Hơn 3/4 học sinh một trường chọn tổ hợp môn xã hội để thi tốt nghiệp THPT

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thầy Phan Hữu Quyền - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Tĩnh - cho biết 318/410 học sinh lớp 12 của trường chọn tổ hợp môn xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm của chương trình mới gồm: ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh) có 410 học sinh thì 318 em lựa chọn môn xã hội là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, chiếm tỷ lệ 77,5%. Chỉ có 22,5% học sinh chọn môn tự nhiên. 

Với riêng môn tiếng Anh, tỷ lệ học sinh chọn thi vào khoảng 66%, theo thông tin từ thầy hiệu phó Phan Hữu Quyền.

"Việc 2/3 học sinh lớp 12 chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp xuất phát từ định hướng của nhà trường. Lên đại học, tiếng Anh trở thành môn điều kiện đầu ra nên các em cần có nền tảng tiếng Anh từ bậc phổ thông", thầy Quyền nói.

Về con số chênh lệch lớn giữa nhóm học sinh chọn môn xã hội và học sinh chọn môn tự nhiên, thầy Quyền cho rằng điều này phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em.

Hơn 3/4 học sinh một trường chọn tổ hợp môn xã hội để thi tốt nghiệp THPT - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Hải Long).

"Hàng năm, nhà trường có khoảng 100 học sinh vào đại học bằng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khoảng trên dưới 30 học sinh dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT. Như vậy, nhóm học sinh này chỉ cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 1/3 học sinh toàn trường.

Ngoài ra số học sinh lựa chọn khối D truyền thống để xét tuyển đại học tương đối cao, việc các em chọn môn thi còn lại sẽ theo hướng giảm áp lực và dựa trên thế mạnh, sở trường của các em là hoàn toàn phù hợp", thầy Phan Hữu Quyền chia sẻ.

Cô Bùi Thùy Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn, Hà Nội - cung cấp con số chi tiết hơn. 

Theo đó, trường có 732 học sinh, 613 em chọn tiếng Anh, 298 em chọn vật lý, 181 em chọn giáo dục kinh tế và pháp luật (giáo dục công dân theo chương trình cũ), 71 em chọn hóa học, 19 em chọn sinh học, 72 em chọn lịch sử, 27 em chọn địa lý, 2 em chọn tin học và không có học sinh nào chọn môn công nghệ.

Như vậy, tại trường Thạch Bàn, tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp khối D truyền thống (toán, văn, tiếng Anh) cao nhất với 83,7%. Đứng vị trí thứ hai là khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), tỷ lệ khoảng 40,7%. 

Học sinh chọn tổ hợp khối A (toán, vật lý, hóa học) chỉ có tối đa 71 em, chiếm tỷ lệ 9,6%. Trong khi số học sinh chọn tổ hợp khối B (toán, hóa học, sinh học) tối đa chỉ có 19 em, chiếm 2,5%.

Tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp khối C (văn, sử, địa) cũng tương đối thấp, tối đa 27 em, chiếm tỷ lệ 3,6%.

Hiệu trưởng một trường THPT khác tại Hà Nội cũng chia sẻ tỷ lệ tương tự trường Thạch Bàn với khoảng 82% học sinh chọn thi tiếng Anh và 46,3% học sinh chọn vật lý.

"Kết quả khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp THPT nằm trong dự đoán của nhà trường. Khi chỉ có 4 môn thi tốt nghiệp gồm 2 bắt buộc, 2 tự chọn, các em sẽ chọn môn thi thuộc tổ hợp môn phổ biến nhất, được nhiều trường đại học xét tuyển nhất. 

Đồng thời các em cũng lựa chọn môn thi có thể ghép được 2 tổ hợp môn, gia tăng cơ hội xét tuyển đại học.

Việc chọn tiếng Anh và vật lý giúp các em xét tuyển được bằng hai khối là D01 và A01. Đây cũng là 2 khối có độ phủ cao tại các trường đại học", vị hiệu trưởng phân tích.

Ông cũng lý giải nguyên nhân vì sao rất hiếm thí sinh chọn thi hóa, sinh: "Nếu các em đăng ký hóa, sinh, các em chỉ có một tổ hợp xét tuyển là khối B truyền thống. Các tổ hợp khác có thể có nhưng hiếm ngành tuyển. 

Ngay cả ngành nghề xét tuyển bằng khối B cũng không nhiều như khối A, D, C, đa số thuộc nhóm ngành y, dược có điểm chuẩn cao. Do đó, chỉ học sinh nào có mục tiêu rõ ràng vào các trường y, dược mới chọn khối này".

Ngược lại với nhóm trường THPT ở nội thành, học sinh các trường THPT vùng ngoại thành, điểm chuẩn đầu vào lớp 10 không cao, có sự lựa chọn khác.

Thầy Đinh Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết, trường chỉ có khoảng 70 trên tổng số hơn 500 học sinh chọn thi môn tiếng Anh. 

Khảo sát các trường tại Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, số học sinh chọn thi tiếng Anh phổ biến ở khoảng dưới 100 em, chiếm tỷ lệ dưới 1/5.

Số học sinh chọn môn xã hội cũng chiếm ưu thế hơn hẳn so với số học sinh chọn môn tự nhiên, tỷ lệ 7-3. Trong đó môn xã hội được chọn nhiều nhất là giáo dục kinh tế và pháp luật. Với môn tự nhiên, học sinh lựa chọn vật lý nhiều nhất.

"Nhiều học sinh của trường chỉ có mục tiêu đỗ tốt nghiệp, sau đó sẽ đi học các trường cao đẳng nghề. Vì vậy, các em sẽ có xu thế chọn môn xã hội với suy nghĩ dễ "ăn" điểm.

Bên cạnh đó, mặc dù nhà trường rất chú trọng dạy tiếng Anh cho các em, đồng thời khuyến khích các em học tốt môn này, nhưng học sinh với đầu vào lớp 10 không cao có tâm lý ngại học ngoại ngữ. Khi tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, các em có xu hướng "buông". 

Đây là điều mà nhà trường rất tâm tư khi đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT", thầy Đinh Quang Dũng chia sẻ.

Cùng với thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường đại học, cao đẳng sẽ phải điều chỉnh đáng kể tổ hợp môn xét tuyển.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của học sinh lớp 12 hiện nay là ngoài 5 tổ hợp môn truyền thống (D01, A00, A01, C00 và B00), các trường sẽ xét tuyển các tổ hợp mới nào để tăng cơ hội dự tuyển cho thí sinh.