Dự án chậm tiến độ và ước mơ về những "Kim Ngọc" mới
Mấy năm trước, khi việc xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực rất nóng bỏng, ông chủ tịch một thành phố lớn đương nhiệm lúc ấy đã có phát ngôn đầy ấn tượng: "Các cuộc thanh tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Nhưng việc này cũng làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính"!
Quả là đứng trước những thử thách, sự khác nhau trong suy nghĩ của nhiều người là chuyện bình thường. Nhưng nếu xác định đúng vị trí của mình, coi cống hiến là mục tiêu cao nhất, thì sự phân tâm, chùng chình chắc chắn sẽ không lớn đến thế.
Nhìn lại các công trình chậm tiến độ, lãng phí, sẽ thấy thái độ trách nhiệm của cán bộ có ý nghĩa như thế nào. Riêng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đã có không biết bao nhiêu cuộc họp cấp bộ, ngành thúc đẩy tiến độ và báo chí đưa tin.
Mỗi lần như thế, dư luận lại xót xa vì mức độ lãng phí và nguy cơ thành sắt vụn của dự án nghìn tỷ này. Thế nhưng sau họp bàn mọi chuyện lại nằm im đó. Vướng mắc nằm ở luật đầu tư công, ở cơ chế quản lý vốn khiến tập đoàn Dầu khí Việt Nam đơn vị chủ đầu tư không dám rót thêm vốn để dự án hoàn thiện dù nếu không làm thế thì nguy cơ ngàn tỷ vứt qua cửa sổ đã hiển hiện. Phải đến khi Thủ tướng trực tiếp xắn tay chỉ đạo, dự án mới bắt đầu vận hành tổ máy đầu tiên vào giữa năm nay.
Tôi lại nhớ đến ông Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc năm nào. Khi quyết định cho nông dân thực hiện khoán trên mảnh ruộng của mình, ông Kim Ngọc đã đứng trước lựa chọn sinh tử. Việc quy kết đi chệch hướng XHCN, đi ngược quan điểm của Đảng về kinh tế tập thể lúc ấy có thể vĩnh viễn khép lại cánh cửa sự nghiệp của vị Bí thư tỉnh ủy. Nhưng trước thực tiễn sinh động, ý thức trách nhiệm một cán bộ cấp cao của Đảng, ông đã nhận rủi ro về mình, quyết định cho thực hiện khoán. Để dân được mùa, ấm no, người lãnh đạo sẵn sàng chịu nhận thiệt thòi, rủi ro về mình đã là một ví dụ sinh động về nhân cách "người công bộc của dân"!
Tôi cứ mong ước, giá như từ sớm, có một ông Bộ trưởng "Kim Ngọc" hay một ông Chủ tịch "Kim Ngọc" sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm và rủi ro cá nhân, dám đứng ra quyết định rót vốn làm tiếp dự án kiểu như Nhiệt điện Thái Bình 2 để cả nghìn tỷ của nước, của dân không lãng phí. Nếu có một cán bộ như thế, liệu ai nỡ kỷ luật ông? Ranh giới đúng sai có thể mong manh nhưng con mắt người dân không nhầm lẫn bao giờ.
Chúng ta đã có Kết luận 14-KL/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Nhưng chúng ta cũng đã thấm thía bài học kinh nghiệm về không ít người biết lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt quan điểm cá nhân nhằm tư lợi, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư... Không phải ngẫu nhiên, phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: "Không hợp thức hóa vướng mắc có tính sai phạm khi sửa Luật đất đai". Với một dự án luật quan trọng và nhạy cảm như Luật Đất đai, việc cảnh báo, ngăn ngừa từ sớm, từ xa đã thể hiện thái độ trách nhiệm của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân!
Thực tiễn cho thấy, đã đến lúc phải khẩn trương hoàn thiện các quy định bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích chung. Trong 5 kiến nghị của nhân dân và Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp Quốc hội khai mạc hôm qua, có kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm thể chế hóa Kết luận 14/TW-KL. Sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đi liền với tính chất rõ ràng, hợp lý của các quy định sẽ giúp cán bộ yên tâm cống hiến và rèn luyện.
Tuy nhiên, quy luật phát triển khách quan luôn đặt ra những thách thức và mâu thuẫn. Đấy là mảnh đất để phát lộ nhân tài, xuất hiện những cán bộ mà Đảng và nhân dân thực sự mong chờ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định dứt khoát: "Ai nhụt chí, không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm".
Cơ chế để cán bộ bị kỷ luật, không đủ năng lực, uy tín chủ động từ chức đã được triển khai. Cán bộ không bị kỷ luật nhưng tự xét năng lực, nguyện vọng cá nhân cũng có thể xin rút lui để nhường chỗ cho người khác phù hợp hơn.
Khi từng cán bộ đã ý thức được vai trò, trách nhiệm trước Đảng, trước dân, chắc chắn sẽ không có chuyện vì thanh tra, kiểm tra, chống tiêu cực mà công việc chùng chình, cán bộ thủ thế như vị cựu chủ tịch thành phố nọ đã từng lo ngại!
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân.
Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!