"Lạm phát" họp hành
Nhiều lần đến phường làm thủ tục hành chính, tôi phải chờ đợi rất lâu vì lãnh đạo phường bận họp. Dù một số thủ tục hành chính đã được gửi qua cổng dịch vụ công trực tuyến, nhưng khâu cuối cùng vẫn cần có chữ ký của lãnh đạo phường, mà lãnh đạo thì bận họp triền miên.
Những lúc ngồi chờ, tôi nhớ đến bài báo đã đọc cách đây mấy năm. Trong đó, một chủ tịch UBND xã thuộc huyện Cần Giờ (TPHCM) trần tình rằng, mỗi tuần ông phải lên thị trấn 4-5 lần để họp với lãnh đạo huyện, hết họp an toàn giao thông, bồi thường giải phóng mặt bằng, lại đến an ninh trật tự…. Có hôm 7- 8 giờ tối, ông vẫn có mặt ở cơ quan để ký duyệt hồ sơ, thủ tục. Đó là chưa nói lãnh đạo UBND xã còn chủ trì nhiều cuộc họp tại địa bàn. Họp nhiều quá nên không có thời gian giải quyết hồ sơ đến hẹn, phải xin lỗi dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn ở cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nêu vấn đề: "Ai cũng thấy chúng ta họp nhiều quá, không còn thời gian đi cơ sở. Nếu mỗi năm giảm 10% số cuộc họp không cần thiết cho cả nhiệm kỳ 5 năm thì sẽ giảm được 50% số cuộc họp. Nhưng có làm được hay không thì rất mong các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân hiến kế".
Mới đây, chủ một doanh nghiệp tư nhân không nén được bức xúc khi phải họp 5-7 cuộc với địa phương mình có dự án với cùng một nội dung. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao các ban ngành chức năng không ngồi lại chung một lần cho chúng tôi báo cáo? Tại sao cứ phải có một cuộc họp riêng cho mỗi đơn vị liên quan? Câu trả lời rất quen thuộc: Các ban ngành đó làm theo quy định.
Vào dịp này, mùa họp tổng kết bắt đầu diễn ra ở các cơ quan công sở. Phải khẳng định, họp tổng kết năm rất quan trọng, nhìn lại những gì đã đạt được, ưu nhược điểm trong năm qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm tới. Những cuộc họp tổng kết ấy sẽ giá trị nếu được tiến hành một cách thực chất thay vì sa vào lối mòn nặng về báo cáo thành tích chung chung với những ngôn từ đã thành "khuôn mẫu": Khó khăn, thuận lợi, nhận xét đánh giá theo kiểu "bốn ưu", "ba khuyết". Bởi vậy nhiều công chức đã đúc kết rằng đơn vị ta năm nào cũng "tiến một bước", 20 năm qua đã tiến "20 bước" nhưng thực chất thì vẫn đang "dẫm chân tại chỗ".
Rõ ràng, bận họp dẫn đến chậm trễ công việc là một trong những nguyên nhân khiến mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền nhiều nơi chưa cao. Còn những mất mát vô hình khác khi mà cánh cửa phòng họp đóng kín, ngăn cách với đời sống xã hội, không đủ thời gian tiếp cận với thực tiễn nên nhiều vấn đề chậm được phát hiện, chậm đưa ra giải pháp kịp thời.
Chúng ta từng có những nhà lãnh đạo sâu sát với thực tiễn như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - luôn dành thời gian đi thực tế ở các địa phương, nhiều quyết định sáng suốt của ông được thực hiện ngay tại công trường.
Trong nền chính trị - hành chính ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng đều phải có những cuộc họp, những công việc được giải quyết trong văn phòng. Vấn đề đáng bàn là thiết kế hệ thống quản trị sao cho thời gian, năng lượng không bị "ngốn" quá nhiều vào họp hành. Và như vậy thì những người lãnh đạo mới có thời gian đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn. Sự sâu sát thực tiễn sẽ mang lại cảm xúc, động lực, thông tin khác hẳn với không khí những cuộc họp trong phòng điều hòa.
Ở ta dù công cuộc cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả song dường như "bận họp" vẫn là câu nói quen thuộc lâu nay của nhiều vị cán bộ. Khi còn là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Thang Văn Phúc đã thống kê con số gây sốc: "Cứ 8 tiếng trên cả nước có gần 3.000 cuộc họp, ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi ngày". Ông Phúc lúc đó với vai trò Tổng thư ký cải cách hành chính đã có ý thức giữ tất cả các giấy mời họp và "bộ sưu tập" đó mỗi năm có gần 400 giấy mời họp.
Không ai dám chắc thống kê này đến nay đã được cải thiện ra sao? Một số chuyên gia đã hiến kế, muốn giảm họp thì cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, làm sao để hệ thống thông suốt, phân cấp phân quyền rõ ràng, nhất là trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm lãnh đạo quản lý. Cấp nào được quyết việc gì cứ vậy mà thực hiện, không cần họp xin ý kiến.
Bên cạnh đó, các cơ quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, lấy ý kiến, trả lời ý kiến qua hệ thống điện tử thay việc họp trực tiếp. Công cuộc chuyển đổi số giúp đưa và nhận thông tin "cùng một lúc, ngay lập tức" đến "mọi nơi mọi lúc" thay vì bỏ thời gian công sức đi họp. Đại dịch Covid -19 trở thành một cú hích để hình thức họp online trên nền tảng số trở nên phổ biến. Nhưng khi đại dịch qua đi, nhiều cuộc họp online đã bị thay thế bởi họp trực tiếp, có vẻ thói quen cũ khó bỏ hay vì một lí do nào khác nữa?
Tình trạng "lạm phát" họp còn thể hiện tư duy làm theo quy định, trong khi những quy định đó ai cũng biết không còn hợp lý nhưng ăn sâu vào não trạng của nhiều cán bộ, công chức, triệt tiêu đi sự sáng tạo vì hiệu quả của công việc. Tư duy bao cấp trong quản lý, nhà nước "ôm" quá nhiều, cơ chế xin - cho vẫn nặng nề.
Chính phủ đã và đang đi đầu trong cải cách hành chính, giảm bớt họp hành, hội nghị. Việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong những năm gần đây đã cho thấy sự đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước. Mỗi năm, chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia khoảng 8.100 tỷ đồng.
Một đại biểu Quốc hội từng đề nghị Chính phủ cần có quy định (mặc dù tương đối) là cán bộ từng cấp nào thì phải dành bao nhiêu thời gian đi cơ sở, cấp tỉnh bao nhiêu % thời gian, cấp huyện bao nhiêu. Chính phủ, Bộ Tài chính nên điều chỉnh lại chế độ công tác phí cho phù hợp, dứt khoát đi họp không có phong bì…
Và trước hết cần ở các vị lãnh đạo tự mình "giải phóng" khỏi những cuộc họp không cần thiết để đi cơ sở, để xuống công trường…
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, người bận rộn với việc điều hành cùng lúc nhiều công ty, đã đưa lời khuyên, đại ý "nếu một cuộc họp không yêu cầu bạn: Đóng góp; tạo ra giá trị; đưa ra quyết định thì sự hiện diện của bạn ở đó là vô ích".
Theo Elon Musk, "không phải là thô lỗ khi rời khỏi cuộc họp, nhưng thật thô lỗ khi lãng phí thời gian của mọi người".
Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!