"Luật Việc làm mới giúp phát triển thị trường lao động bền vững, hiện đại"

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Luật Việc làm sửa đổi sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, xây dựng sàn giao dịch việc làm quốc gia, điều chỉnh nhóm chính sách bảo hiểm thất nghiệp...

Sáng 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

Dự thảo Luật còn 9 chương, 94 điều, giảm 36 điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP.

Công cụ quản trị thị trường lao động

Sau khi tiếp thu, giải trình các nội dung cần sửa đổi, Bộ trưởng nêu 4 nhóm nội dung chính của dự Luật.

Thứ nhất, tập trung bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, cả việc làm công và việc làm tư đối với nhóm chính sách quản trị nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Cụ thể, sẽ xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia, đẩy mạnh giao dịch việc làm trên môi trường mạng theo hướng công khai, minh bạch có sự kết nối, liên thông. Trong đó, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành lao động, thương binh và xã hội trong hệ thống thông tin thị trường lao động.

Luật Việc làm mới giúp phát triển thị trường lao động bền vững, hiện đại - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: QH).

Theo Bộ trưởng, hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng sàn giao dịch việc làm công và tư.

Cùng với vai trò của ngành lao động, các cơ quan thống kê chịu trách nhiệm về thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông tin thị trường lao động theo pháp luật về thống kê.

"Những quy định trên nhằm phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, có sự liên thông, kết nối và chia sẻ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về đăng ký lao động, Bộ trưởng nêu bật về quy định tập trung nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động có sự kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, bảo hiểm xã hội, thuế, tạo điều kiện cho người lao động giao dịch, tìm kiếm việc làm và thụ hưởng những chính sách về việc làm.

Thứ hai, với nhóm chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng khái quát: "Đây là công cụ quản trị thị trường lao động".

Dự Luật sửa đổi chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tập trung hỗ trợ hiệu quả cho người lao động thất nghiệp, thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Cùng với đó, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, đồng thời tạo thuận lợi cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kỳ vọng các quy định trong dự Luật sẽ khắc phục cơ bản tình trạng gian lận, trục lợi chính sách như thời gian vừa qua.

Hỗ trợ việc làm cho người yếu thế

Nhóm chính sách thứ ba được Bộ trưởng nhắc đến là phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ở nhóm này, dự Luật bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, công nhận tương đương, miễn đánh giá kỹ năng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người lao động trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề, thúc đẩy doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động có tay nghề.

Với nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định tạo cơ hội cho tất cả người lao động, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động.

"Điều này tạo môi trường để người lao động phi chính thức tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề", Bộ trưởng cho hay.

Luật Việc làm mới giúp phát triển thị trường lao động bền vững, hiện đại - 2

Quốc hội nghe báo cáo tờ trình dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: QH).

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế, đặc thù, như phát huy vai trò lao động của người cao tuổi, sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ… phù hợp với sức khỏe, không trái với quy định pháp luật chuyên ngành.

Thứ tư, dự Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số.

"Các nội dung này rất đa dạng, liên tục thay đổi, biến động, do đó luật chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Tổng kết lại, Bộ trưởng cho rằng, việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật, chính sách, các quy định phát triển kinh tế, đầu tư, vốn, doanh nghiệp nên các nội dung được quy định cơ bản đồng Bộ với luật lao động 2019, các luật giáo dục, bảo hiểm xã hội…