Giá giường bệnh 3 triệu đồng/ngày là đắt hay rẻ?
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Khung giá dự kiến áp dụng từ đầu năm tới được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tối đa là 3 triệu đồng một ngày cho loại phòng có một giường. Cùng hạng bệnh viện, phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Theo thông tin ban đầu, dự thảo thông tư hướng dẫn khung giá, để các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung, chứ không phải mức thu. Nhưng dù không thu vượt thì cơ sở y tế hoàn toàn có thể thu "chạm khung". Nhiều ý kiến băn khoăn về giá giường nằm 3 triệu đồng/ngày vì nó tương đương khách sạn 4 sao. Tôi nghĩ đây là sự so sánh khập khiễng vì khách sạn thì có thể lựa chọn vào hay không, nhưng người ta thường chỉ vào bệnh viện khi có bệnh - đó không phải là một sự lựa chọn. Chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe là loại dịch vụ đặc biệt, đòi hỏi sự cẩn trọng khi tính toán giá thành.
Đầu tiên, hãy nói về mục đích của việc tính lại giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Bấy lâu nay, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo trần của bảo hiểm y tế là quá thấp, quá lạc hậu. Các bệnh viện không có đủ nguồn lực để trả mức đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế và đầu tư phát triển. Vì vậy việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế là điều cấp thiết. Tuy nhiên, tính giá thế nào hợp lý, liệu chỉ tăng giá viện phí có giải quyết được vấn đề nhức nhối nêu trên không, và những hệ lụy không mong muốn có thể là gì?
Theo dự thảo thông tư, tôi hiểu rằng giá dịch vụ y tế dựa trên các chi phí được liệt kê khá chi tiết trong điều 5. Tuy nhiên, khi đưa ra mức giá tối đa cho các loại "giường bệnh" thì không rõ gồm những yếu tố nào cấu thành, và các mức chi phí được tính ra sao, tham khảo từ đâu? Tại Úc, giá dịch vụ y tế được tính dựa trên chi phí thực tế tại tất cả các bệnh viện công và 91 bệnh viện tư. Tại Thái Lan, 900 bệnh viện công cung cấp thông tin này. Tại Đức, con số này là 300 bệnh viện.
Ngoài ra, giá giường nằm 3 triệu đồng/ngày, vậy trong đó có những gì, trang thiết bị ra sao, cả giường thở máy, giường cấp cứu ICU hay là giường khám bệnh bình thường?
Giá dịch vụ y tế không đơn giản là cộng tất cả các yếu tố vào rồi tính, mà phải qua một quy trình phức tạp và toàn diện. Về lý thuyết, phải dựa trên: 1) hạch toán minh bạch của các bệnh viện và hệ thống y tế; 2) mô hình bệnh tật ở khu vực; 3) lựa chọn nội dung, chất lượng, và hình thức cung cấp dịch vụ có chi phí hiệu quả nhất; 4) sau đó hiệu chỉnh theo khu vực địa lý với mức sống dân cư khác nhau, các bệnh/dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong chương trình y tế trọng điểm cần được ưu tiên, các mục tiêu y tế công cộng nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng… thì mới ra được mức giá phù hợp. Và điều quan trọng nhất là phương thức chi trả cùng mô hình quản trị bệnh viện sẽ quyết định giá thành.
Ở đây chúng ta đang bàn đến các vấn đề của bệnh viện công, nhưng thực ra là "công - tư lẫn lộn". Nếu như mức giá 3 triệu đồng được đưa ra bởi một bệnh viện tư nhân sẽ không có ai bình luận hay phản đối. Tham khảo giá của các bệnh viện Hồng Ngọc, Thu Cúc, Tâm Anh, chúng ta thấy mức giá có thể thấp hơn hay cao hơn một chút, nhưng rất chi tiết trong mức giá đó bao gồm điều kiện thiết bị phòng ốc, dịch vụ khám chữa bệnh, bác sĩ như thế nào, y tá ra sao, nếu bệnh nhân cảm thấy phù hợp thì lựa chọn dịch vụ đó cho mình.
Với bệnh viện công, nếu muốn thực hiện một loại hình dịch vụ như bệnh viện tư cũng cần phải minh bạch từ mô tả chất lượng đến việc hạch toán. Tôi thấy rằng, bệnh viện công đang sử dụng những yếu tố công mà lại tính toán ra mức giá của tư nhân rõ ràng là không sòng phẳng và sẽ khó nhận được sự đồng thuận.
Trong hạch toán, bệnh viện công cần phải tách bạch yếu tố công - tư. Phần công được hạch toán dưới dạng ngân sách Nhà nước đầu tư để phục vụ cho đại chúng nhân dân, ai cũng đều thụ hưởng dịch vụ theo quy định của Nhà nước; một phần khác hoàn toàn là tư nhân thì phần đầu tư từ đất đai, phòng ốc bệnh viện, máy móc trang thiết bị, cán bộ y tế, tất cả đều phải hạch toán như một bệnh viện tư nhân khác. Lúc đó không phải 3 triệu mà 5 triệu đồng cũng không ai ý kiến.
Mặc dù dự thảo thông tư đã đưa ra yêu cầu hạch toán riêng và trích khấu hao tài sản như một doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đều biết rằng mức khấu hao này là không đủ để tái đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao. Đó là chưa kể, tôi cũng không rõ chi phí khấu hao này có được tái đầu tư không và tái đấu tư thế nào?
Nếu một bệnh viện có mức khấu hao cao (tức thu từ việc sử dụng tài sản công cho dịch vụ tư cao) thì họ có được tái sử dụng tương ứng để nâng cao chất lượng dịch vụ không? Nếu không, tất nhiên họ sẽ không có động lực để sử dụng hiệu quả.
Ngoài ra, trên thực tế người dân không biết việc hạch toán có đầy đủ không, có minh bạch không, và vì thế họ chưa có được niềm tin rằng khi họ trả một mức giá cao như vậy thì doanh thu được sử dụng đúng mục đích ra sao, trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị là từ tiền thuế của người dân mà ra.
Còn nếu bệnh viện sử dụng đất công, nhà công mà đưa ra dịch vụ tư thì điều gì sẽ xảy ra? Trước hết là khu vực dịch vụ công dành cho những bệnh nhân nghèo - những người không có khả năng chi trả theo giá dịch vụ, sẽ bị thu nhỏ dần. Theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế thì Bộ quy định rằng các cơ sở y tế công lập chỉ được dành 10-15% số giường dịch vụ, còn lại là giường thường. Nhưng thực tế chúng ta vẫn bắt gặp các bệnh viện công lập không có đủ giường cho bệnh nhân đại trà, mà nhiều bệnh nhân phải nằm giường ghép, nằm ngoài hành lang, hoặc chờ giường.
Tiếp theo, nếu làm như vậy các bệnh viện tư nhân sẽ không thể đủ sức cạnh tranh vì họ không được Nhà nước đầu tư về đất đai, cơ sở hạ tầng hay ưu đãi thuế. Và theo đó sẽ tạo ra một thị trường y tế cạnh tranh không lành mạnh, khu vực bệnh viện tư nhân sẽ bị thui chột khi không thể cạnh tranh bằng giá, không thể phát triển được và khi đó người dân là bên thiệt thòi nhất.
Như vậy, về mặt tư duy hệ thống, chúng ta cần thay đổi, cần rạch ròi ở những khái niệm này!
Đúng là hiện nay lương của nhân viên y tế khu vực công lập thấp. Nhưng y tế không phải là ngành duy nhất lương thấp, rất nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Chúng ta phải giải quyết bài toán tổng thể này. Không thể chỉ nhìn vào lĩnh vực y tế và áp dụng cách tính giá dịch vụ trong điều kiện công - tư chưa thực sự tách bạch, rồi yêu cầu người dân phải gánh vác.
Tất nhiên, để thay đổi mức lương của toàn bộ khu vực công tại thời điểm này là chưa thể, nên giải pháp là hệ thống y tế có thể tính toán lại giá bảo hiểm y tế (BHYT) đang quá thấp. Có người nói rằng, nếu nâng trần (mức chi trả) BHYT thì sẽ vỡ trận, tôi cho rằng vấn đề không nằm ở chỗ đó vì BHYT năm nào cũng kết dư.
Việc tăng giá dịch vụ y tế mà không thay đổi cơ chế chi trả hiện này là chi trả theo dịch vụ thì cơ chế này đã tạo ra một khe hở rất lớn, là các bệnh viện càng thực hiện nhiều dịch vụ càng được chi trả nhiều, cho dù việc làm đó có cần thiết không. Đây là nguyên nhân dẫn đến chỉ định xét nghiệm quá tay, đơn thuốc kê quá tay hay chỉ định nhập viện điều trị nội trú... Cơ chế cởi trói đã và sẽ khiến cho guồng máy đi quá xa. Bên cạnh các đơn thuốc do BHYT chi trả, luôn xuất hiện các chỉ định xét nghiệm không cần thiết mà bệnh nhân phải tự chi trả, hoặc các đơn kép là đơn mà bệnh nhân phải tự mua bên ngoài. Đây chính là nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực.
Tất nhiên, để đối phó với việc lạm thu, những năm gần đây, cơ quan BHYT xuất hiện để xuất toán các hoạt động được cho là không cần thiết. Tiếc rằng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe không phải là loại hình dịch vụ du lịch hay bán hàng. Sức khỏe và bệnh tật là những lĩnh vực vô cùng phức tạp. Việc chẩn đoán và chữa trị các ca bệnh không thể lúc nào cũng theo một khung cứng nhắc.
Đó là chưa kể, cái được gọi là quy trình chuẩn lại không phải lúc nào cũng cập nhật kịp thời. Vì thế, cơ quan BHYT đã tạo ra một cơ chế cứng nhắc khiến cho nhiều bác sĩ chỉ định, kê đơn như một cái máy; thậm chí phải điều chỉnh thông tin trong hồ sơ bệnh án để đảm bảo có thể thanh toán bảo hiểm được, chứ không nhất thiết phản ánh đúng tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Tức là họ muốn làm đúng cũng cực kỳ khó.
Để tránh lạm dụng và lãng phí, tránh sự không rõ ràng trong vấn đề tài chính của các bệnh viện, ngoài vai trò của cơ quan bảo hiểm y tế, có thể cần đến một bên thứ ba khác là hội đồng chuyên môn đánh giá, định giá. Mà trước hết, Bộ Y tế phải đưa ra các hướng dẫn để chẩn đoán và điều trị chuẩn, đủ chi tiết và cụ thể làm cơ sở cho hoạt động đánh giá đó.
Bài toán thực sự của ngành y là làm thế nào để xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả và minh bạch, nếu chỉ tập trung vào tăng giá dịch vụ có thể dẫn tới hai hệ lụy: Thứ nhất, chắc chắn cơ hội chữa bệnh của bệnh nhân nghèo sẽ bị thu hẹp, họ sẽ khó tiếp cận được với việc chăm sóc y tế đầy đủ; thứ hai là hệ thống y tế tư nhân không thể phát triển được vì không thể cạnh tranh được với loại hình dịch vụ trong bệnh viện công và nền y tế sẽ dễ quay lại tình trạng trước đây là sự độc quyền của khu vực bệnh viện công.
Các vướng mắc của ngành y cần giải pháp tổng thể để thay đổi cơ chế và phương thức quản trị tài chính nhằm đạt tiêu chí hiệu quả, minh bạch, và công bằng. Chừng nào chưa có một kế hoạch tổng thể thì việc tính giá sẽ còn gây ra những tranh luận khó có hồi kết.
Tác giả: TS Nguyễn Thu Anh hiện là Giám đốc quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam và giảng viên danh dự tại Trường Đại học Sydney, Úc.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!