Tâm điểm
Trần Văn Phúc

"Tôi là một bác sĩ, và tôi không sợ trí tuệ nhân tạo làm mất việc"

Gần đây có nhiều dự báo về việc trí tuệ nhân tạo (A.I) sẽ phát triển mạnh mẽ, có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, khiến nhiều việc làm bị ảnh hưởng, thậm chí là biến mất, trong đó có các công việc thuộc lĩnh vực y tế.

Những dự báo này không làm cho giới bác sĩ chúng tôi thấy bi quan, bởi ngày nào trái đất còn tồn tại loài người, thì ngày đó bệnh nhân vẫn đòi khám bác sĩ bằng xương bằng thịt.

Bác sĩ không chỉ cần kiến thức và kĩ năng chuyên môn, mà để khám chữa bệnh hiệu quả thì cần sự nhạy cảm tinh tế, cần khả năng đối mặt với những tình huống bất ngờ, cần thiết lập sự kết nối với bệnh nhân, đây là điều mà máy móc không thể làm được.

Tôi là một bác sĩ, và tôi không sợ trí tuệ nhân tạo làm mất việc - 1

Một bác sĩ đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế (Hình minh họa: DALL-E)

Hơn ba mươi năm trước, khi tôi đang là sinh viên y khoa, làn sóng công nghệ đã tràn vào Việt Nam, thời điểm đó tôi biết các nhà lập trình mơ ước sẽ có ngày "xóa sổ" nghề bác sĩ. Tại sao? Tại vì các nhà lập trình nghĩ rằng, chỉ cần cung cấp cho máy tính đủ dữ liệu có thể so sánh được, thì máy có sức mạnh tính toán và thuật toán toàn diện, nó sẽ làm công việc chẩn đoán và điều trị tốt hơn gấp ngàn vạn lần bác sĩ.

Nhưng điều mà giới công nghệ thông tin mơ ước vẫn chưa thành.

Để dễ hình dung, tôi bắt đầu bằng 1.000 bệnh nhân bước vào cổng bệnh viện, họ sẽ phải đến quầy tiếp đón, lấy số thứ tự và xếp hàng, đến lượt thì khai thông tin cá nhân để y tá dùng bút ghi vào cuốn sổ đăng kí khám, làm thủ tục bảo hiểm, nộp tiền viện phí.

Khu vực tiếp đón này trước đây phải có ít nhất 30 nhân viên. Nhưng bây giờ thì khác. Máy xếp hàng hoàn toàn không cần lao động chân tay, bệnh viện có thể giảm từ 30 xuống 3 nhân viên hoặc ít hơn.

Tiếp theo, bệnh nhân khám bác sĩ, rất nhiều trong số đó xuất hiện triệu chứng không điển hình, tôi tin chắc AI sẽ bó tay. Tôi lấy ví dụ, mới đây có một bác sĩ trong bệnh viện nhờ tôi xem giúp, mẹ già của cô ở quê đau bụng hố chậu phải, đau ngày đêm không chịu nổi. Khám xét ở bệnh viện tỉnh mọi thứ đều bình thường. Tôi không biết AI sẽ làm gì?

Hơn một tuần cô bác sĩ cùng đồng nghiệp loay hoay điều trị thử. Nghề y chúng tôi có một phương pháp chẩn đoán là điều trị thử. Tất nhiên là người bệnh không đỡ nên cô đồng nghiệp phải nhờ tôi.

Khi khám, tôi dùng tay vuốt nhẹ trên mặt da thì bệnh nhân đau đớn sợ hãi, nhưng khi tôi dùng lực ấn thì bệnh nhân lại không đau. Và tôi chẩn đoán là Zona thần kinh, bởi khi lớp vỏ của dây thần kinh bị virus Zona tấn công, sẽ gây đau đớn với cảm giác vuốt, nhưng lại ít đau khi ấn. Khi siêu âm tôi cũng thấy da và tổ chức dưới da dày lên, thâm nhiễm viêm; tất cả những điều này là kinh nghiệm tôi đúc rút dựa trên sự phân tích kiến thức mấy chục năm, sách không hề viết. Vậy làm sao AI có thể phát hiện ra tình huống này?

Một ví dụ khác, bệnh nhân đau bụng đột ngột, đau vã mồ hôi và không nói được, siêu âm chụp chiếu và xét nghiệm đều bình thường. Tôi cũng lại đặt câu hỏi không biết AI sẽ làm gì? Nhưng một bác sĩ nhạy cảm lâm sàng, có thể cho làm điện tâm đồ, không ít ca nhồi máu cơ tim được phát hiện tình cờ như vậy.

Lại nói về điện tâm đồ, bạn đọc sẽ biết, khi điện tâm đồ in ra tờ kết quả, thực ra trong đó đã có chẩn đoán, chẩn đoán này do máy tính đưa ra, tức là từ lâu rồi điện tâm đồ đã có kết quả tự động. Nhưng bác sĩ vẫn cần kiểm tra lại. Tại sao vậy? Tại vì máy chỉ đọc được những gì thông thường nhất, phổ biến nhất, điển hình nhất.

Điện tâm đồ chưa bao giờ là dễ, các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm vẫn phải bối rối trước những ca khó, vẫn phải hội chẩn, những ca như thế bác sĩ AI chắc chắn bó tay. Chưa kể cỗ máy thiếu khả năng đối mặt với những điều bất ngờ. Ví dụ đơn giản nhất, khi mắc điện cực cho bệnh nhân, nếu mắc nhầm sang ngực bên phải, thì điện tâm đồ sẽ hiển thị dextrocardia, tức là tim bị đảo ngược. Nhưng thực chất đó là lỗi vận hành. Con người có thể hỏi và xác nhận, nhưng liệu AI có thể làm được điều tương tự, hay đưa ra chẩn đoán đảo ngược phủ tạng.

Trong khám chữa bệnh, lĩnh vực ứng dụng AI nhiều nhất là hình ảnh y tế, bao gồm X-quang, CT, MRI, nội soi, đáy mắt, v.v. Việc thực hiện kĩ thuật chụp chiếu, trước đây kĩ thuật viên phải làm thủ công rất nhiều, thì nay ngược lại nhờ máy tính công việc mười phần đã rút đi chín. Nhưng đọc kết quả phim là công việc của bác sĩ lại khác. AI giúp đo đạc, tính toán, phát hiện ra những hình ảnh bất thường với mức dự báo nhất định. Nhưng AI không thể đưa ra chẩn đoán được, bác sĩ vẫn là người đọc chính, bằng kiến thức cũng như sự nhạy cảm và kinh nghiệm.

Tôi lấy thêm ví dụ, có một bệnh nhân bị sốt liên tục và ngất xỉu, điều trị ở tuyến huyện và tuyến tỉnh nhưng kết quả đều kém, không biết bệnh gì. Tất cả các xét nghiệm có thể đã được thực hiện. CT bác sĩ tuyến dưới đọc bình thường. Khi bác sĩ lâm sàng nhờ tôi xem giúp phim CT, tôi nghi ngờ vài khe rãnh cuộn não bị mờ, nó không điển hình nhưng tôi nghi ngờ. Tôi hỏi liệu bệnh nhân có bị nhiễm kí sinh trùng không?

Sau khi hỏi tiền sử dịch tễ, đi nước ngoài, ăn thịt cá và rau sống, bác sĩ quyết định điều trị thử kí sinh trùng và bệnh nhanh chóng được kiểm soát. AI trong tình huống này sẽ như thế nào? Tôi cho rằng AI chỉ có vai trò hỗ trợ bác sĩ những công việc căn bản.

Khi thực hiện khám, chẩn đoán và điều trị cho một bệnh nhân, bác sĩ căn cứ vào bản thân người bệnh để đánh giá xem họ có làm theo chỉ dẫn của bác sĩ hay không, có che giấu tình trạng bệnh của mình hay không, có lí do cá nhân nào ảnh hưởng tới hiện trạng bệnh hay không.

Có bệnh nhân đi khám bác sĩ nhưng không tin bác sĩ. Có bệnh nhân chỉ uống một nửa liều thuốc bác sĩ kê, bệnh nhân khác lại tăng liều gấp đôi, bệnh nhân khác nữa dùng chẩn đoán của bác sĩ để uống thuốc tương tự như hàng xóm đã từng mắc.

Sở dĩ tôi cho rằng AI không thể thay thế hoàn toàn bác sĩ, vì bác sĩ bằng xương bằng thịt mới có thể đánh giá được yếu tố con người, khám chữa bệnh không chỉ riêng yếu tố của bệnh tật như chữa cái ô tô, xe máy. Những gì AI thiếu, đó là kinh nghiệm, là khả năng thích ứng, đặc biệt là thích ứng trong những tình huống bất ngờ.

Trí tuệ nhân tạo là đỉnh cao sự kì diệu, nhưng AI chỉ có thể xử lí những quy trình đã được tiêu chuẩn hóa và có lộ trình đi theo, AI không thể xử lý được những tình huống hoàn toàn bất ngờ, nên chỉ có thể thay thế một số công việc của bác sĩ, chứ không xóa bỏ được bác sĩ.

Trên thực tế, nhiều vị trí trong bệnh viện có thể chuyển giao cho robot và AI, đó hầu hết là những công việc lặp đi lặp lại và có công nghệ thấp. Khối lượng công việc của y tá và kĩ thuật viên sẽ giảm đi rất nhiều, như công việc tiêm thuốc, phát thuốc, dọn giường có thể được thay thế hoàn toàn bằng robot.

Trọng tâm công việc của y tá và bác sĩ trong tương lai sẽ chuyển từ lao động thủ công sang giao tiếp với bệnh nhân, tương lai của y học sẽ thiên về giao tiếp. Xét cho cùng, AI không linh hoạt như con người, trong khám chữa bệnh cảm giác mới thực sự quan trọng.

Một tin không tốt, đó là một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đối với việc cắt bỏ triệt để một số bệnh ung thư, hiệu quả lâu dài của phẫu thuật được thực hiện bởi robot phẫu thuật không tốt bằng phẫu thuật do con người thực hiện. Một khía cạnh đáng quan tâm là trách nhiệm. Tôi giả sử AI chẩn đoán và điều trị chính xác 99%, nhưng khi xảy ra sai sót và tai biến, đương nhiên lỗi tại AI và bệnh viện không chịu trách nhiệm. Điều này rất đáng sợ! Sau này AI gây rắc rối thì người bệnh sẽ tìm đến ai để giải quyết, chẳng lẽ khi đó chỉ cần đập bàn phím là xong.

Tôi không phủ nhận rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học đang có những bước đột phá lớn, nhưng chắc chắn AI không thay thế được bác sĩ, mà AI chỉ hỗ trợ bác sĩ để giảm bớt 90% lao động thủ công thuần túy, để bác sĩ có nhiều thời gian dành cho việc chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!