Lựa chọn sách giáo khoa như thế nào là phù hợp?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo đó Hội đồng lựa chọn SGK thay vì do cấp tỉnh thành lập thì có thể chuyển xuống cấp nhà trường.
Mỗi trường là một hội đồng, hội đồng này sẽ có đại diện của cả lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.
Như vậy, việc thành lập hội đồng lựa chọn sách quay lại tương tự như đầu năm 2020 - năm đầu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào sử dụng. Còn ba năm vừa qua, Bộ quy định hội đồng do UBND cấp tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.
Tuy vẫn còn những góc nhìn khác nhau, nhưng nhìn chung các thảo luận ban đầu từ những người am hiểu giáo dục, chuyên gia và từ chính một số giáo viên cho thấy việc giao xuống nhà trường chủ động chọn SGK là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, giảm được khâu trung gian. Tuy nhiên dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, không để xảy ra chuyện chạy vạy làm "sân sau", tiêu cực.
Ở đây có lẽ cũng cần nhắc lại Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, với nội dung "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn".
Những năm qua chúng ta bắt đầu thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Khi có nhiều bộ SGK thì tất nhiên sẽ phải lập hội đồng lựa chọn. Và hội đồng thành lập ở đâu phù hợp là câu chuyện qua thực tiễn cho thấy còn lúng túng, vướng mắc.
Tại sao lại có tình trạng này?
Theo tôi hiểu có lẽ vì ý tưởng của cơ quan quản lý giáo dục hoàn toàn đúng, nhưng khâu thực thi trên thực tế thì lại chưa đồng bộ. Bởi vậy những điều chỉnh dựa trên thực tế, sau một thời gian rút kinh nghiệm, là cần thiết.
Nhìn ra thế giới, nhiều nước phát triển đã thực hiện cơ chế huy động trí tuệ xã hội, huy động những chuyên gia giỏi nhất để biên soạn sách giáo khoa; thông qua cạnh tranh lành mạnh có sự quản lý của nhà nước để cho ra đời những bộ sách tốt nhất, giá rẻ nhất có thể, giúp mọi gia đình dù hoàn cảnh kinh tế như thế nào đều dễ dàng tiếp cận, đồng thời tránh bắt học trò mua hàng tá sách tham khảo không phù hợp.
Nghị quyết 88 cũng đã quy định rất rõ là "các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Ở đây vai trò của người giáo viên là hết sức quan trọng. Suy cho cùng thì chính giáo viên và học trò mới là những người trực tiếp sử dụng SGK chứ không phải bất cứ ai khác. Như vậy, giáo viên phải là những người chủ động tìm kiếm thông tin, tích cực tìm hiểu, so sánh để không chỉ có ý kiến về SGK mà còn soạn giáo án, bài giảng phù hợp với bộ sách đã lựa chọn, phù hợp với chương trình chung và sự tiếp thu của học sinh.
Ngày nay học liệu không chỉ dừng lại ở SGK. Người giáo viên trong điều kiện cho phép hoàn toàn có thể áp dụng thêm các học liệu khác, ví dụ từ internet, để giảng dạy theo phương pháp mới, khuyến khích học trò coi trọng tinh thần tìm tòi, sáng tạo, và buộc phải đọc nhiều sách, làm nhiều dự án bài tập thì mới có kết quả học tập tốt nhất.
Nếu không có sự thay đổi từ giáo viên và học sinh, thì chúng ta nói nhiều đến đổi mới hay cải cách song thực tế sẽ chẳng nhúc nhích gì so với trước. Trong nhiều trường hợp thầy cô vẫn qua loa đại khái khi soạn bài, còn học trò tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Và như thế sẽ rất khó đạt mục tiêu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Như vậy, cùng với lộ trình đổi mới chương trình, SGK thì việc đào tạo lại giáo viên và tập huấn hàng năm về các phương pháp giáo dục tiến bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong tương lai gần, chúng ta cũng nên nghĩ đến SGK miễn phí cho học sinh trường công, ví dụ như trích ngân sách mua SGK cho học trò sử dụng miễn phí hoặc cho mượn đầu năm và trả lại cuối năm. Nghĩa là cha mẹ học sinh không phải bận tâm tới SGK. Trách nhiệm đảm bảo SGK thuộc về cơ quan quản lý giáo dục, tạo ra cơ chế để có sách tốt nhất cung cấp cho hệ thống học đường.
Muốn như vậy thì chúng ta không thể chỉ dựa vào các quyết định đơn lẻ mà cần giải pháp đồng bộ và có tính khả thi cao.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!