Tội phạm thật, tâm thần giả
(Dân trí) - Chuyện vừa xảy ra ngày 8/4 tại Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng): một cháu bé 3 tuổi bị chú ruột bắt, dọa giết - mà người chú, theo như cán bộ địa phương và gia đình cho biết, có dấu hiệu bị tâm thần.
Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhất định dành cho bệnh nhân tâm thần, song thực tế, vẫn còn rất nhiều trường hợp "có dấu hiệu" bệnh tâm thần song lại chưa được địa phương và ngành y tế phát hiện, chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Điều này dẫn đến xuất hiện tình trạng người có biểu hiện tâm thần, tiền sử bệnh tâm thần vi phạm pháp luật hình sự (gây mất trật tự công cộng, thậm chí có án mạng xảy ra), tạo nên biết bao bi kịch cho xã hội. Không phải trường hợp nào cũng may mắn khống chế được như vụ việc ở Sóc Trăng.
Bệnh tâm thần là nỗi bất hạnh chẳng phải của riêng người bệnh mà còn là gánh nặng với gia đình, người thân, xã hội. Nhưng, lại có những kẻ "muốn có bệnh", tìm mọi cách "chạy" cho được tờ giấy chứng nhận… bị tâm thần.
Nghe qua như một trò cười song nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì đây lại là "kẽ hở" chết người, là khe thoát cho tội phạm nguy hiểm, tạo nên bất công trong xã hội. "Bệnh tâm thần" trở thành vỏ bọc hoàn hảo, "tấm kim bài" miễn tử cho những hành vi phạm pháp.
Vậy thì chạy ai, ai chạy? Ai là những kẻ hưởng lợi từ những tờ giấy chứng nhận ví như những "tấm khiên bảo vệ" kia?
Cách đây không lâu, một chuyện "động trời" xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (huyện Thường Tín, Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng, sửng sốt. Kẻ "cầm đầu" đường dây hay "ông trùm ma túy" trong bệnh viện này là Nguyễn Xuân Quý đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các hành vi "mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Ai có thể tưởng tượng nổi lại có thể tồn tại một "động bay lắc" với đầy đủ tiện nghi, âm thanh, ánh sáng ngay trong bệnh viện như thế? Đáng nói, cùng tham gia "thác loạn" với Quý còn có cả cán bộ của bệnh viện. Bên cạnh đó, Quý cũng sử dụng phòng điều trị làm nơi để giao dịch mua bán ma túy.
Tội phạm tác oai tác quái ngay trong đơn vị, đến nỗi toàn bộ các điều dưỡng lẫn cán bộ khoa đều sợ vì bị đe dọa, ấy vậy mà ông Vương Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vẫn nhất mực khẳng định "không biết". Thử hỏi, ai có thể tin?
Được biết, ông Tịnh cùng một bác sĩ và một điều dưỡng tại đơn vị này đã bị tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên, người viết cho rằng, để xảy ra sự việc "tày trời" như trên thì không thể chỉ xử lý kỷ luật một cách qua loa, đại khái. Nếu không có "bảo kê", không được bao che, tạo điều kiện thì không thể có chuyện biến bệnh viện thành "động lắc", "ổ buôn" như vậy.
Vụ việc này đã gióng hồi chuông báo động về tình trạng "giả tâm thần", vốn cũng chẳng phải là mới ở ta. Tôi rùng mình khi nghĩ đến vẫn còn có những Nguyễn Xuân Quý khác đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lại còn được đối xử như một bệnh nhân - tức một người yếu thế trong xã hội. Như vậy, công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật ở đâu khi trắng - đen, thật - giả lẫn lộn, một tờ giấy chứng nhận trở thành công cụ "tẩy trắng" một cách trơ trẽn và lộ liễu?!
Cho nên, rất mong cơ quan công an cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để lột trần mặt nạ của những tội phạm đội lốt bệnh nhân, đưa ra ánh sáng các "thương vụ" nhơ bẩn nhằm "chạy" giấy chứng nhận tâm thần, xử lý thật nặng, thật nghiêm.
Cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chủ động, sát sao hơn nữa trong công tác xác minh người mắc bệnh tâm thần, đảm bảo quyền lợi đối với "bệnh nhân thật", phối hợp với gia đình để có giải pháp điều trị, cách ly kịp thời, giảm nguy cơ cho xã hội.