Tâm điểm
Trương Chí Hùng

"Lương giáo viên cao nhất"

Năm 2007, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và bắt đầu tham gia giảng dạy tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tháng lương đầu tiên tôi nhận được là 2,8 triệu đồng. So với vật giá thời đó, số tiền lương như vậy ở mức vừa phải. Có điều, lúc ấy tôi còn phải chu cấp cho ba má ở quê, đều đã tuổi cao sức yếu không lao động được. Bởi vậy, tiền lương lãnh tháng nào là hết tháng đó.

Ngoài giờ dạy, tôi đi làm gia sư, phát tờ rơi, phục vụ quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Có khi túng quá mà không ai thuê làm gì, tôi mượn chiếc xe gắn máy cũ của đứa bạn cùng phòng trọ, chạy xe ôm kiếm tiền.

Tôi trở thành anh "thợ đụng - đụng đâu làm đó", vì lương giáo viên không đủ trang trải mọi thứ. Dạy được vài năm, gia đình tôi không may gặp biến cố, tôi phải đi vay tiền ở ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết. Tiền gốc tiền lãi ngân hàng mỗi tháng "ngốn" gần hết số tiền lương ít ỏi mà tôi có, nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Lương giáo viên cao nhất - 1

Để thu hút giáo viên lên vùng cao công tác, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ 50-100 triệu đồng và tiền sinh hoạt hàng tháng 1,2-1,8 triệu đồng/người. (Ảnh minh họa: Trà Thị Thu).

Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" những ngày đầu đi dạy khiến tôi không dành được nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học. Tôi không khỏi trăn trở khi cảm giác mình chỉ lên lớp dạy cho "tròn vai", ra khỏi lớp là tôi lao đi làm thêm.

Bạn bè cùng trang lứa với tôi, những ai theo nghề giáo cũng gặp khó khăn tương tự, nhất là những người ở quê ra cố gắng bám trụ thành phố với vật giá đắt đỏ, lại phải thuê trọ. Còn những bạn chuyển qua làm ở các công ty, xí nghiệp hay ngành nghề khác thì khá hơn về đồng lương. Điều đó khiến tôi từng viết đơn xin nghỉ dạy, nhưng rồi nhớ lại tâm nguyện ba má muốn tôi làm giáo viên, nên quyết tâm giữ nghề và cố thu xếp để mỗi ngày dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn cho công việc nhà giáo.

Sau nhiều đợt cải cách tiền lương, thu nhập của giáo viên dần được cải thiện. Hiện nay với hệ số 2,34, tương đương mức lương khởi điểm dành cho giáo viên hơn 5,4 triệu đồng, dù đã cao hơn trước nhưng nếu được nói thật thì tôi xin nói rằng, đây chưa phải là mức lương đủ hấp dẫn người giỏi vào ngành giáo dục.

Dõi theo dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, tôi rất phấn khởi và có lẽ các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Dự thảo đã xác định giáo viên là yếu tố quan trọng, nền tảng, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển lực lượng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là "việc sống còn".

Dự thảo Luật đã quy định nhiều chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đồng thời đề xuất tháo gỡ một số bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay. Cơ quan soạn thảo cho rằng với đạo luật này, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ đồng bộ trong toàn hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất.

Một trong những nội dung được quan tâm nhất của dự thảo Luật là giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và theo vùng như quy định của pháp luật. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Người công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; dạy trường chuyên biệt, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hỗ trợ về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ và thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc.

Với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, thiết nghĩ các đề xuất về tiền lương và các chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh mức lương, các chính sách khác cũng hoàn toàn cần thiết để thu hút người có trình độ cao, có tài năng, năng khiếu đặc biệt hay kỹ năng nghề cao vào sự nghiệp "trồng người"; động viên các nhà giáo tâm huyết, dạy giỏi xung phong về cống hiến tại các khu vực khó khăn, góp phần tạo sự cân bằng tổng thể về chất lượng giáo dục. Các quy định này là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2023, đó là "có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục", "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các chính sách mới sẽ giúp ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng và phát triển đội ngũ. Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!