Khi bác sĩ làm thủ thuật nhầm bệnh nhân
Trước thềm ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay xảy ra một chuyện không hay liên quan đến ngành y tế.
Bệnh nhân là ông Nguyễn Hồng Hải (61 tuổi), theo người nhà kể, đã từng mổ sỏi thận 17 năm trước, gần đây xuất hiện đau hông và tiểu buốt nên đi khám ở bệnh viện huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), kết quả chụp Xquang phát hiện có sỏi thận tái phát, bác sĩ khuyên đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lâm Đồng để xử lí.
Khi bệnh nhân đến BVĐK Lâm Đồng khám thì không mang theo phim Xquang trong hồ sơ cũ, trong khi đây là việc rất cần thiết để bác sĩ xem xét hồ sơ bệnh án, xét nghiệm, phim ảnh của các lần trước đó, của bệnh viện tuyến dưới.
Tại BVĐK Lâm Đồng, ông Hải được bác sĩ chỉ định chụp X quang hệ niệu. Sau khi có kết quả X quang, bác sĩ hỏi bệnh nhân Hải về tiền sử bệnh, sau đó tư vấn bệnh nhân còn sonde JJ trong niệu quản nên cần làm thủ thuật nội soi bàng quang chẩn đoán và rút sonde JJ.
Tuy nhiên, khi tiến hành thủ thuật nội soi bàng quang cho bệnh nhân Hải, bác sĩ không tìm không thấy sonde JJ.
Nghi ngờ có sự cố nhầm lẫn nên bác sĩ đã báo cáo với lãnh đạo khoa, đồng thời, ê kíp đưa bệnh nhân đến Khoa Chẩn đoán hình ảnh chụp lại phim X quang. Sau đó xác định, kết quả X quang trước đó trả cho ông Hải nhầm với một bệnh nhân khác.
Cùng ngày bệnh nhân ổn định nên được xuất viện.
BVĐK Lâm Đồng đã họp khẩn cấp phân tích, rút kinh nghiệm, kiểm điểm cá nhân có liên quan và thành lập Hội đồng kỉ luật để có hình thức xử lí kỉ luật phù hợp.
Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Lâm Đồng cũng đã đến nhà ông Nguyễn Hồng Hải thăm hỏi, động viên và gửi lời xin lỗi tới cá nhân ông Hải cùng gia đình vì sự cố nhầm lẫn này.
Về phía Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế Lâm Đồng xin lỗi và xem xét nguyện vọng của người bệnh để giải quyết hợp tình, hợp lí, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, đề xuất hình thức xử lí. Ngay sau đó, các bệnh viện trong toàn quốc đã nhắc nhở chấn chỉnh bác sĩ, nhắc nhở Khoa Chẩn đoán Hình ảnh có biện pháp kiểm soát phim, để tránh xảy ra tình trạng trả phim nhầm như BVĐK Lâm Đồng.
Tôi tóm tắt diễn biến sự việc tương đối đầy đủ như trên để đi đến một số nhận định cá nhân.
Thứ nhất, một số cơ quan truyền thông đưa tin đây là "mổ nhầm bệnh nhân", thực ra đây không phải là mổ "lấy dị vật trong bụng". Sonde JJ là ống thông dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gọi dân dã là 'sonde đuôi lợn'. Ai đã từng phẫu thuật hay tán sỏi thận, sỏi niệu quản, về cơ bản đều từng nghe đến sonde này.
Bác sĩ đặt sonde JJ nhằm hai mục đích. Một là, do ống sonde rỗng, nên có tác dụng dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang được thông thoáng. Thứ hai, sonde cũng làm giãn niệu quản thụ động, giúp tống các mảnh sỏi nhỏ ra ngoài mà không bị làm tắc niệu quản. Hầu hết các trường hợp tán sỏi hay phẫu thuật lấy sỏi đều đặt sonde này. Chỉ một số rất ít trường hợp sỏi cực nhỏ, mố lấy sỏi dễ dàng hoặc thời gian tán sỏi ngắn, tổn thương niệu quản ít và dự đoán tình trạng phù nề niệu quản không rõ ràng, thì có thể không cần đặt sonde JJ.
Thời gian đặt sonde JJ khoảng 2- 6 tuần, nếu bị hẹp niệu quản hoặc các tình huống đặc biệt khác, thì sonde có thể để lâu hơn. Nếu sonde để lâu không lấy ra, bệnh nhân có thể đau, có thể đái máu, tiểu buốt rắt, viêm đường tiết niệu, vì thế mà sonde JJ thường được rút ra sớm sau khi đã ổn định.
Như vậy, rút sonde JJ chỉ là thủ thuật chứ không phải là cuộc mổ. Sonde JJ cũng không phải là "dị vật" mà do bác sĩ đặt có chủ đích, khi rút chỉ là một thủ thuật nội soi bàng quang.
Thứ hai, kĩ thuật rút sonde đơn giản trong vài phút, nhưng nói như vậy không có nghĩa là được phép nhầm lẫn. Ông tổ nghề y Hippocrates (khoảng 460 - 377 trước Công Nguyên) đã cảnh báo: Phẫu thuật sai vị trí và sai bệnh nhân là tai biến nghiêm trọng thứ tư có thể gây tử vong, đứng sau các biến chứng trong phẫu thuật, sau phẫu thuật, cũng như sai sót về thuốc.
Trong nghề y, sai sót về thông tin lâm sàng và sai sót về nhầm lẫn phim Xquang, là hai nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến mổ sai vị trí hoặc mổ nhầm bệnh nhân.
Theo các báo cáo từ nhiều nước, phẫu thuật chỉnh hình mổ nhầm nhiều nhất, tiếp theo là phẫu thuật tổng quát, sau đó là phẫu thuật thần kinh, rồi đến phẫu thuật tiết niệu, lần lượt sau đó là nha khoa và hàm mặt, lồng ngực, tai mũi họng, nhãn khoa.
Trên thế giới, chuyện đau chân phải mổ chân trái không có gì lạ, nhưng phổ biến hơn vẫn là nhầm lẫn ở bàn tay, sau đó tới bàn chân, rồi đến khớp gối. Chuyện mổ nhầm thận, thậm chí cắt nhầm thận, quên rút sonde JJ hay rút bỏ sót cũng thường xảy ra. Và tương tự, các nha sĩ nhổ răng lành để lại răng sâu, hay một răng sâu lại nhổ nguyên nửa hàm, cũng không hiếm. Không phải vì tôi là một bác sĩ mà nói như vậy. Đây là một sự thật, xảy ra ở cả các nước phát triển lẫn các nước có trình độ y tế kém hơn, và các bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu thông tin trên Internet.
Có 3 yếu tố dẫn đến mổ sai.
Đầu tiên là yếu tố môi trường làm việc không tốt, tức là quy trình lỏng lẻo, không có biện pháp phòng ngừa sai sót, khả năng làm việc nhóm kém, sự gắn kết giữa các nhân viên không tốt.
Thứ hai là yếu tố con người, chẳng hạn như tình trạng mệt mỏi, quá tải, căng thẳng nhất là trong những tình huống cấp cứu. Một điều tra phẫu thuật sai ở New Zealand cho thấy, 25% là do bác sĩ mắc sai lầm về thông tin lâm sàng và nhầm lẫn phim Xquang, 16% là do đánh dấu nhầm vị trí mổ, 16% do bác sĩ nhớ sai; như vậy tổng số 52% sai sót do yếu tố cá nhân.
Thứ ba là yếu tố bệnh nhân, ngày càng nhận thấy rằng sự tham gia của bệnh nhân vào việc đánh dấu bên phẫu thuật có thể làm giảm tỉ lệ mắc sai bên, sai vị trí, sai người bệnh. Tuy nhiên, nhiều yếu tố như vấn đề về hành vi của bệnh nhân, rào cản ngôn ngữ, sự tuân thủ, thiếu hụt kiến thức, nỗi sợ hãi, mức độ nhạy cảm của bệnh tật, v.v. đều góp phần gây ra sai sót mổ nhầm.
Để giảm thiểu những sai sót này, năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã phát động Giải pháp Quản lí chất lượng và An toàn người bệnh, bằng cách thực hiện "Bảng kiểm An toàn Phẫu thuật - Surgical safety checklist".
Danh sách bảng kiểm bao gồm ba phần: Trước gây mê, có 7 nội dung, ít nhất một điều dưỡng và một bác sĩ gây mê thực hiện; Trước khi rạch da, có 10 nội dung, do một điều dưỡng, gây mê, cùng phẫu thuật viên thực hiện; Trước khi bệnh nhân rời phòng mổ, có 5 nội dung, do điều dưỡng, gây mê, phẫu thuật viên thực hiện.
Tóm lại là, phẫu thuật sai vị trí, sai bên, sai bệnh nhân có thể là một thảm họa tàn khốc không chỉ đối với bệnh nhân và gia đình, mà còn là thảm họa đối với các bác sĩ và cơ sở y tế.
Đây là sai lầm không thể chấp nhận được cả về mặt pháp lí và đạo đức. Nhưng sai lầm hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Việc phòng ngừa không thể chỉ là trách nhiệm của một người, mà phải là trách nhiệm tập thể của cả tập thể chăm sóc bệnh nhân, trong đó sự tham gia của bệnh nhân cũng cần được nhấn mạnh.
Thật may mắn, Việt Nam đã làm tốt về mặt này, xét cho cùng, các bệnh viện ở Việt Nam có số lượng ca phẫu thuật lớn, nhưng sự nhầm lẫn khá hiếm, tuy nhiên không vì thế mà các bác sĩ chủ quan mà cần phải ý thức hơn nữa.
Chuyện đáng tiếc xảy ra trước thềm ngày thầy thuốc Việt Nam cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với các bác sĩ và toàn thể nhân viên ngành y.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!