Ngăn lạm phát len lỏi vào bữa cơm người dân
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,25%. Như vậy lạm phát nhìn chung đang được kiểm soát, nhưng áp lực trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Với nhiều người dân, không đợi đến thông tin thống kê, họ đã cảm nhận được sự tăng giá len lỏi vào bữa cơm gia đình lâu nay.
Tôi xin nêu ra 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Một là, áp lực lạm phát chuỗi cung ứng. Trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga càng làm trầm trọng hơn tình hình, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài (tỷ lệ 37% trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế); tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò động lực tăng trưởng) chiếm 50,98%.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách "zero covid" đã và đang phần nào làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Hệ quả là sự khan hiếm nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.
Hai là, áp lực lạm phát từ giá nguyên, nhiên vật liệu. Với bối cảnh hậu đại dịch và chiến sự tại Nga - Ukraine, giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới đã bị đẩy tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Lạm phát tháng 5/2022 của EU ở mức 8,1% là tháng thứ 7 tăng liên tiếp; lạm phát tháng 4/2022 của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, dù giảm nhẹ so với mức đỉnh 8,5% của tháng 3/2022 song vẫn gần với mức cao nhất kể từ hè năm 1982.
Tại Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Những tháng qua, giá xăng dầu đã tăng mạnh 5 lần liên tiếp và hiện đứng ở mức cao, gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế. Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới cũng tăng vượt dự báo.
Kinh tế Việt Nam có đặc điểm là khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó, rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.
Thêm vào đó, áp lực tăng lương để thu hút người lao động quay trở lại sản xuất kinh doanh, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng cũng là cấu phần làm gia tăng giá thành sản phẩm.
Thứ ba, áp lực tăng giá từ tăng đột biến của tổng cầu. Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy mô 350.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng nói trên, gói tài khóa chiếm 83%, trị giá 291.000 tỷ đồng, gói tiền tệ chỉ chiếm 14%, còn lại 3% là các gói hỗ trợ khác. Trong đó, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (113.550 tỷ đồng) có khả năng gây áp lực lên lạm phát do tăng đầu tư khiến nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, sắt thép và các loại vật tư, thiết bị, nguyên liệu khác phục vụ công trình xây dựng tăng. Áp lực càng lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới đang bị gián đoạn. Thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn cung nguyên, vật liệu xây lắp không dồi dào sẽ tạo thêm áp lực lạm phát.
Giữa bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát thành công nhất tình hình lạm phát trong 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung đối với từng nhóm nguyên, vật liệu của mỗi ngành, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.
Tôi cho rằng, vai trò của Bộ Công Thương là rất quan trọng. Bộ cần chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm; những mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất để chủ động nguồn nguyên, vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng chính sách tiền tệ nên đúng liều lượng, hợp lý; không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, như đã bàn trước đây, tôi cho rằng, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới kiềm chế được đà tăng giá của mặt hàng chiến lược này. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm các loại thuế này đánh vào xăng dầu là khoản đầu tư cho nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, để giảm áp lực lạm phát, tôi cho rằng, Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả, linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, như: Điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…; cần nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá để tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Tôi cho rằng, với độ mở cao của nền kinh tế, sản xuất nội địa phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, trong bối cảnh giá thế giới đứng ở mức cao, nếu tăng trưởng năm nay vẫn đạt khoảng 6% và lạm phát trong khoảng 4-4,5%, đây sẽ là một năm thành công của kinh tế Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới.
Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!