Hậu duệ của Rồng
Rồng là một loài vật do con người tưởng tượng ra và tích hợp sức mạnh của muôn loài như một sức mạnh chế ngự con người bằng sự linh thiêng. Bàn đến chuyện Rồng, người ta thường nói tới "câu chuyện Đông - Tây" khác biệt.
Với phương Tây, Rồng có hình thù cổ quái, mọc cánh, mang một hoặc nhiều đầu và đặc biệt là lấy chiêu phun lửa thiêu đốt mọi thứ để thể hiện quyền uy của mình. Rồng Phương Tây ẩn trong hang động hoặc bay lượn trên bầu trời để phun lửa thiêu cháy nhân gian trên mặt đất. Vì thế Rồng phương Tây biểu trưng cho cái ác mà người dũng sĩ diệt Rồng luôn được tôn vinh như anh hùng cứu thế.
Trái ngược với phương Tây, Rồng phương Đông có phần uyển chuyển, biểu trưng sức mạnh và quyền uy của nó với một cái đầu hoành tráng phun ra những vòi nước mạnh mẽ gắn với môi trường sinh thái và công việc canh tác của nền văn minh lúa nước. Rồng Phương Đông hoặc vùng vẫy trong biển nước, hoặc ẩn hiện trên những đám mây, tưới tắm cho cuộc sống dưới mặt đất chỉ ra oai với con người bằng lũ lụt hay hạn hán. Rồng phương Đông được coi là vật linh hiểu theo nghĩa được thần thánh hóa mang điềm lành và được vận vào mệnh của bậc quyền quý nhất thiên hạ.
Quan niệm khá phổ biến và kéo dài trong lịch sử là khi nhắc đến Rồng phương Đông thì con Rồng Trung Hoa thường được coi là tiêu biểu nhất, vì nó vốn gắn với một nền văn minh và một đế chế quá lớn, bên cạnh những biểu tượng Rồng của các quốc gia Đông Á khác trong đó có nước ta, vốn cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
Tuy nhiên, biểu tượng rồng của các quốc gia phương Đông trong đó có Việt Nam cũng có những sắc thái riêng, không chỉ về nhận thức giá trị mà còn được thể hiện theo những thẩm mỹ riêng của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, trong các di vật thời đại Đông Sơn, cũng là thời các Vua Hùng dựng nước thì Giao Long là biểu tượng gần với rồng nhất được coi là linh vật (totem) của người Việt cổ. Trong "Lĩnh Nam chích quái" nói đến cư dân Lạc Việt từ thời các Vua Hùng đã có tục xăm mình hình Giao Long để ám trừ thủy quái mà vẫy vùng kiếm sống trên sông nước.
Đến thời đại khởi đầu nền tự chủ gắn với văn hiến là triều Lý thì đã có những tiếp biến ngày càng sâu sắc với không gian văn hóa phương Nam - nơi mà hình tượng của Rắn thần Naga, hiện thân cho một trong những vị thần tiêu biểu nhất - khiến Rồng thời Lý được thể hiện rất gần với Rắn thần, nhất là phần thân dài, mảnh gần như không thấy vẩy chỉ riêng cái đầu là đặc sắc biểu thị nét chung của vùng văn minh Đông Á…
Con Rồng giàu "chất phương Nam" của Đại Việt đã không ngừng biến đổi theo chiều hướng duy trì sự khác biệt "không thể lẫn" với Rồng Trung Hoa, đồng thời cũng không ngừng tiếp cận với những đặc sắc của Văn minh Trung Hoa.
Rồng Việt Nam gần với hình tượng rắn hoặc cá sấu phương Nam hơn Rồng Trung Hoa, đặc biệt thể hiện trong Rồng thời Lý (Rồng rắn - Rồng giun); gương mặt hiền hơn, không sừng nhưng lại nhiều râu bờm hơn, ngọc châu ngậm trong miệng chứ không để bên ngoài; thân hình Rồng Việt thanh thoát, uốn lượn mềm mại tựa như dòng sông hơn là Rồng Trung Hoa luôn vần vũ trong mây...
Cho dù tới thời Lê và Nguyễn, Rồng Việt cũng có chiều hướng tiếp cận nhiều hơn với Rồng Trung Hoa nhưng vẫn luôn có ý thức bảo tồn những nét khác biệt mang tính đặc trưng không lẫn lộn... Trên phương diện ngôn ngữ, phát âm chữ "Rồng" với phụ âm rung là điều xa lạ với người phương Bắc nhưng lại rất gần với những cư dân ở phần phía Nam lãnh thổ của chúng ta mang theo nghĩa là "con sông" - "k'rông". Ngay trong chữ Hán cổ, từ nguyên nghĩa là con rồng cũng được đọc là "lung" chứ không như cách phát âm theo Hán-Việt và được ghi âm bằng quốc ngữ la tinh là "long" như của ta được sử dụng cho tới ngày nay.
"Long" với nghĩa là Rồng đã trở nên một yếu tố cao quý trong cách đặt tên cho nhiều địa danh, gắn với những sự tích tỏ rõ sự gần gũi cũng như nghĩa cao sang của một Vật Tổ trong đời sống người Việt. Từ câu chuyện truyền thuyết về "Con Rồng - Cháu Tiên" được nhân hóa thành các vị nguyên tổ của người Việt: Lạc Long Quân sánh cùng bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng "dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng cấp quân thần, các đạo cha con vợ chồng, đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui" (Lĩnh Nam Chích Quái), đến những nơi chốn từng có mặt của Rồng trong các truyền thuyết như Hạ Long, Bái Tử Long, Hàm Rồng, Cửu Long... và biểu tượng cao nhất là đức Lý Thái Tổ đã chọn đặt cho kinh đô tự chủ là "Thăng Long" mà trước đó đã từng có Long Biên từ thời Hai Bà Trưng "phất cờ nương tử"…
Do vậy, không chỉ nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả những học giả nước ngoài đều có nhận định rằng từ xa xưa người Việt không chỉ lấy Rồng làm tô tem mà còn tự xem mình dòng dõi của Rồng - Tiên và luôn hướng tới giá trị xứng danh là "Con Rồng Cháu Tiên". Mùa Thu năm 1941, từ chiến khu Cao Bằng, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc làm thơ kêu gọi đồng bào noi gương các bậc tiên liệt anh hùng cứu quốc đứng lên làm cách mạng:
"Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt Cháu Tiên Con Rồng"
Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân đang đứng trước những thử thách cam go, trong lời điếu nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào thề rằng:
"Con Rồng Cháu Tiên quyết không làm nô lệ"
Đó cũng chính là ý chí những hậu duệ của Rồng trong mọi thời đại.
Tác giả: Ông Dương Trung Quốc là nhà nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!