Không khí Tết xưa và nay
Ngồi ăn sáng ở hàng bún ngan quen thuộc thấy mọi người tíu tít hỏi nhau chuyện Tết. Người Việt mình là thế, dù quen hay không cứ vào dịp này là ở đâu, gặp nhau là bàn chuyện Tết. Mọi người bảo Tết năm nay không khí có vẻ trầm hơn, mua sắm hình như ít hơn… Cũng dễ hiểu thôi, kinh tế tuy khởi sắc nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn; thời tiết thì không thuận và cơn bão Yagi quái ác đã để lại những hậu quả khó có thể tính được, mà nhỡn tiền là năm nay đào quất đâu có thể rực rỡ, tưng bừng như năm ngoái.
Ngẫm ngợi một chút nhân dịp cuối năm thì thấy rằng sự đi lên của một quốc gia dân tộc cũng giống như cuộc đời của một con người, thăng trầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là xu thế phát triển và có cái nhìn lạc quan và vững tin tiến lên phía trước. Sướng khổ vốn tại tâm, đạo Phật dạy thế rồi.
Bảo rằng "Tết năm nay có vẻ trầm" vậy thôi nhưng ông cụ ngồi đối diện với tôi ở hàng ăn sáng lại chép miệng: kể ra cũng phải, giờ thì ngày nào cũng giống nhau nên cứ bảo sao ít dần "không khí Tết". Ngày nào chả thịt cá, hoa quả, bánh kẹo. Ừ nhỉ, nhớ tới ngày xưa sao cái Tết nó hấp dẫn, mong chờ đến thế, nhất là lũ trẻ. Tết mới có bánh kẹo, Tết mới được mừng tuổi, mới hy vọng được thêm bộ cánh... Cái đói nghèo khiến người ta nhớ lâu, miếng ăn ngon chỉ được cảm nhận khi bụng đói. Đâu còn cảnh các mẹ các chị ngồi xếp hàng hứng nước để rửa lá gói bánh chưng mà nói cười rôm rả, rồi nhà nhà kiếm củi, châm bếp bắc nồi… Tụi trẻ thì rủ nhau lên Bách hóa Tổng hợp Bờ hồ xếp hàng rồng rắn để mong có được bánh pháo. Cũng vui lắm chứ. Nhưng đúng như cách nói, cái vui chẳng tày gang, chỉ trong "ba ngày Tết" rồi lại quay lại cuộc sống thường nhật với cái nghèo, cái đói, đủ đường thiếu thốn.
Giờ thì khác rồi nhé, chẳng thể nói chỗ nào cũng đủ đầy, phong lưu nhưng khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, giờ đến Tết người ta chỉ nghĩ ăn gì cho ngon, chơi gì cho vui, mặc gì cho đẹp. Hàng hóa thì đủ loại ngập đường, tha hồ chọn. Sự no đủ đôi khi lại khiến cho người ta cảm thấy mọi thứ trở nên bình thường và rồi lại ước "bao giờ cho đến ngày xưa"! Âu cũng là lẽ thường.
Những người sinh ra và lớn lên ở thời bao cấp, cái thời "gạo châu, củi quế" phải lo miếng ăn hàng ngày mà đôi khi quên cả bom đạn trên đầu mới thấm thía hết cái vui của ngày xưa và nỗi lo của ngày nay. Đi sơ tán nhưng mỗi tháng vẫn đạp xe về đong gạo, mua dầu của mậu dịch; thứ Bảy, Chủ nhật vẫn trốn về Hà Nội chơi để rồi cái chết chỉ trong gang tấc mà vẫn cười đùa chí chóe…
Nay thì no đủ rồi, nửa thế kỷ qua đất nước không còn tiếng súng thì lại có nỗi lo tìm việc nhẹ lương cao, con cái được học trường chuyên, lớp chọn, rồi lo tắc đường vì quá nhiều ô tô… những điều mà ngày xưa nằm mơ cũng không thấy!
Thế mới biết niềm vui, nỗi buồn thời nào cũng có. Nhưng như người ta thường nhắc: đừng tiếc cái hôm qua, đừng bỏ cái hôm nay, đừng chờ cái ngày mai. Quá khứ thì không thể lãng quên nhưng không bao giờ hối tiếc, cái nền nếp, thanh bạch xưa kia phải được trân trọng giữ gìn nhưng cũng không vì thế mà quên tận hưởng những gì đang có của ngày hôm nay, những điều tưởng chừng bình thường thôi mà các thế hệ cha ông đã vất vả hy sinh mới có được.
Cái thời đạn bom khốc liệt đã qua đi giờ con cháu chỉ biết qua phim ảnh, cái thời đói khổ phải "Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá. Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô. Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!" (Thơ Tố Hữu), giờ đây chúng ta đã có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín lớn lao trên bản đồ thế giới.
Cái thời mà đám lưu học sinh Việt Nam chúng tôi gầy gò, rụt rè, ngơ ngác khi được bước sang trời Tây mà đến bây giờ con cháu chúng ta đã có thể "sánh vai cùng cường quốc năm châu" và không ít tài năng trẻ đất Việt đã làm rạng danh đất nước ở khắp nơi trên thế giới…
Chuyện xưa là thế, chuyện nay là vậy. Vui buồn và nỗi lo thời nào cũng có, tuy khác nhau nhưng điều thiêng liêng, ý nghĩa nhất là với người Việt Nam, Tết là lúc "về nhà", Tết là lúc hướng về cội nguồn tổ tiên, để tri ân, để tưởng nhớ.
Không nhiều lo toan tất bật như Tết xưa mà dành thời gian tận hưởng với xuân quê hương, sum họp với gia đình và chuẩn bị hào sảng cho một năm mới. Một cái Tết gọn gàng mà vui vẻ, tiết kiệm mà đủ đầy, đơn giản mà ý nghĩa phù hợp với nếp sống hiện đại của thời kỳ hội nhập cũng sẽ mang lại không khí Tết vui tươi cho mọi nhà dù nó khác với cái vui của "không khí Tết xưa".
Năm mới cận kề cũng là thời khắc lịch sử của những năm tháng sắp bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vượt qua đạn bom, chiến thắng đói nghèo, chúng ta đã đứng vững trên mảnh đất thiêng liêng với đôi bàn tay khối óc của mình và tự tin hòa nhịp cùng nhân loại trong thời đại mới.
Vươn ra biển lớn, cơ hội nhiều hơn thách thức cũng lớn hơn, vượt qua chính mình, vươn xa bay cao đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy và hành động của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn nhiều việc phải làm, còn nhiều thách thức đang chờ đợi trong quãng đường phía trước, nhưng trước hết hãy cứ tận hưởng trọn vẹn cái Tết cổ truyền thật vui vẻ và ý nghĩa để chuẩn bị cho một hành trang đầy hứng khởi trong năm mới.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!