Khi thí sinh chọn môn thi xã hội áp đảo tự nhiên
2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới, gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Qua khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường cho thấy số thí sinh lựa chọn bài thi với các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội (như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) cao hơn so với số chọn các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên (như Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Đơn cử, báo Dân trí đưa tin tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh), 318/410 học sinh lớp 12 của trường chọn tổ hợp môn xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nghĩa là tính theo tỷ lệ thì 77,5% thí sinh dự kiến chọn môn thi môn Khoa học xã hội và chỉ có 22,5% chọn môn Khoa học tự nhiên.
Kết quả khảo sát ở nhiều trường khác cũng tương tự và trùng hợp với con số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố. Năm 2024, chỉ có 37% trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học).
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM (phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.) trong tổng số sinh viên học đại học những năm gần đây dao động trong khoảng 27-30%. Quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM suy giảm một cách đáng lo ngại, chỉ chiếm chưa tới 4% tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc khối STEM và có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực đào tạo.
Nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Chúng ta có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau, như thiên hướng của học sinh, phương pháp giáo dục.v.v… Theo tôi thì có 2 nguyên nhân đáng chú ý như sau.
Một là, chủ trương chia tổ hợp từ trên đưa ra thì đúng, nhưng khi triển khai các trường phải dựa vào nguồn lực, lực lượng giáo viên hiện có để đưa ra nhóm các tổ hợp môn học sao cho vừa sức họ. Vì thế, giả sử một nhà trường không đủ giáo viên dạy tổ hợp môn nào đó thì trường sẽ dồn học sinh qua học các tổ hợp môn mà họ có sẵn giáo viên. Vậy nên học sinh vào trường nào phải theo trường đó, khó mà có những chọn lựa khác.
Trường hợp học sinh muốn chuyển trường sẽ rất khó, vì qua trường khác phải theo tổ hợp môn mà trường đó cung cấp, có thể không khớp với tổ hợp môn đã chọn học tại trường cũ.
Hai là, bản thân học sinh khi chọn môn học, vì các con chưa được hướng nghiệp đầy đủ nên dễ rơi vào tình trạng "dễ chọn, khó bỏ".
Hai nhà nghiên cứu Cao Thị Phương Chi và Lê Đông Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) mới đây đã công bố kết quả khảo sát với 555 học sinh lớp 10, 11, 12 ở 9 tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó gần 30% học sinh chưa nghĩ đến sẽ làm gì sau lớp 12. Hầu hết học sinh chỉ quan tâm đến phương án tuyển sinh nào đủ điều kiện để thi đỗ, chưa thực sự quan tâm đến nghề nghiệp phù hợp.
Cũng theo nghiên cứu trên, 55,3% học sinh đã có dự kiến sơ bộ về tương lai, nhưng chỉ 14,9% trong số này biết rõ mình sẽ làm gì.
Trong khi đó, với các em việc chọn môn học diễn ra từ lớp 10, còn việc chuẩn bị làm nghề gì cho tương lai thì ở cuối lớp 12. Thành thử hậu quả của việc môn nào dễ thì học, môn nào khó thì bỏ phải 3 năm sau mới thấy rõ. Với những em đã chọn chủ yếu là các môn tổ hợp KHXH, sau này sẽ có ít chọn lựa nghề nghiệp vì xu hướng hiện nay xã hội cần các công việc thuộc khối ngành khoa học tự nhiên nhiều hơn (công nghệ, kỹ thuật…).
Một vấn đề khác cũng ít nhiều ảnh hưởng tới các em là quy định thi tốt nghiệp thường xuyên thay đổi, có khi năm sau khác năm trước. Trong khi đó, nhiều em chọn các tổ hợp môn từ lớp 10, lên lớp 11 muốn đổi qua tổ hợp môn khác song lúng túng chưa biết làm như thế nào. Đó là chưa kể bài thi đánh giá mà một số đại học đưa ra để tuyển sinh không trùng với môn học liên quan trong tổ hợp mà các em đã chọn.
Với các em đi du học thì còn một vấn đề phát sinh, đó là đại học nhiều nước không chấp nhận những môn học mà các em đã học theo tổ hợp, vậy nên các em phải học dự bị để bổ sung kiến thức về một số môn học (ngoài tổ hợp đã chọn) mà nhà trường yêu cầu.
Thực tế nêu trên đặt ra vấn đề cần có sự ổn định phương án tuyển sinh và công bố sớm hàng năm để học sinh, phụ huynh chủ động kế hoạch học tập. Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên tiến hành từ lớp 9 chứ không đợi đến bậc THPT, qua đó giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp cho tương lai lâu dài ngay khi lên lớp 10.
Tóm lại quy định cho học sinh tự chọn các môn tổ hợp ở trung học phổ thông chỉ phát huy tác dụng nếu như có sự đồng bộ từ nguồn lực của các nhà trường cho đến công tác hướng nghiệp, sách giáo khoa, sự ổn định của cách thức thi tốt nghiệp THPT hàng năm và tính liên thông với tuyển sinh đại học.
Gần đây nhiều trường đại học thuộc khối ngành kinh doanh, kỹ thuật đã "vợt" cả thí sinh khối C, chính là hệ quả của tình trạng nhiều học sinh chọn học tổ hợp khoa học xã hội dẫn đến nguồn cung thí sinh khối C dồi dào hơn các khối còn lại. Hệ quả đáng lo hơn là chúng ta có thể thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh các mũi nhọn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!