Mở rộng "phao cứu sinh" cho người lao động
Cô Vân - cô họ tôi - vừa lĩnh bảo hiểm thất nghiệp tháng thứ 12 sau hơn một năm nghỉ việc ở công ty mà cô có thời gian gắn bó đến 14 năm.
Làm công nhân vất vả, đứng trong nhà máy cả ngày, tối về người rã rời, nhưng cô tôi kiên trì theo đuổi chứ không "nhảy ngang, nhảy ngửa" như nhiều người khác. Cô bảo, cả quãng thanh xuân, từ lúc chưa chồng đến khi lập gia đình, sinh con, cô đã làm công nhân chỉ một chỗ.
Hồi mới lên thành phố, cô không biết chế độ, chính sách cho người lao động gì cả. "Xin được việc làm là may lắm rồi", cô nói, chia sẻ thêm rằng hàng tháng có đồng lương để trang trải cuộc sống, chắt chiu dành dụm cho con ăn học, gửi chút quà cho cha mẹ hai bên, rồi Tết về quê trắng trẻo, mập mạp để người trong xóm thấy được, "coi bộ lên thành phố cũng ngon hén".
Đi làm thời gian, thấy người nghỉ, người vào, cô dần nắm bắt được lợi ích của việc ký hợp đồng lao động và những chính sách hỗ trợ kèm theo. Cô thấu hiểu những giá trị của các khoản bảo hiểm đóng hàng tháng mà người lao động và người sử dụng lao động cùng thực hiện theo luật định.
Người phụ nữ ngoài 40 tuổi giờ có thể nói vanh vách quy định bảo hiểm xã hội, điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. "Cô ít chữ nhưng các quy định về quyền lợi dành cho người lao động thì cố gắng tìm hiểu. Mình làm cực khổ trong xưởng may mà không biết, bỏ lỡ quyền lợi thì là lỗi của mình", cô bày tỏ. Tất nhiên, bộ phận nhân sự có tâm sẽ hướng dẫn khi lao động nghỉ việc, nhưng "nếu chủ động tìm hiểu vẫn hơn".
Mấy hôm trước, cô gửi cho tôi đường link bài báo về đề xuất mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo đó dự kiến người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên) cũng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
"Nếu chính sách này được thông qua thì tốt quá, vì như cô bây giờ có tuổi rồi, đi xin việc rất khó, nhiều khi chỉ được ký hợp đồng từ 1 tháng trở lên và phải chuyển từ việc này sang việc khác thường xuyên", cô nhắn tin cho tôi.
Tôi đọc bài báo và tìm hiểu thêm, được biết đây là nội dung nằm trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp đang diễn ra. Dự luật này có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như sau: Nhóm chính sách 1 về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; nhóm chính sách 2 về hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; nhóm chính sách 3 về phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhóm chính sách 4 về thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Vấn đề cô tôi quan tâm nằm trong nhóm chính sách 2. Dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: (i) người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; (ii) người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Mấy năm trước tôi từng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là thời điểm tôi quyết định tự khởi nghiệp sau mười mấy năm làm công tác chuyên môn ở một đơn vị công. Thời gian chờ mở ra hoạt động mới của tôi không may trùng với giai đoạn đại dịch Covid-19 nên tôi bị hụt hẫng về thu nhập, lâm vào cảnh khó khăn.
Lá đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được tôi gửi ngay tháng đầu tiên nghỉ việc. Theo luật, người lao động nghỉ hay mất việc phải làm đề nghị này cùng các chứng từ khác gửi kèm cơ quan bảo hiểm trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định thôi việc. Bảo hiểm sẽ trả 60% mức lương cơ bản của mức đóng trong 6 tháng gần nhất. Khoản tiền không lớn nhưng đủ để tôi chi tiêu tằn tiện trong thời gian thực hiện kế hoạch của mình. Do tôi có thời gian đóng bảo hiểm 14 năm nên được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp. Khi đó, bảo hiểm thất nghiệp như chiếc "phao cứu sinh" đúng nghĩa với tôi.
Từ góc độ một người lao động và từ trải nghiệm cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thứ nhất, quy định này sẽ mở rộng "phao cứu sinh", đảm bảo công bằng hơn trong tiếp cận chính sách an sinh xã hội. Theo bài báo cô tôi gửi nêu ở trên, hiện nay những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều này gây bất công và không phù hợp với thực tế khi nhóm này đối mặt với rủi ro mất việc làm.
Thứ hai, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ giúp chính sách linh hoạt, phù hợp hơn với xu hướng phát triển thị trường lao động hiện nay, khi một bộ phận đáng kể người lao động có thể tham gia nhiều loại hình lao động khác nhau và có các quan hệ lao động đa dạng, thời gian hợp đồng ngắn, chuyển việc liên tục.
Thiết nghĩ, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật quy định là giải pháp quan trọng để hướng tới đạt mục tiêu năm 2030 nước ta có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, ngoài nội dung nêu trên, các đề xuất về linh hoạt mức đóng và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng rất quan trọng. Bởi vì bảo hiểm thất nghiệp có nhiều mục đích, không chỉ bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, mà còn là giải pháp phòng ngừa thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm và tìm việc làm mới phù hợp... Chế độ bảo hiểm thất nghiệp được thiết kế tốt hơn sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp duy trì việc làm hoặc sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động (đối với người mất việc), thông qua các chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm…
Chính sách đã và đang theo kịp cuộc sống trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường lao động chuyển động ngày càng nhanh hơn.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!