Ngẫm về "đắt - rẻ" suất bún 2 miếng chả giá 35.000 đồng
Một suất bún với 2 miếng chả có giá 35.000 đồng, thông tin này khiến dư luận xôn xao suốt mấy hôm gần đây. Xem qua bức ảnh về suất bún đó, quả thực tôi cũng như nhiều người khác, rất ngạc nhiên và có phần hụt hẫng.
Chưa nói về giá, chỉ riêng về phần trình bày món ăn, một suất bún chả thông thường sẽ có chả viên, thịt nướng, rau thơm. Ở một số địa phương, nếu cầu kỳ hơn còn nước sốt đi kèm, ngoài nước mắm pha loãng cùng đu đủ thái lát. Ngay khu vực ngõ chợ Đồng Xuân (trung tâm phố cổ Hà Nội), cùng mức giá 35.000 đồng thì suất bún có tới 6 miếng chả thái lát, 4 miếng chả lá lốt cỡ nhỏ, một đĩa bún có thể xin thêm, bát nước chấm đủ vị và một rổ rau sống.
Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi "bão mạng" lại nổi lên trước bức ảnh về suất bún 35.000 đồng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) gồm 2 miếng chả viên chỏng chơ trên đĩa bún, một bát nước chấm không thể "nhạt nhẽo" hơn.
Nhưng… hẵng khoan!
Khi phóng viên tìm hiểu thực hư vấn đề, chủ nhà hàng nói trên cho biết, ngoài đĩa bún và 2 miếng chả còn có đồ ăn kèm như rau sống, dưa món, tỏi, ớt, nước chấm và trà đá. Các đồ ăn kèm này được đặt sẵn trên bàn, khách hàng khi ăn sẽ tùy ý sử dụng sao cho phù hợp với khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, vị khách chỉ chụp đĩa bún có 2 miếng chả và bát nước mắm không có dưa món, điều này đã gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, chủ một số nhà hàng khác ở cùng khu vực cũng cho biết, tại đây, mỗi suất bún sẽ có 2 chả to hoặc 4 chả nhỏ. Mỗi chả to được tính giá 10.000 đồng, nếu tính cả bún và chả, đồ ăn kèm thì "mỗi suất cũng lời lãi chẳng được bao nhiêu".
Như vậy, trong trường hợp này, phản ánh của khách hàng là chưa đầy đủ, và nếu nói nhà hàng trên "chặt chém" thì cũng không hẳn là chính xác vì mặt bằng giá cả và cách thức trình bày món ăn không khác biệt so với những nhà hàng khác trong cùng khu vực.
Bản chất của các giao dịch là "thuận mua, vừa bán". Nếu nhà hàng bán đúng giá niêm yết với suất ăn đúng như mô tả và khách hàng chấp nhận thì sẽ chẳng có gì để nói.
Có điều, vị khách sau đó đã chụp lại ảnh của suất bún như một phản ứng của sự không hài lòng. Dù có thể không đầy đủ rau ăn kèm và nước uống nhưng bản chất suất ăn vẫn chỉ có một đĩa bún và 2 miếng chả. Miếng chả đó là to hay nhỏ, có đúng "định giá" 10.000 đồng như các chủ quán ở khu vực này nói hay không… điều đó chưa bàn đến, nhưng nhìn vào thái độ của phần lớn độc giả từ khắp nơi trên cả nước (trong đó bao gồm cả du khách tiềm năng của Sầm Sơn) khi theo dõi vụ việc này, có lẽ các bên liên quan (cơ quan quản lý và các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh) ở Sầm Sơn cần có sự xem xét, tự nhìn nhận lại.
Câu chuyện ở đây đã không dừng lại ở 2 miếng chả nữa rồi!
Về mặt lý thuyết, khi mặt bằng giá cả đắt hơn thì tính cạnh tranh du lịch của khu vực này sẽ giảm so với những khu vực khác có giá cả vừa phải hơn. Dễ thấy, nếu so "mặt bằng giá" của suất bún chả ở Sầm Sơn với những nơi khác (như ở ngõ chợ Đồng Xuân, trung tâm phố cổ Hà Nội) thì rõ ràng là cao hơn hẳn.
Vậy, thay vì xử phạt nhà hàng với lý do niêm yết giá sai quy định (chủ nhà hàng ghi "35K" mà không ghi rõ là 35.000 đồng) một cách khiên cưỡng, thiết nghĩ cơ quan hữu quan tại địa phương cần tìm hiểu xem vì sao nền giá hàng hóa ở Sầm Sơn lại cao hơn nơi khác? Có hay không việc "đội giá" là do các chi phí "ngầm" mà khách hàng sẽ phải "gồng gánh" hộ các cơ sở kinh doanh?
Vấn đề này không chỉ riêng Sầm Sơn mà cũng là câu chuyện của nhiều địa phương khác. Chẳng hạn tại Phú Quốc, có những phản ánh của du khách cho hay, họ đang phải trả dịch vụ đắt đỏ do "luật ngầm" chi hoa hồng cho tài xế.
Tất nhiên, đắt - rẻ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một suất ăn trong khách sạn đương nhiên khác với suất ăn tương tự nhưng bán ở vỉa hè.
Trường hợp suất bún chả của quán ăn ở Sầm Sơn, người viết cho rằng, kể cả trong trường hợp có niêm yết giá 50.000-60.000 đồng/suất nhưng nếu cách trình bày đầy đủ, đẹp mắt, hấp dẫn thì chưa hẳn xảy ra tranh cãi, ồn ào. Quan trọng hơn giá cả là thái độ phục vụ, sự chăm chút cho sản phẩm; cách thức chăm sóc để lấy lòng khách hàng…
Và nếu Sầm Sơn có lợi thế du lịch với nhiều danh lam, thắng cảnh, với những yếu tố đặc sắc, độc nhất vô nhị mà không nơi nào có được thì dịch vụ, hàng hóa có cao hơn các nơi khác, du khách cũng sẽ chấp nhận. Vấn đề là, chính quyền địa phương và những đơn vị hưởng lợi từ du lịch Sầm Sơn (nhà hàng, khách sạn, các đơn vị kinh doanh) có tự tin Sầm Sơn có được điều đó hay không?
Nhiều người kinh doanh cho rằng, chỉ khi xảy ra tranh cãi với khách hàng, khi có xích mích lúc thanh toán thì mới "có vấn đề". Thật ra không hẳn vậy, mà trường hợp vị khách chụp lại ảnh món ăn rồi tung lên mạng xã hội như ở trên là một ví dụ. Có những du khách không muốn tranh cãi, phiền hà, họ vẫn thanh toán cho "được việc", nhưng sẽ một đi không trở lại.
Thậm chí, phiền toái có thể xuất hiện sau đó khi khách hàng có phản hồi trên mạng xã hội, trên các trang công cụ đánh giá dịch vụ. Nếu gặp những vị khách là người nổi tiếng, những người "đánh giá chuyên nghiệp" như blogger ẩm thực, blogger du lịch… thì hình ảnh của đơn vị kinh doanh và du lịch địa phương sẽ khó tránh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Và một khi đã xảy ra ồn ào dẫn đến khủng hoảng truyền thông, sẽ là khéo léo hơn và được lòng khách nếu chủ nhà có tinh thần cầu thị, lắng nghe - chứ không phải là việc đứng ra tranh cãi nhằm chứng minh ai sai, ai đúng. Một vài người khách chê thì có thể chưa thuyết phục, nhưng hàng trăm bình luận độc giả báo chí, người dùng mạng xã hội cùng nêu ý kiến thì không nên phớt lờ.
Trong thời điểm kinh tế khó khăn, ngành du lịch khởi động lại sau đại dịch, các địa phương nỗ lực kích cầu tiêu dùng, chi hàng tỷ đồng cho những cổng chào, lễ hội, sự kiện lớn nhằm thu hút du khách… hy vọng rằng, các đơn vị kinh doanh hãy thực sự quan tâm đến trải nghiệm khách hàng, chăm chút cho dịch vụ. Có vậy mới "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" chứ đừng để khách đến chơi nhà rồi "một đi không trở lại".
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!