàng lọc rất kỹ để không bỏ sót đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Là đơn vị kinh doanh tiền tệ, lẽ đương nhiên các ngân hàng phải dựa trên một bộ tiêu chuẩn nhất định mới cho vay, và doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng mới được chấp nhận hồ sơ vay vốn. Trong trường hợp hồ sơ vay dưới chuẩn thì ngay cả khi ngân hàng rất muốn cho vay cũng phải thận trọng, bởi với phía cho vay, quan trọng hơn cả kiếm lãi là thu hồi được gốc. Nếu chỉ vì đẩy nhanh tín dụng mà cho vay dễ dãi thì điều này có thể để lại hệ lụy nghiêm trọng về sau.
Mấy hôm trước, tôi có trò chuyện với một vài người bạn là cán bộ tín dụng của một số ngân hàng tư nhân. Họ nói rằng, chẳng có ngân hàng nào không muốn cho vay cả, có điều, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhiều nhất hiện nay lại là các doanh nghiệp bất động sản, đối tượng mà phía ngân hàng e ngại ở thời điểm này.
Hơn nữa, khi doanh nghiệp vay vốn, tài sản thế chấp lại chủ yếu là bất động sản. Cùng một mảnh đất đó, trước đây doanh nghiệp có thể vay được 10 đồng thì nay chỉ còn 6-7 đồng, tức là định giá bất động sản đi xuống sẽ kéo dư nợ xuống theo.
Bởi vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu vốn đến các đối tượng cần, phía ngân hàng sẽ phải lắng nghe nhiều hơn để đánh giá kỹ lưỡng về phương án kinh doanh của doanh nghiệp, chấp nhận chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp và cũng là với nền kinh tế. Chỉ khi đó, ngân hàng mới là đối tác tin cậy, đồng hành. Có câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no", đồng vốn cung ứng đúng lúc có thể cứu cả một sự nghiệp.
Nói chung, mọi khoản vay đều được phía ngân hàng cân nhắc yếu tố rủi ro, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Chiều ngược lại, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng lựa chọn việc đi vay vì phải tính đến khả năng trả gốc, trả lãi, cân nhắc chi phí cơ hội, tính đến hiệu quả sinh lời của đồng vốn vay.
Cũng có trường hợp thủ tục vay rườm rà, nhiêu khê, tốn kém thời gian và giải ngân không kịp thời dẫn đến rủi ro để lỡ mất cơ hội kinh doanh, tâm lý "không muốn vay" là vì vậy. Những vấn đề này bản thân từng ngân hàng sẽ phải rà soát lại từ cung cách phục vụ, dịch vụ cung cấp cho đến việc đánh giá rủi ro của ngân hàng.
Với người có bệnh, không phải cứ bồi thuốc bổ thật nhiều mà phải bắt trúng bệnh và chữa bệnh bằng thuốc đặc trị. Doanh nghiệp khó về thị trường thì cần phải thúc đẩy tiêu dùng, kích cầu, cải thiện sức mua.
Mới đây, nhiều người dân, doanh nghiệp phấn khởi với Thông tư 06 có hiệu lực cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe. Thông tư 06 được kỳ vọng sẽ là cú hích để tăng cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng, và cải thiện tín dụng.
Chính sách là cần thiết, song tính khả thi có cao hay không? Liệu có bao nhiêu đối tượng chuyển nợ thành công khi mà điều kiện không dễ, lãi suất phạt trả trước là không nhỏ?
Tất nhiên cần nhấn mạnh, trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không thể đặt mọi trách nhiệm lên vai ngành ngân hàng. Doanh nghiệp cần vốn ngân hàng, nhưng đồng thời cũng cần những chính sách đồng bộ khác về xử lý thị trường trái phiếu; miễn/giãn/giảm thuế phí, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Các bài học kích thích kinh tế cả trên phạm vi quốc tế cũng như trong nước những năm qua cho thấy, trong việc khơi thông "mạch máu" của nền kinh tế, dòng vốn ngân hàng nên được nắn đúng hướng, tới đúng nơi cần và đúng lúc chứ không vì áp lực chỉ tiêu mà nóng vội, để phục vụ các lĩnh vực mang tính đầu cơ, rủi ro cao.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!