Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Mốc son mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 14 và 15/4/2025 đã thành công tốt đẹp. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược trong tình hình mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển của khu vực và thế giới.

Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nêu rõ "Hai Đảng và Nhân dân hai nước cảm thấy thực sự vui mừng về kết quả chuyến thăm".

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trung Quốc vào tháng 8/2024. Đây cũng là chuyến thăm Việt Nam thứ tư của ông Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và là lần thứ hai trong cùng một nhiệm kỳ (Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Mốc son mới trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Pool)

Nếu tính cả lần ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch nước vào năm 2011, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có tổng cộng 5 lần thăm Việt Nam trên các cương vị khác nhau.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay, và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông đến. Điều này cho thấy phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, như bài viết của ông đăng trên Báo Nhân dân đã nêu: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, cùng chung lý tưởng và niềm tin, chia sẻ lợi ích chiến lược rộng rãi".

Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết, việc chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của năm nay đã thể hiện đầy đủ sự coi trọng rất cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với quan hệ Trung-Việt và tình cảm sâu đậm giữa hai nước…

Nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, đúng vào Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam…

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta đều có thể cảm nhận được sự trọng thị đặc biệt và bầu không khí thân tình, hữu nghị, chân thành, thẳng thắn trong 2 ngày Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm, làm việc tại Việt Nam, từ lễ đón tại sân bay Nội Bài, lễ đón chính thức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia, các cuộc hội đàm và các sự kiện quan trọng khác trong khuôn khổ chuyến thăm.

Nhân dịp này, lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký kết 45 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kết nối đường bộ, đường sắt, kiểm nghiệm, kiểm dịch hải quan, thương mại nông sản, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giáo dục, dân sinh, nguồn nhân lực, truyền thông và hợp tác địa phương...

Với các kết quả đã được nêu trong Tuyên bố chung, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành mốc son mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc.

Trên cơ sở duy trì trao đổi chiến lược, nâng tầm tin cậy chính trị, chắc chắn rằng sau chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và ngày càng bền vững hơn nữa.

Trong cấu trúc hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới, chúng ta tin tưởng rằng hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, khoa học công nghệ trở thành "điểm sáng" mới trong quan hệ Việt - Trung như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ then chốt; thúc đẩy thương mại cân bằng hơn, đầu tư chất lượng cao hơn, chú trọng triển khai tại Việt Nam các dự án, công trình lớn, tiêu biểu, hỗ trợ Hà Nội và các đô thị lớn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí….

Thế giới đang đứng trước những thay đổi to lớn căn bản mang tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 và nhìn xa hơn là đến năm 2045-2050, giai đoạn quan trọng nhất để định hình trật tự thế giới mới, mở ra những vận hội lớn cùng không ít thách thức với các nước. Đối với Việt Nam, đây là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút để kiến tạo kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; thực hiện mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đối với Trung Quốc, đây cũng là thời kỳ then chốt trong thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai, xây dựng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Trung Hoa mới, tức là giữa thế kỷ 21.

Trong bối cảnh nêu trên, việc Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục củng cố và làm sâu sắc quan hệ song phương không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực cũng như toàn thế giới.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!