Bồi đắp danh dự công vụ
Phát biểu về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo "phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự".
Người đứng đầu Đảng ta từng nhắc đến lý tưởng sống của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" và nói rằng: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
Nhìn lại công cuộc "đốt lò" những năm qua, chúng ta chứng kiến hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã không giữ được điều thiêng liêng, cao quý nhất đó. Họ không những làm mất uy tín bản thân mà còn ảnh hưởng xấu đến tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi sinh hoạt, công tác. Nhiều người hôm trước còn ở trên bục rao giảng thì hôm sau đã trở thành đối tượng bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố.
Đơn cử trong vụ án Việt Á, có những cán bộ lãnh đạo, quản lý CDC tại một số tỉnh từng tuyên bố, đại ý rằng họ đã "thực hiện đúng quy trình, quy định, minh bạch, và không nhận một đồng nào từ Việt Á". Đến khi phải tra tay vào còng và làm việc với cơ quan điều tra, những cán bộ nói trên đối diện với thực tế bẽ bàng. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động khiến họ không chỉ đã tự đánh mất hết lòng tự trọng, danh dự cá nhân mà còn gây hệ lụy tiêu cực cho hình ảnh, uy tín của cơ quan, đơn vị, và rộng ra là cả chính quyền và đội ngũ cán bộ khu vực công.
Ý thức về danh dự trước hết là một phẩm chất gắn với cá nhân, được hình thành cùng với tiến trình trưởng thành của mỗi người. Cũng có nghĩa, mức độ tôn trọng danh dự của bản thân mỗi người là yếu tố có trước, tồn tại trước các phẩm chất đạo đức công vụ. Bởi thế, có thể nhận định rằng mức độ trọng danh dự của mỗi người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chấp hành các yêu cầu đạo đức công vụ khi họ làm việc cho khu vực công.
Người càng trọng danh dự thì sẽ càng đáng tin cậy để giao cho họ thẩm quyền cùng những nhiệm vụ liên quan đến lợi ích công, tức là trách nhiệm và bổn phận phục vụ người khác.
Những cá nhân có ý thức cao về bảo vệ danh dự khi làm việc cho khu vực công thì họ tất yếu sẽ coi danh dự không đơn thuần chỉ là chuyện cá nhân, mà còn là vấn đề hình ảnh và uy tín của cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc. Tôn trọng danh dự khi thực thi công vụ trước hết sẽ khiến mỗi cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Họ sẽ luôn ý thức về những điều nên và không nên làm dựa trên các ý niệm về đạo đức gắn với từng tình huống cụ thể. Như thế, đề cao danh dự công vụ sẽ trở thành một sợi dây ràng buộc cán bộ, công chức, viên chức với những điều đúng đắn, chính đáng, nên làm để phụng sự nhân dân.
Về logic tâm lý và hành vi, những người trọng danh dự cũng sẽ luôn chú ý đến phản ứng của người khác đối với phát ngôn và hành động của mình. Họ sẽ cân nhắc thấu đáo mong đợi của người khác trước mỗi tình huống cụ thể. Cũng có nghĩa, khi thấm nhuần ý thức bảo vệ danh dự, mỗi cán bộ công quyền sẽ luôn tính đến các phản ứng xã hội và hệ lụy về hình ảnh, uy tín của bản thân, của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Như vậy, sự đề cao danh dự sẽ tạo ra cho cá nhân một điểm tựa tinh thần, tuy vô hình nhưng lại có thể giúp cá nhân tránh xa được những ý đồ và hành động vô đạo đức, bị xã hội phản ứng và lên án.
Đối với các thành viên trong xã hội, những phát ngôn và hành động đề cao danh dự của cán bộ Nhà nước sẽ vun đắp lòng tin của người dân với hình ảnh và uy tín của cơ quan công quyền, sứ mệnh bảo vệ lợi ích công và phụng sự cộng đồng của chính quyền, gia tăng sự ủng hộ chính sách, cải thiện tinh thần hợp tác giữa các lực lượng xã hội với chính quyền, từ đó gia tăng khả năng thành công chính sách.
Khi gắn danh dự với các chủ thể khu vực công, chúng ta có thể hình thành ý niệm về "Danh Dự công vụ". Để thể hiện sự tôn trọng Danh dự công vụ, đội ngũ nhân sự khu vực công thường được yêu cầu: không tư lợi thiển cận (Chí công vô tư); chính trực, minh bạch, đàng hoàng, và trong sạch (Liêm chính); nhất quán giữa lời nói và hành động (Trung thực); phụng sự nhân dân (Phục vụ và Cống hiến); nhận lỗi khi làm sai (Trách nhiệm); không chây ỳ (Tự giác)…vv. Vì thế, có thể nói, nếu đặt ra yêu cầu về Danh dự công vụ thì đây sẽ là một trong những giá trị đạo đức tổng hợp, bao trùm nhất của khu vực công.
Nhấn mạnh và lan tỏa ý thức trọng "Danh dự công vụ" cũng sẽ góp phần đẩy lui thói khôn lỏi, ích kỷ thiển cận, chỉ tìm cách thủ lợi cá nhân mà bất chấp việc hưởng lợi đó lại có thể xâm phạm lợi ích chung.
Những cán bộ ý thức cao về danh dự công vụ cũng thường coi trọng việc giữ thể diện, sẵn sàng đối diện với những vấn đề xảy ra và trung thực nhận trách nhiệm, tìm cách giải quyết vấn đề. Ý thức trọng danh dự sẽ trở thành áp lực, giúp họ giảm bớt khả năng tìm mọi cách để bao biện, trốn tránh trách nhiệm mỗi khi để xảy ra vi phạm.
Dự thảo "Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ" mới được công bố không đặt Danh dự là một yêu cầu phẩm chất đạo đức công vụ cụ thể. Nội dung Dự thảo Nghị định chỉ một lần sử dụng khái niệm "danh dự" khi yêu cầu công chức, viên chức phải có ý thức giữ gìn "danh dự cho đồng nghiệp". Thay vào đó, từ Điều 4 đến Điều 8 trong Chương II, mỗi cán bộ cơ quan Nhà nước được yêu cầu phải luôn ý thức và đề cao các phẩm chất như: "Chính trực, Liêm chính, Khách quan, Công bằng, Bình đẳng", tác phong và thái độ làm việc phải "Đúng mực và Thận trọng", "Tận tụy và Kịp thời", "Năng lực và Chuyên cần".
Thiết nghĩ, để luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý thức trọng danh dự công vụ, để vun đắp vị thế xã hội cho các cơ quan Nhà nước, để sự nghiệp công vụ được xã hội thừa nhận và nể trọng thì Bộ quy tắc đạo đức công vụ nên cân nhắc và bổ sung yêu cầu về "Danh dự công vụ" vào vị trí hàng đầu trong số các yêu cầu phẩm chất đạo đức.
Bằng cách đề cao "Danh dự công vụ", hệ thống các cơ quan Nhà nước tuyên bố với Nhân dân rằng hãy trao cơ hội và đặt lòng tin vào sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi đó là những người luôn ý thức vun đắp và giữ gìn danh dự công vụ. Bất cứ một biểu hiện nào xâm phạm danh dự công vụ cũng sẽ bị trừng phạt không chỉ bởi các biện pháp nội bộ hệ thống công quyền, mà cả những phản ứng gay gắt từ phía xã hội.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!