Ngẫm chuyện khuyến khích… ngược!
Quan sát đời sống xã hội, tôi nhận thấy có những việc dù cách tiếp cận ban đầu dường như hợp lý nhưng thực tế đang vô hình trung "khuyến khích ngược", khiến cho người làm tốt bị "phạt" còn người làm không tốt thì được "thưởng".
Đơn cử, em họ tôi được phân công về công tác tại địa bàn có rất nhiều khó khăn cả về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chẳng ngại khó khăn, em đến từng gia đình tìm hiểu khúc mắc của họ, lý do vì sao khiếu kiện lâu dài và bàn cách tháo gỡ; nhà nào có người nghiện hút cũng được em tâm sự và vận động các tổ chức xã hội trên địa bàn chia sẻ, giúp cai nghiện cũng như tìm sinh kế phù hợp.
Sau một thời gian, địa bàn nơi em công tác được đưa ra khỏi danh sách các xã "phức tạp về an ninh trật tự". Tuy nhiên, khi không nằm trong danh sách này thì phụ cấp của cán bộ cấp thôn, xóm bị giảm xuống.
Nếu trước đây những người hoạt động không chuyên trách là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận được hưởng mức khoán phụ cấp là 5 lần mức lương cơ sở vì địa bàn họ "phức tạp về an ninh trật tự", thì thu nhập hiện tại của họ giảm chỉ còn 3 lần mức lương cơ sở.
Vậy là lẽ ra phải được thưởng vì nỗ lực thực hiện chức trách của mình thì họ lại bị giảm lương. Dĩ nhiên là họ không vui và áp lực càng đè nặng lên người em họ của tôi. Có cán bộ thôn, xóm còn nói rằng thà để cho địa bàn nằm trong diện "phức tạp về an ninh trật tự" và được phụ cấp cao, còn hơn cố gắng mà lại bị giảm thu nhập hàng tháng.
Đây là một phản ứng dễ hiểu, và rõ ràng là sự khuyến khích vật chất chưa thực sự phù hợp đã đưa đến vấn đề mà các bên đều không mong muốn.
Chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ khác, chẳng hạn như tình trạng "không muốn thoát nghèo" để được hưởng chính sách hỗ trợ; hay câu chuyện ồn ào về lương, thù lao ở một doanh nghiệp hàng không đang làm ăn thua lỗ, phải trông chờ vào gói "giải cứu" từ ngân sách… Điều dư luận thắc mắc là mức lương, thù lao đó đã phù hợp chưa, liệu có trái ngược với chủ trương khuyến khích doanh nghiệp phải làm ăn hiệu quả hay không?.
Nhìn rộng ra, trong hoạt động kinh tế, khuyến khích đúng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, đất đai, thị trường…, qua đó hướng nguồn lực quốc gia vào những đơn vị hiệu quả bất kể khu vực công hay tư. Còn khuyến khích ngược là sự bao cấp, trợ cấp hay các cơ chế đặc quyền trong tiếp cận đất đai và tín dụng giá rẻ, vô hình trung triệt tiêu động lực phải trở nên hiệu quả của chính doanh nghiệp được hưởng "bầu sữa" đó.
Còn trong cải cách hành chính, nhiều chuyên gia đã đề cập đến vấn đề những nơi làm tốt thì công chức chỉ hưởng đồng lương đơn thuần, còn nơi làm không tốt, công chức gây khó dễ và nhũng nhiễu lại có thể kiếm được phong bì bôi trơn. Rõ ràng đây là một hiện tượng khuyến khích ngược - người làm tốt bị thiệt thòi hơn người làm xấu, mà chúng ta đã và đang nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi.
Cách đây không lâu, tôi đến một ngân hàng để thực hiện giao dịch phục vụ nhu cầu cá nhân, cô nhân viên sau khi hướng dẫn tôi tận tình và thao tác nghiệp vụ khá nhanh, đã nhắc tôi khi ra về là nhớ "chấm điểm" vào màn hình cảm ứng bên cạnh.
Ấn vào nút "hài lòng", tôi thoáng nghĩ nếu chúng ta cũng áp dụng công nghệ để đo đếm sự hài lòng của người dân ở các cơ quan cung cấp dịch vụ công, thì rõ ràng sẽ góp phần tạo ra sự khuyến khích tinh thần phục vụ tốt hơn. Người lãnh đạo ngân hàng cũng như lãnh đạo cơ quan cung cấp dịch vụ công sẽ dễ dàng biết được nhân viên nào có thái độ trách nhiệm tích cực, qua đó đưa ra chính sách khen thưởng cũng như chế tài phù hợp.
Vừa qua, người lao động vui mừng trước dự kiến tăng lương cơ sở từ giữa năm sau, nhưng cũng có những ý kiến lo lắng nếu chúng ta không làm tốt tinh giản biên chế thì sẽ có một bộ phận công chức được hưởng khuyến khích ngược. Đó là những công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về", ít có đóng góp trong công việc song vẫn được tăng lương.
Khuyến khích ngược vì vậy là vấn đề liên quan chặt chẽ tới năng suất lao động, tới hiệu suất sử dụng tài nguyên quốc gia. Thực tiễn cho thấy những quốc gia đi đến thịnh vượng là những quốc gia có cơ chế, chính sách khuyến khích đúng. Các chính sách được thiết kế để lợi ích của từng cá nhân đi cùng chiều với lợi ích của cộng đồng, lợi ích cá nhân phải phù hợp với lợi ích chung của tập thể, nhà nước và xã hội.
Hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson trong tác phẩm nổi tiếng "Tại sao các quốc gia thất bại" đã đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục để phân tích rằng, "sự thịnh vượng và đói nghèo được quyết định bởi các động cơ khuyến khích hình thành từ thể chế".
Chỉ có một thể chế tốt nơi những "người thổi sáo hay nhất phải được trao cây sáo tốt nhất" hay những người làm tốt được khuyến khích, động viên và hưởng thu nhập cao hơn, khi ấy chúng ta mới bước đi vững chắc tới thịnh vượng.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!