Tâm điểm
Phạm Văn Hòa

"Mình cứ trong veo" và cán bộ dám nghĩ, dám làm

"Mình cứ trong veo thì sợ gì" là phát biểu của Chủ tịch thành phố Hà Nội tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh hôm 16/11 vừa qua. Phát biểu này ông nêu lên khi đề cập đến một vấn đề cụ thể là trách nhiệm của lãnh đạo huyện trong việc giải quyết các kiến nghị về đất dịch vụ của người dân trên địa bàn. Nhưng suy rộng ra đó chính là điều mà người dân đang trông đợi ở các cán bộ trong bộ máy chính quyền trên toàn quốc.

"Mình trong veo" nghĩa là tay mình không nhúng chàm, công việc mình làm vì lợi ích chung, không có động cơ tư lợi và không lợi ích nhóm thì không sợ, không ngại điều gì cả.

Tôi rất trân trọng những người có chức vụ, quyền hạn tư duy và hành động như vậy.

Quan điểm này rất đúng, càng đúng hơn trong bối cảnh hiện nay khi đang nổi lên vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang mang trong đầu tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng. Có cán bộ tâm sự "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", nghĩa là thà bị kỷ luật vì không làm còn hơn làm để rồi vướng vòng lao lý.

Tại kỳ họp vừa qua, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã tranh luận sôi nổi về vấn đề này. Các nguyên nhân được chỉ ra như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa…

Rõ ràng tâm lý trên là có thật, và nếu chúng ta không nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết thì tình hình này sẽ kéo dài, dẫn đến bê trễ công việc ở nhiều nơi.

Về phần mình, tôi không đồng tình với những cán bộ có suy nghĩ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Trước hết, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm với công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; nếu tự thấy mình không đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì hoàn toàn có thể xin thôi chức, hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn.

Hơn nữa, yêu cầu tối thiểu đối với cán bộ, đảng viên và nhất là những người có chức vụ, quyền hạn là "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"; bàn tay mình có sạch thì mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đụng chạm đến lợi ích kinh tế, còn không thì lúc nào cũng "nhìn trước ngó sau".

Một số người đặt vấn đề "lỗi cơ chế". Tôi thấy rằng, hệ thống pháp luật tuy còn bất cập, còn những điểm chưa thống nhất, chưa đồng bộ nhưng không có nghĩa là "bó tay" cán bộ. Thực tế cùng một hành lang pháp lý nhưng vẫn có nơi làm tốt, có nơi lại chậm trễ mà giải ngân vốn đầu tư công là một ví dụ. Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp cận công việc với động cơ trong sáng và tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ khác với cách tiếp cận "dễ làm, khó bỏ".

Cũng phải nói thêm, khi cán bộ vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, nếu phát hiện vướng mắc thì hoàn toàn có thể báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Đừng nên đổ thừa cho cơ chế!

Thời gian qua, trong công cuộc "đốt lò", rất nhiều đảng viên vi phạm, trong đó có cả ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh đã bị kỷ luật, xử lý hình sự theo quy định pháp luật và quy định của Đảng. Đây là minh chứng rõ nhất cho quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đó là ai".

Chúng ta phòng, chống tham nhũng là "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây". Với tinh thần như vậy thì rõ ràng cán bộ trong sạch không có gì phải ngại, phải sợ. Điều đáng sợ là không vượt qua chính mình, thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn đến suy thoái, tham nhũng, tiêu cực như người dân vẫn thường nói là "đã làm sai lại còn đổ thừa".

Tại kỳ họp vừa qua, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ xây dựng cơ chế cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Tôi tin rằng, chỉ những trường hợp cán bộ trong diện "chưa bị lộ" thì mới sợ, còn cán bộ quang minh chính đại không có gì phải sợ. Hãy hành động theo đúng lương tâm, quy định pháp luật và vì dân.

Tác giả: Ông Phạm Văn Hòa xuất thân từ ngành công an; từng là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Đồng Tháp; hiện ông là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp; đại biểu Quốc hội khóa XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!