Tết Gen Z còn gì để nhớ?
Gen Z, những người sinh từ năm 1995 đến 2012. Những đứa trẻ không biết mùi pháo Tết (Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm pháo, từ 1/1/1995, Tết đã không còn đốt pháo).
Tôi, và chắc nhiều cha mẹ nữa, vẫn hay kể cho con nghe về Tết của mình. Tết của thế hệ 7X, 8X nồng nàn hương pháo tối Giao thừa và suốt những ngày Tết. Những bức ảnh con đường ngập xác pháo vẫn khiến chúng ta bùi ngùi nhớ. Cũng đã suýt soát 30 năm rồi, đại cảnh hoành tráng với âm thanh vòm, nổi của đồng loạt tiếng pháo đêm Giao Thừa xưa cũ đó, "người xưa" như chúng ta ai mà chẳng rưng rưng nhớ kia chứ? Lũ trẻ gen Z bắt đầu Tết không tiếng pháo, bắt đầu từ một cái Tết an toàn cháy nổ, nói không với thương tích do pháo gây ra. Gen Z lớn lên trong sự bảo vệ kỹ lưỡng từ các bậc cha chú như thế!
Tết của gen Z, khi đất nước bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế với GDP giai đoạn 1996-2000 đạt bình quân 7%, gấp đôi so với năm 1990, không còn như thế hệ chúng ta "vui như trẻ Tết có áo mới".
Đất nước phát triển, bánh chưng người ta không cần canh đêm, hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng chỉ còn mang ý nghĩa tinh thần. Bánh chưng được mua trong các siêu thị thay vì chợ truyền thống hoặc từ quê chuyển ra. Thậm chí, phần đa những đứa trẻ gen Z không cần phải học gói bánh chưng, không biết gói bánh chưng cũng chẳng sao. Háo hức Tết trong lũ trẻ gen Z có lẽ cũng vì thế mà ít hơn thế hệ chúng ta. Mô hình gia đình nhiều thế hệ cũng ít dần đi, thay vào đó là mô hình gia đình hạt nhân với chỉ có cha mẹ - con cái với nhau. Tết sum vầy nhiều khi chỉ còn mang tính hình thức, quấy quả. Vì cha mẹ bận bịu nên Tết nội, Tết ngoại như chạy show. Cỗ bàn vì thế cũng được giản lược đi nhiều. Không còn những nồi cá kho đầy ụ ăn suốt Tết, thịt đông hay bánh chưng cũng chẳng chất đầy trong tủ lạnh. Lũ trẻ gen Z mùng 1 Tết ra đường là có cái ăn ngay chứ không như thế hệ của chúng ta lo chợ không mở bán, hàng quán đóng cửa.
Còn nhiều nữa nếu như chúng ta tỉ mẩn bóc tách như bóc bánh chưng về Tết 7X, 8X với Tết gen Z. Thời của cắt bánh chưng bằng dao khác lắm với thuở cắt bánh chưng bằng lạt.
Năm 1997, Việt Nam chính thức khai mở Internet. Thế hệ Z bắt đầu biết những tấm thiệp Tết có cả âm thanh, hoạt hình, lấp lánh gửi qua email. Những năm 2000-2012, Internet đã giúp lũ trẻ chúc Tết nhau mà không cần phải đến nhà, gặp mặt. Chỉ bằng chiếc điện thoại chúng có thể gửi lời chúc mừng năm mới cùng lúc đến cả lớp dù vẫn nằm trong chăn ở nhà. Năm 2003, đường truyền Internet ADSL bắt đầu phổ biến, những đứa trẻ mới 8 tuổi đã có thể dùng Tết để chơi game online thay vì đi cùng cha mẹ chúc Tết. Đến năm 2009, trung bình 100 gia đình Việt thì có 12 gia đình sử dụng Internet. Đến năm 2017, những đứa trẻ gen Z lúc này đều đã có 3G-4G trong hành trình trưởng thành của chúng. Tết của gen Z vì thế mà có thêm hoài niệm… Tết Online. Ba đứa con tôi, những đứa trẻ gen Z được bố mừng tuổi bằng việc tặng một chiếc điện thoại. Và từ đó, bố mẹ phải cạnh tranh với những sự hấp dẫn trong chiếc điện thoại đó. Đến mức có năm tôi phải ra tối hậu thư: Tết không điện thoại. Để cứu lại không khí Tết nhà mình.
Nhưng. Nhưng kể vậy chẳng phải thở ngắn than dài tiếc Tết xưa giùm cho lũ trẻ gen Z đâu. Tôi không nghĩ chúng ta lại giống như các cụ 3X, 4X, 5X trách cứ tụi trẻ 7X, 8X đã làm phai lạt vị Tết thời các cụ. Như quên việc treo câu đối trong nhà dịp Tết khiến các ông đồ già thất nghiệp. Như những kiêng kị ngày Tết mà các cụ quy định ra, lũ 7X, 8X phạm vào hết. Nào là không được chải đầu ngày mùng Một, không được quét nhà, đầu năm phải mua muối, cuối năm phải mua vôi. Nào là phụ nữ không được xông nhà, việc đó là đặc quyền nam giới. Thế hệ 7X, 8X chúng ta cũng đã "hủy hoại" Tết của ông cha đấy thôi. Nhưng đó là bởi thế giới đã thay đổi, Tết vì thế cũng phải đổi thay để phù hợp cùng thời đại vậy.
Để tôi kể cho bạn nghe về những cái Tết nhà tôi phải theo gen Z của 3 đứa con mình. Như hăm ba tháng Chạp tiễn ông Công ông Táo chúng tôi không thả cá cùng túi nilon ra sông ra hồ nữa vì 3 đứa con tôi chê bố không biết bảo vệ môi trường. Như xông nhà, chúng nó bảo: Ai vui vẻ nhất nhà thì xông nhà cho nhà mình cả năm vui vẻ. Như Tết đâu phải cứ bánh chưng, kẹo, đồ ăn ê hề. 3 đứa thương bố bị tiểu đường mà nhất quyết từ chối đồ ngọt. Chẳng cần phải cỗ bàn đúng chuẩn, cúng cụ thì cúng những thứ mình ăn thấy ngon chứ bố? Nhà mình có ai thích ăn xôi gấc đâu mà lại mua cúng cụ? Hay như mâm ngũ quả, tại sao phải có quả sung, tại sao lại có quả Phật Thủ? Mình có ăn được đâu, Phật Thủ còn độc nữa, sao mình lại bắt các cụ ăn hả bố?
Rồi đốt vàng mã nữa. Lũ trẻ được học về phòng cháy chữa cháy nên rất cẩn trọng việc đốt vàng mã. Cô bé 12 tuổi con gái út của tôi năm nọ trầm ngâm: Bố ơi, tại sao chúng ta đốt đồ giả xuống cho các cụ dùng? Iphone giả, tivi giả, tiền giả… Tôi chẳng biết trả lời con mình ra sao nữa. Nếu nói trần sao âm vậy thì những thứ ta đốt xuống kia giấy vẫn là giấy đó thôi.
Cậu con trai sinh năm 2006 mê chụp ảnh và ấp ủ dự án Tết này đi chụp ảnh các cụ già trong bệnh viện với ý nghĩ rất hồn nhiên: Bức ảnh thờ đẹp nhất là cách để con cháu nhớ tới người đã khuất bằng những ký ức tươi vui. Cô con gái thứ hai, người phụ trách toàn bộ cây, hoa Tết của nhà thì từ chối đào rừng bởi đó là phá rừng. Cô bé chọn thuê đào thay vì mua đào. Bởi mỗi cây đào để trưng xong hãy trả nó về cho người trồng nó chăm sóc tiếp. Số tiền bỏ ra thuê một cây đào có thể đắt ngang, thậm chí đắt hơn mua nhưng là cách để trả công cho người nông dân vất vả chăm trồng vậy.
Tết của gen Z nhờ chiếc điện thoại mà thăm hỏi được nhiều người hơn bên cạnh những người thân chúng ta có điều kiện gặp trực tiếp. Tết của gen Z là không rượu chè bê bết mất cả Tết như lũ trẻ nhắc bố. Tết của gen Z là mẹ đừng mất công bày biện nhiều, bọn con cần giữ cân qua Tết. Tết của gen Z là ngồi quây quần bên ông bà nghe ông bà kể chuyện "bố mày ngày xưa", "mẹ chúng bay hồi bé" rồi cười rúc rích với nhau.
Ăn Tết, Chơi Tết kiểu gen Z là một kỳ nghỉ chất lượng chứ không phải là bị Tết ăn mòn sức khỏe của mình, bị Tết hành bởi những thứ đã chẳng còn phù hợp. Phút mốt với chiếc điện thoại trên tay, một cái Tết đủ vị, sung túc sẽ ngập nhà vậy. Cho dẫu một năm kinh tế buồn thì Tết vẫn cứ vui nếu như chúng ta đừng đo Tết, lo Tết bằng số tiền trong túi vậy!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!