Tâm tư bác sĩ
Cuộc đình công của hơn 10.000 bác sĩ Hàn Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết, khi cả phía thầy thuốc và phía chính phủ đều không chịu nhượng bộ.
Sự việc bắt đầu từ tháng 2, khi chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch cải cách giáo dục y tế, mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh trường y từ hơn 3.000 lên trên 5.000 vào năm 2025, nhằm đạt mục tiêu bổ sung thêm 15.000 bác sĩ vào năm 2035.
Lý do chính của quyết định trên là nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ của đất nước. Trong số 38 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc hiện có 2,6 bác sĩ trên 1.000 dân, đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ cao hơn một chút so với con số 2,5 của Mexico, trong khi xếp hạng từ trên xuống thì Hoa Kỳ là 6,6 xếp thứ nhất và Đức là 6,4 xếp thứ hai.
Về phân bố nhân lực, bác sĩ Hàn Quốc tập trung chủ yếu tại các thành phố, trong khi khoảng cách địa lý quá lớn, bác sĩ sau khi tốt nghiệp không chịu về các vùng sâu vùng xa, không ai muốn về các khu vực nông thôn.
Như vậy việc Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y nhằm bổ sung bác sĩ là đúng, có gì phải bàn? Vấn đề là các bác sĩ Hàn Quốc không đồng ý tuyển thêm!
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề thiếu hụt bác sĩ ở Hàn Quốc không phải là thiếu tổng số bác sĩ, mà là sự phân bổ không đồng đều giữa các chuyên ngành, giữa khu vực thành thị và nông thôn, điều kiện lao động kém và nguy cơ kiện tụng cao, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không giải quyết được vấn đề thiếu hụt này.
Theo các bác sĩ Hàn Quốc, điều kiện lao động kém là nguyên nhân thiếu hụt bác sĩ, ví dụ như giá dịch vụ y tế đối với các ca cấp cứu, phẫu thuật cấp cứu, chăm sóc chuyên khoa sâu đều rất thấp, trong khi phẫu thuật thẩm mỹ giá quá cao.
Ngày càng nhiều bác sĩ chọn các chuyên ngành có tỷ suất lợi nhuận cao như phẫu thuật thẩm mỹ, da, nha khoa. Bác sĩ của những chuyên khoa này tập trung hết ở các thành phố lớn, dẫn tới vùng nông thôn thiếu hụt bác sĩ trầm trọng ở các lĩnh vực như nội khoa, sản phụ khoa, nhi khoa.
Ngoài ra, nguy cơ kiện tụng cũng được các bác sĩ Hàn Quốc nhấn mạnh, được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt bác sĩ. Mỗi năm ở Hàn Quốc khoảng 750 bác sĩ bị buộc tội hình sự vì sơ suất y tế, cao gấp 15 lần so với Nhật Bản, cao hơn 58 lần so với Anh và cao hơn 27 lần so với Đức.
Sau 2 tuần đàm phán, quan điểm của chính phủ Hàn Quốc và quan điểm của các bác sĩ vẫn trái ngược nhau. Và cuộc đình công của bác sĩ Hàn Quốc bắt đầu. Theo truyền thông nước này, hiện nhiều phòng cấp cứu thiếu nhân lực và đang vật lộn để tồn tại, nhiều ca phẫu thuật đã bị hoãn lại, nhiều bệnh nhân buộc phải chuyển viện.
Đây không phải lần đầu các bác sĩ Hàn Quốc đình công. Trong hơn hai thập kỷ qua, cộng đồng y tế Hàn Quốc đã có ít nhất 5 cuộc đình công lớn. Mỗi lần đều có lý do khác nhau, và lý do lần này (đình công chống lại việc chính phủ mở rộng tuyển sinh y khoa) là rất hiếm khi xảy ra trên thế giới.
Thu nhập trung bình của bác sĩ Hàn Quốc là gần 200.000 USD mỗi năm, cao hơn 188.000 USD ở Đức và 99.000 USD ở Pháp. Ngoài ra, bác sĩ Hàn Quốc được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hơn công dân bình thường, ví dụ bác sĩ có thể làm việc sau khi uống rượu, bác sĩ không phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Có thể nói bác sĩ Hàn Quốc thuộc tầng lớp "cổ cồn vàng".
Do ngưỡng quá ưu tú, nên y tế Hàn Quốc là một tháp ngà, dẫn đến một xu hướng có thể hiểu được là người bên trong sẽ đoàn kết để đảm bảo lợi ích của mình. Lợi ích đó phù hợp với lợi ích của người bệnh và xã hội hay không thì tùy góc nhìn cũng như sự phán xét của mỗi người.
Cá nhân tôi mong rằng, cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc sớm được giải quyết; khủng hoảng cũng là cơ hội để y tế thay đổi tốt hơn, trở nên lung linh như chính những bộ phim Hàn về y tế.
Từ Hàn Quốc nhìn về Việt Nam, chúng ta thấy rằng tuy bối cảnh khác nhau, song nhiều vấn đề phát sinh của hai nền y tế có tính chất tương tự.
Tính đến năm 2023, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân ở Việt Nam là 12,5 bác sĩ, tuy vượt chỉ tiêu được giao nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với nhu cầu của chính chúng ta và so với các nước phát triển. Trong khi đó, nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc lại trở thành xu hướng đáng báo động sau đại dịch Covid.
Thống kê từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó hơn 3.000 bác sĩ). Cũng như Hàn Quốc, ngành y tế Việt Nam đã và đang gặp vấn đề về sự phân bổ không đồng đều giữa các chuyên ngành, giữa khu vực thành thị và nông thôn, điều kiện lao động kém…
Tôi xin chia sẻ về điều kiện làm việc của chính tôi. Khi mới ra trường, tôi xin vào làm việc ở khoa ngoại tiêu hóa, nơi có 40 giường, nhưng bệnh nhân thường nằm ghép đôi ghép ba, chưa kể là kê thêm giường, lưu lượng bệnh nhân luôn ở con số hơn 100. Cả khoa có 4 bác sĩ chính, và thêm 6 bác sĩ làm việc không lương chờ ký hợp đồng, trong đó có tôi.
Một ngày làm việc bình thường của tôi trong hơn 20 năm là đến viện lúc 6h30 và về nhà lúc 20h, trưa ăn cơm hộp. Công việc của bác sĩ X quang như tôi phải giải quyết hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, đòi hỏi tốc độ khá cao, trước cửa buồng siêu âm hay buồng chụp bệnh nhân dồn nén không thể chờ đợi, rất ồn ào, ngày nào cũng xảy ra những rắc rối.
Về thu nhập, lương trước 1/7/2023 của bác sĩ thâm niên 25 năm như tôi là 8,7 triệu đồng một tháng, nay được tăng lên 10 triệu đồng.
Tôi không phủ nhận có những bác sĩ ở Việt Nam tổng thu nhập rất cao, nhưng đại bộ phận bác sĩ và nhân viên y tế thu nhập ở mặt bằng bình thường so với xã hội (nghề bác sĩ có đầu vào khắt khe, thời gian học lâu năm hơn các nghề khác, môi trường làm việc nặng nhọc). Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở, là một trong những lý do dẫn đến làn sóng nghỉ việc tôi đề cập ở trên.
Tôi nói ra những điều này không phải để so sánh (vì trình độ phát triển các nước khác nhau) mà đó là một thực tế.
Nhiều năm nay xu hướng chung ở Việt Nam là mở rộng tuyển sinh y khoa. Trong tổng số 27 trường đại học đào tạo ngành y ở Việt Nam, một số trường đã dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển, nghĩa là mở rộng diện thí sinh có thể thi vào trường. Giới bác sĩ có người đồng tình, có người không, nhưng nhìn chung không ai phản đối việc mở rộng tuyển sinh y khoa, vấn đề cần bàn chỉ là làm sao đảm bảo chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra.
Từ thực tế trên, điều tôi muốn nói là trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, giới bác sĩ và nhân viên đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện sứ mệnh thầy thuốc của mình. Nhưng, ngành y tế muốn phát triển bền vững thì phải nhìn thấy các tồn tại, bất cập để khắc phục. Đây là công việc của cả xã hội chứ không phải của riêng những người thầy thuốc.
Với các em học sinh và phụ huynh muốn thi vào ngành y, cá nhân tôi xin ủng hộ, cho dù tôi phải nói rất thật với các em rằng nghề bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn không phải cổ cồn vàng mà ngược lại "cổ cứng đơ" vì làm việc rất vất vả.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!