Kiếm tiền quanh năm, tiêu ba ngày Tết
Thuở bé vào những ngày giáp Tết, điều tôi mong chờ nhất không phải là bánh kẹo hay quần áo mới, mà là khoảnh khắc được ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét cùng bố bên bếp lửa hồng.
Bếp củi tí tách cháy, mùi khói hòa quyện cùng hơi sương đêm tạo nên thứ hương đặc trưng của ngày cuối năm mà tôi chưa bao giờ quên. Bố tôi ngồi đó, ánh mắt xa xăm như đang lật giở những trang ký ức thời trai trẻ. Thỉnh thoảng, tôi cắt ngang dòng suy tư của ông bằng những câu hỏi "tại sao" của mình, cho đến khi tôi gục đầu vào ông, mơ màng chìm vào giấc ngủ, để mặc làn khói len lỏi vào những giấc mơ con trẻ, ngập tràn háo hức về ngày Tết sắp về.
Thế nhưng để giữ được ngọn lửa cháy liên tục suốt hai mươi tư giờ nấu bánh, bố tôi đã không chọn cách dễ dàng như những nhà hàng xóm - mua một xe củi từ người thợ rừng. Thay vào đó, ông nhẫn nại tỉa những cành cây to trong vườn suốt cả năm, gom góp từng chút một rồi xếp riêng vào một góc. Bố bảo, củi ấy vừa tiết kiệm, vừa chắc chắn cháy lâu. Ngày đó, tôi không hiểu hết ý nghĩa của việc làm này…
Theo năm tháng, sự háo hức mong Tết trong tôi dần phai nhạt, nhường chỗ cho những lo lắng, căng thẳng khi ngày Tết cận kề. Tết vẫn là dịp đoàn viên, để những đứa con xa xứ trở về quây quần bên gia đình, để ông bà, bố mẹ lại được như "trẻ lại", đếm lùi từng tờ lịch mong ngóng chào đón những đứa con trở về, ôm chầm những đứa cháu hôn hít vào tóc chúng cho thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng với nhiều người, Tết lại mang đến nỗi trăn trở không dễ nói thành lời. Đó là những áp lực từ chi phí đi lại, quần áo, thực phẩm, quà biếu, tiền lì xì, và cả ánh nhìn soi xét từ hàng xóm, họ hàng. Không về thì nhớ thì thương day dứt, mà về thì sau Tết ai thương mình khi túi cạn, nợ chất chồng và những dự định lớn hơn phải gác lại?
Tôi cũng từng trải qua những cái Tết như thế, những ngày cuối năm không còn là sự háo hức mà là áp lực về tài chính. Mãi đến khi bước vào nghề huấn luyện tài chính, tôi mới nhận ra nguyên nhân chính không nằm ở những thứ ngoài tầm kiểm soát, mà ở việc tôi đã lãng quên bài học quý giá từ bố về sự chuẩn bị và tích lũy.
Hóa ra, trong tiếng bếp lửa tí tách ngày xưa cũ, bố tôi đã âm thầm dạy tôi cách vun vén cho tương lai, nếu muốn ấm êm lâu dài, mọi thứ đều cần được chuẩn bị và tính toán từ sớm. Tết không phải là một sự kiện ngạc nhiên hay bất ngờ gì cả, đó là điều lặp lại hàng năm chúng ta đã biết trước, chính vì thế, đừng đợi khi sát Tết mới chuẩn bị, ít nhất chúng ta có thể chuẩn bị ngân sách cho Tết từ nhiều tháng trước đó.
Một kế hoạch ngân sách và chi tiêu thông minh không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng mà còn mang lại cảm giác an tâm, vững vàng hơn, vì bạn biết mọi thứ đã trong tầm kiểm soát. Sau khi đã liệt kê hết các khoản chi tiêu cần thiết, việc tiếp theo chúng ta cần làm là đặt thứ tự ưu tiên. Đâu là những khoản thực sự quan trọng đối với bạn? Điều gì đáng để chi nhiều nhất? Từ những câu hỏi ấy, bạn có thể phân bổ ngân sách của mình một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo nằm trong giới hạn chi tiêu đã định.
Cùng với việc lập kế hoạch, hãy thử áp dụng tư duy chi tiêu có chủ đích. Đây là cách bạn ý thức rõ ràng về dòng tiền của mình, đưa ra những lựa chọn chi tiêu phù hợp với giá trị và mục tiêu cá nhân. Mọi khoản chi đều đánh đổi bởi chi phí cơ hội, khi bạn nói "có" với một chi tiêu hôm nay tức bạn đang nói "không" với những khoản chi có thể là vô cùng cấp thiết mai sau mà bạn không thể lường trước.
Thay vì mua sắm theo cảm hứng hay chiều chuộng những cám dỗ nhất thời (mà bạn sẽ luôn tìm được cớ tuyệt vời để hợp lý hóa nó), hãy dẹp bỏ sĩ diện qua một bên, hai câu hỏi phía trên sẽ giúp bạn tránh việc bạn chi quá tay cho những hào phóng, ấn tượng nhất thời thay vì sự bình an, vững vàng đến từ việc không nợ nần, và có quỹ dự phòng, khoản đầu tư cho sự thịnh vượng mai sau.
Tết là dịp để quây quần và kết nối, hãy ưu tiên cho những trải nghiệm, cảm xúc chân thành, thay vì chạy theo vật chất xa hoa hay những bữa tiệc quá thừa mứa. Thật buồn khi nhìn thấy những bàn tiệc với thức ăn, bia rượu còn nguyên sau buổi liên hoan - những khoản chi không nhỏ mà nhiều gia chủ phải gồng gánh, đôi khi chỉ để "trả lễ" và làm vừa lòng người khác.
Và hãy cẩn trọng với việc sử dụng thẻ tín dụng trong dịp Tết. Nó có thể khiến bạn chi tiêu nhiều hơn tới 40%, bởi "bạn của sau Tết" mới là người chi trả chứ không phải "bạn của hôm nay". Những lợi ích như tích điểm hay dặm bay không thể khỏa lấp được hậu quả từ sự chi tiêu quá tay này.
Ngày nay, người tiêu dùng có vô vàn lựa chọn thanh toán hiện đại, vượt xa hình thức tiền mặt truyền thống ngay cả khi ta chưa thực sự có tiền. Từ việc quẹt thẻ tín dụng để tích lũy "dặm bay miễn phí", nhận hoàn tiền, đến sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" hoặc trả góp để chia nhỏ khoản thanh toán trong thời gian dài - tất cả đều mang lại cảm giác dễ dàng, tiện lợi, và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy lại dẫn đến một vấn đề lớn mà định luật Parkinson đã chỉ rõ: "Sức tiêu thụ của một nguồn lực sẽ mở rộng tương ứng với nguồn cung của nguồn lực đó." Khi việc chi tiêu không còn phụ thuộc vào số tiền bạn đã có hay đòi hỏi bạn phải "thấy" tiền ra đi ngay lập tức, chúng ta dễ dàng đánh mất ý thức về giới hạn tài chính của mình. Những khoản thanh toán "nhỏ" được hoãn lại hay những giao dịch "vài tháng không lãi suất" có thể nhanh chóng tích tụ, trở thành gánh nặng lớn mà bạn không lường trước được.
Nếu việc sử dụng thẻ tín dụng là điều không thể tránh khỏi hoặc đã trở thành thói quen của bạn, hãy tuân thủ nguyên tắc: chỉ quẹt thẻ với số tiền bạn đã có sẵn trong tài khoản thanh toán và đã được phân bổ ngân sách cho chi tiêu này. Sự chủ động và kỷ luật sẽ giúp bạn tránh khỏi vòng xoáy nợ nần không đáng có sau Tết.
Bên cạnh việc quản lý chi tiêu cá nhân, việc quản trị kỳ vọng của người thân trong gia đình cũng rất quan trọng. Thay vì cố gắng gồng gánh những khoản chi vượt khả năng để gây ấn tượng, hãy chọn cách chia sẻ chân thành về tình hình tài chính của bạn trong năm qua, đặc biệt nếu bạn đang gặp khó khăn.
Tết không phải là dịp để so sánh hay phô trương, mà là thời gian để kết nối và sẻ chia. Sự chân thành và tình cảm gia đình luôn có giá trị lớn hơn bất kỳ món quà vật chất nào. Việc sống đúng với hoàn cảnh không chỉ giúp bạn giảm áp lực mà còn giữ vững sự an nhiên, đồng thời tạo nên một mối quan hệ chân thật, bền chặt với những người thân yêu.
Cuối cùng, khi nghĩ đến giàu có người ta thường nghĩ đến số tiền họ có thể tiêu xài, nhưng sự giàu có thịnh vượng thực sự đến từ số tiền mà bạn không chi tiêu và quyền năng của những tài sản, bình an mà chúng đem đến. Hãy dành chút ít thời gian suy nghĩ về những điều chia sẻ ở trên để không chỉ giúp bạn quản lý tốt hơn các chi phí trong dịp Tết, mà còn tạo dựng một mối quan hệ lành mạnh hơn với tiền bạc - một thói quen sẽ tiếp tục đồng hành với bạn ngay cả khi mùa lễ hội đã khép lại.
Tác giả: Đức Nguyễn là chuyên gia đào tạo & huấn luyện tài chính được chứng nhận bởi Hội đồng Giáo dục Tài chính Mỹ (NFEC - National Financial Educators Council); chuyên gia huấn luyện được chứng nhận Certified Professional Coach của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF). Ông có 10 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn & quản lý đội ngũ tư vấn tài chính tại Citibank, Standard Chartered bank và Vndirect; 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện tài chính và quản trị gia sản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!