Động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với hai nước; có ý nghĩa chiến lược trong việc đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sang giai đoạn mới.
Công tác lâu năm trong ngành ngoại giao, tôi đón xem các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm và cảm nhận sâu sắc sự trọng thị, thân tình, nồng ấm, bầu không khí hữu nghị cũng như kết quả to lớn, rất tốt đẹp mà chuyến thăm mang lại.
Như chúng ta đã biết, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được Trung Quốc tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Khi Đoàn xe chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến vào Đại lễ đường Nhân dân, 21 phát đại bác vang lên chào mừng…
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và vào tối 31/10 tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà thân mật. Có thể nói đây là nghi thức đặc biệt thể hiện sự coi trọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
Chúng ta nhớ lại rằng đây là lần thứ hai Đảng, Nhà nước Trung Quốc tổ chức nghi thức này dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên vào tháng 1/2017, cũng tại Đại lễ đường Nhân dân và cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra có thể kể thêm vào tháng 11/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà sàn Bác Hồ và dự tiệc trà tại đây. Nhà lãnh đạo Việt Nam đã giới thiệu với ông Tập Cận Bình về trà mộc Tân Cương nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên và trà ướp sen Tuyết San cổ thụ của tỉnh Hà Giang.
Như vậy, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã ba lần cùng nhau dự tiệc trà trang trọng và thân mật. Theo tôi được biết, trong ngoại giao, tiệc trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình. Người được mời dự vừa thưởng trà, vừa xem các nghệ nhân biểu diễn trà đạo. Trong không khí ấm cúng, hữu nghị đó, các nhà lãnh đạo sẽ cùng đàm đạo, trao đổi về văn hóa trà của hai nước cũng như trao đổi về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước CHND Trung Hoa.
Truyền thông đã đưa tin chi tiết về nội dung cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng như Tuyên bố chung hai nước "về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc". Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kết quả thành công tốt đẹp sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tiếp thêm động lực và đưa quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sang giai đoạn mới, lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Nhìn trên bình diện quốc tế, Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những sự kiện chính trị có tầm quan trọng hàng đầu, thu hút sự quan tâm của chính giới các nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc đón tiếp ngay sau khi Đại hội XX kết thúc thành công.
Có thể nói, một mặt chuyến thăm này thể hiện sự coi trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021) đã thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai Đảng, hai nước.
Chuyến thăm đã khẳng định và tiếp tục triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại đề ra tại Đại hội XIII của Đảng và càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến theo chiều hướng phức tạp, bên cạnh xung đột quân sự là lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia…
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới.
Như vậy, bên cạnh các mặt quan hệ, hợp tác khác, thời gian tới lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì đà phát triển, tháo gỡ các vướng mắc, qua đó hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của chúng ta.
Tại cuộc hội đàm diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận toàn diện các vấn đề quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, bao gồm cả vấn đề trên biển. Hai Tổng Bí thư cùng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước…
Tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ củng cố, phát triển những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, đồng thời mở ra những kỳ vọng mới trong bối cảnh tình hình địa chính trị của thế giới đang diễn biến phức tạp, có những rủi ro không dễ dự đoán.
Tác giả: Ông Ngô Quang Xuân là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông từng là Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Ông Xuân cũng từng giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!