Hy vọng hay thất vọng với đội tuyển U22?
Sau khi đội tuyển U22 Việt Nam thắng Singapore với tỉ số 3-1 ở lượt trận thứ hai trong khuôn khổ SEA Games 32 hôm 3/5, tôi thực sự cảm thấy rất vui. Nếu trận thắng trước tôi lo thì trận thắng hôm qua tôi thấy mừng, rất mừng!
Tôi biết, nhiều người vẫn bày tỏ sự thất vọng. Vẫn có những sự so sánh lứa cầu thủ này với lứa cầu thủ dưới thời ông Park Hang Seo, hay chê các tuyển thủ U22, nhận xét vu vơ "sẽ không đi đến đâu"… Tôi thầm nghĩ, không rõ mọi người đang muốn gì sau một chiến thắng như vậy? Rằng chúng ta cần thắng đậm tới 10-0 hay sao? Rằng những cầu thủ trẻ này ngay lập tức phải đủ lông đủ cánh để đem lại một thứ bóng đá tuyệt vời chăng?
Trên thực tế, thắng Singapore là một bước rất quan trọng, cho thấy sự khác biệt so với trận thắng Lào trước đó.
Trận thắng Lào, có thể nói chúng ta khá may mắn, không thể hiện được nhiều - một trận đấu khiến nhiều người thất vọng hơn là hy vọng. Thế nhưng, đúng như những gì huấn luyện viên trưởng (HLV) Troussier nói sau trận đấu: "dù sao thắng còn tốt hơn là hòa hoặc thua".
Trận thắng Lào là trận chính thức đầu tiên của ông Troussier và các cầu thủ nên đội tuyển bị căng thẳng và chịu áp lực lớn. Chiến thắng đó mặc dù ngoài 2 bàn thắng ra gần như không thể hiện được gì nhiều về mặt chiến thuật hay con người, nhưng đã đem cho các cầu thủ sự tự tin. Chính sự tự tin đó cùng sự điều chỉnh về hệ thống của ông Troussier mà khi đá với Singapore ngày hôm qua chúng ta đã nhập cuộc tốt đến thế.
Nếu chấm điểm về màn trình diễn của các cầu thủ, tôi cho trận với Singapore hôm qua 8/10 còn trận với Lào chỉ 5,5/10. Có vẻ như triết lý bóng đá của ông Troussier đã dần thành hình, đó là lối đá tấn công, phải cầm bóng nhiều, phối hợp tốt, phải làm chủ trận đấu, kiểm soát tốt, áp đảo đối phương - những điều đó ngày hôm qua các cầu thủ đã làm rất tốt.
Ba bàn thắng xuất phát từ nhiều tình huống khác nhau. Bàn mở tỷ số là một đợt phản công rất hay, ít chạm; bàn nâng tỷ số lên 2-0 mặc dù là cú sút có phần may mắn nhưng là thành quả của việc chúng ta hãm khung thành và dùng bóng bổng liên tục. Bàn thắng thứ 3 lại là một đường cắt ngang từ bên cánh với những cầu thủ dự bị mới vào sân khiến đối phương phải tự đưa bóng vào lưới nhà.
Rõ ràng, đó là một trận đấu tốt. Hàng tiền vệ trong trận vừa rồi chơi rất hay. Trong trận với Lào gần như không cầm được bóng và thi đấu rời rạc, sợ sệt nhưng ở trận với Singapore thì chúng ta cầm bóng nhiều hơn, ngay khi vừa để mất bóng thì các cầu thủ đã lập tức quây đối phương và ngăn cản, không cho đối phương triển khai bóng. Trong trận với Lào, thời gian giữ bóng ngắn, không chắc chuyền được 5 lần mà không bị cắt, nhưng hôm qua chúng ta cầm bóng nhiều hơn, chơi nhanh và có được chiến thắng đẹp hơn rất nhiều. Vậy còn kỳ vọng, mong muốn gì hơn nữa? Liệu rằng người hâm mộ có khó tính quá, đòi hỏi, so sánh nhiều quá hay không? Tôi nghĩ, với một lứa cầu thủ trẻ mà làm được như vậy là tốt rồi.
Mục tiêu của ông Troussier có lẽ là sẽ đi từng trận một và mỗi trận sẽ có kịch bản, câu chuyện khác nhau, theo đó sẽ có những điều chỉnh khác nhau. Qua trận gặp Lào và Singapore, tới thời điểm này, chúng ta có thể hình dung được bộ khung chuẩn của ông Troussier, đâu đó chỉ còn khoảng 2-3 vị trí phải điều chỉnh, đội hình hiện tại đã tương đối "ngon" và bắt đầu thể hiện được triết lý của ông.
Xét về nhân tố nổi trội, theo quan sát của tôi thì cả 3 cầu thủ trên hàng công đều chơi rất hay. Tiền đạo Văn Tùng trong cả 2 tình huống ghi bàn đều ổn, đặc biệt là bàn thắng trong trận đá với Lào, tôi cho là một bàn thắng đẳng cấp, bàn thứ 2 là một pha dứt điểm đơn giản, rất lạnh lùng từ bên phải. Thanh Nhàn và Văn Đô ở trận đấu hôm qua cũng chơi rất hay, họ đảo cánh cho nhau liên tục để khiến đối phương mất phương hướng. So với trận với Lào thì đến trận Singapore, 3 cầu thủ tuyến trên phối hợp với nhau đã nhuyễn hơn rất nhiều. Hai tiền vệ trung tâm Đức Phúc và Thái Sơn cũng chơi hay. Những nhân tố dự bị như Khuất Văn Khang, Quốc Việt cũng thể hiện được mình. Có thể nói, yên tâm nhất vẫn là hàng công.
Nhớ lại, trong những trận giao hữu trước giải, cơ hội được tạo ra rất ít nhưng bước vào giải thì các cơ hội đã nhiều hơn, đặc biệt là trận với Singapore. Như vậy, các cầu thủ đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt.
Quả thực, chúng ta không nên so sánh đội hình này với đội hình của ông Park Hang Seo. Đội hình của ông Park trong 2 lần vô địch đoạt huy chương vàng SEA Games đều đã được tăng cường bởi các cầu thủ ngoài 23 tuổi, đội hình năm ngoái cùng với Tiến Linh còn có 2 quả bóng vàng. Bởi vậy, ở giải đấu năm nay, tốt nhất là nên tiến chắc từng trận một. Chúng ta đừng kỳ vọng quá nhiều và đừng gây áp lực lên họ.
Tôi đánh giá lứa U22 này là tương lai, nhưng... đó là "tương lai"!
Sức mạnh của một đội bóng không hoàn toàn nằm ở những cá nhân ngôi sao, mà là tinh thần tập thể. Trong trận với Singapore, chúng ta thấy các cầu thủ đã thể hiện được tính bọc lót cho nhau rất tốt. Ngoài bàn thua của Tiến Long về lưới nhà, đó là một tai nạn, cùng một số lỗ hổng ở hàng phòng ngự thì trận đấu này tương đối tốt: hỗ trợ cho nhau tốt, tấn công tốt, phối hợp tốt, đặc biệt là có những quả chọc khe, đá trung lộ rất hay. Nếu ở trận với Lào, đá cánh và chuyền vượt tuyến rất nhiều, hàng tiền vệ không cầm được bóng, nhưng ở trận với Singapore thì hàng tiền vệ đã cầm bóng tốt, cự ly đội hình cũng tốt hơn. Tóm lại, các cầu thủ đã có tiến bộ rất rõ rệt so với chính họ ở trận đấu trước Lào.
Tới đây, Malaysia là một đối thủ không hề đơn giản, họ mạnh hơn nhiều so với Singapore. Thế nên, trận đấu với Malaysia dự báo sẽ là một trận đấu khó khăn! Với những đối thủ khác nhau đòi hỏi ông Troussier sẽ phải có những đấu pháp khác nhau. Ở trận đấu với Lào mặc dù ghi bàn trước ngay từ sớm nhưng lại không biết làm thế nào tiếp theo, gây thót tim cho người hâm mộ. Ở trận đó, dù đang chơi tấn công nhưng các cầu thủ lại chưa kiểm soát được trận đấu, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Còn với Singapore thì chúng ta đã áp đảo được từ đầu đến cuối trận. Cách chơi này có thể tiếp tục khi gặp Malaysia nhưng với Thái Lan thì rất khó có thể đưa ra nhận định.
Theo quan sát cá nhân, tôi nhận thấy, điều đáng lo nhất đã giải quyết được, đó là khâu tạo cơ hội và ghi bàn, tuy vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn còn những điểm yếu rất cần được chú tâm, chính là khả năng chống bóng bổng và phòng ngự biên.
Bên cạnh đó, còn một băn khoăn nữa là cả 2 trận vừa qua chúng ta đều đang là người dẫn trước và chưa rơi vào tình trạng bị dẫn điểm. Vậy, trong trường hợp bị dẫn điểm trước thì đội bóng sẽ phản ứng thế nào? Có lẽ, trận đấu với Malaysia tới đây sẽ là một bài "test" thực tế mang lại những trải nghiệm quý báu cho các cầu thủ trẻ, vốn cần được tích lũy kinh nghiệm thực chiến.
Trước khi đối đầu với Malaysia chúng ta có 5 ngày nghỉ ngơi, trong quãng thời gian đó, có lẽ ông Troussier sẽ có những điều chỉnh nhất định, để sửa chữa những sai lầm, những vấn đề còn tồn tại trong đội hình. Trong trận đấu với Lào, Malaysia đã thắng một cách rất dễ dàng, và phía ông Troussier chắc chắn sẽ phải xem để nhìn nhận lại vấn đề.
Về lý thuyết, Malaysia mạnh hơn so với Singapore và Thái Lan còn mạnh hơn nữa. Dẫu vậy, ít nhất là chúng ta cũng đã thắng 2 trận và đang dẫn đầu bảng, một lợi thế rất tốt về mặt tinh thần. Với các cầu thủ trẻ, yếu tố tinh thần rất quan trọng, sẽ giúp họ thi đấu hưng phấn, tự tin hơn, như nhiều người vẫn nói "chiến thắng đẻ ra chiến thắng".
Dù sao cũng cần ghi nhận rằng, sự thể hiện vừa qua của các cầu thủ U22 Việt Nam đã là rất tốt và hãy tin rằng, họ sẽ làm tốt hơn!
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!