Khoảng trống điều trị rối loạn tâm thần
Lớp tôi lên kế hoạch gặp nhau để kỉ niệm ngày vào đại học 20 năm trước. Trong danh sách thành viên lớp có một ô trống, vốn là nơi từng ghi tên của một người bạn có biệt danh "Hai Lúa" nay đã không còn nữa.
"Hai Lúa" là một đứa hay cười, tính tình nhiệt thành, chưa bao giờ từ chối giúp đỡ bất kì thành viên nào của lớp trong khả năng có thể. Vậy mà một buổi sáng tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi báo tin "Hai Lúa" tự kết thúc cuộc đời. Câu chuyện bạn đã trầm cảm trong thời gian dài khiến tôi bất ngờ và choáng váng. Bạn đã bỏ lại những ước mơ, những dự định ở độ tuổi đẹp nhất của đời người.
Từ câu chuyện đau lòng của bạn mình, tôi để tâm quan sát và tìm hiểu thì nhận ra rằng chúng ta đang có khoảng trống lớn về việc nhận biết cũng như điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như ngành Y tế Việt Nam, rối loạn tâm thần là vấn đề rất phổ biến trong các bệnh không lây nhiễm và đang có chiều hướng gia tăng, trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Năm 1992 đánh dấu mốc quan trọng của sức khỏe tâm thần với sự kiện Liên đoàn tâm thần học thế giới (World Federation for Mental Health - WFMH) đại diện cho hơn 150 quốc gia lần đầu tiên đưa ra sáng kiến chọn ngày 10/10 làm Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đến năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người trên thế giới thì có một người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy có các biểu hiện rối loạn tâm thần ở 80 - 100% các trường hợp chết do tự sát. Người ta ước lượng rằng nguy cơ tự sát trong cuộc đời của những người có rối loạn cảm xúc (chủ yếu là trầm cảm) là 6 - 15%; với người nghiện rượu là 7 - 15%; và với tâm thần phân liệt là 4 - 10%.
Còn ở nước ta, theo đại diện Bộ Y tế thì có gần 15 triệu người (chiếm 15% dân số) Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp. Trong đó độ tuổi thanh thiếu niên có các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu người trẻ cần chăm sóc. Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017 từng đưa ra thống kê là 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm; con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông. Nhiều chuyên gia cho rằng trầm cảm là căn bệnh thứ 2 gây hại đến sức khỏe và làm suy giảm sức lao động của con người chỉ sau tim mạch.
Vấn đề là đa số những người có vấn đề sức khỏe tâm thần không được chữa trị, hỗ trợ tích cực, đúng cách dẫn đến bệnh ngày càng nặng và nguy hiểm. Ước tính của ngành Y tế cho thấy chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 30% người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Nhiều bệnh nhân khi tìm tới đúng người có chuyên môn thì tình trạng đã nghiêm trọng, thách thức rất lớn đối với việc điều trị.
Một cản trở đáng kể đối với việc điều trị rối loạn tâm thần là nhiều người bệnh có xu hướng "giấu" bệnh tình; ở phía các nhà chuyên môn thì chưa truyền thông nhiều về dịch vụ chữa trị nên người có nhu cầu khó tiếp cận kịp thời.
Theo các bác sĩ, sức khỏe của con người gồm 3 yếu tố tạo nên là thể chất, tâm thần và các mối quan hệ xã hội. Chúng ta thường chỉ lưu ý đến thể chất, các mối quan hệ xã hội mà bỏ quên chăm sóc và rèn luyện sức khỏe tâm thần. Đây có lẽ là lý do mà số người dễ bị căng thẳng, hoảng loạn, trầm cảm trước những khó khăn và biến cố tăng mạnh cùng với quá trình đô thị hóa, xã hội phát triển nhanh, nhiều áp lực.
Có thể nói yêu cầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần cần được đặt ra thường xuyên, ngay cả khi chúng ta đang ở trạng thái khỏe mạnh, chứ không phải đến khi rơi vào khủng hoảng, nguy cơ hay khi có các rối loạn tâm thần mới bắt đầu để ý tới. Ở góc độ xã hội và trách nhiệm của ngành Y tế thì lấp đầy "khoảng trống" điều trị sức khỏe tâm thần đang trở thành yêu cầu bắt buộc và đầy thách thức.
Sức khỏe tinh thần tốt là một phần không thể thiếu trong sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của mỗi con người. Sức khỏe tinh thần tốt cho phép chúng ta đương đầu với mọi thử thách, kết nối liên tục với người khác và phát triển mạnh mẽ trong suốt dòng chảy tồn tại của cuộc đời mỗi người.
Tác giả: Mai Đức Dũng tốt nghiệp Đại học Luật TPHCM, hiện kinh doanh lĩnh vực Logistic và sinh sống ở TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!