Tâm điểm
Trần Thanh Hải

Hàng rào thuế quan trong bối cảnh mới

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam cuối năm 2024, Giáo sư John Kent đến từ Trường đại học Arkansas (Hoa Kỳ) đã đề xuất ý tưởng về quốc gia thương mại tự do.

Thật trùng hợp, khi ý tưởng này được nêu ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 30 năm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 1/1 năm nay, tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh tròn 30 tuổi, nhưng ngày này đã trôi qua trong sự lặng lẽ, không được các cơ quan truyền thông nhắc đến.

WTO ra đời là kết quả của Vòng đàm phán Uruguay, nhằm chính thức thể chế hóa một cơ chế điều chỉnh thương mại đa phương đã hình thành từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai, đó là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), ra đời từ năm 1947.

WTO ra đời ở thời kỳ đỉnh cao của xu hướng tự do hóa thương mại. Đây là một xu hướng được Hoa Kỳ và các nước phương Tây cổ vũ mạnh mẽ trong suốt các thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, với mục tiêu gỡ bỏ các hàng rào trong thương mại quốc tế, đưa thế giới trở thành một "ngôi làng toàn cầu", khi đó hàng hóa di chuyển giữa các quốc gia cũng gần như di chuyển trong nội địa, không gặp phải các biện pháp quản lý gây cản trở nào.

Hàng rào thuế quan trong bối cảnh mới - 1

WTO ra đời ở thời kỳ đỉnh cao của xu hướng tự do hóa thương mại (Ảnh minh họa: CV)

Nhưng WTO chỉ là một trong những kết quả cụ thể của Vòng đàm phán Uruguay. Kết quả khác không kém phần quan trọng là hệ thống các hiệp định nhằm thực thi mục tiêu tự do hóa thương mại, trong đó có cả tự do hóa thương mại dịch vụ (Hiệp định GATS), tự do hóa đầu tư (Hiệp định TRIMS), bảo hộ quyền tài sản trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Cùng với đó là các hiệp định mang tính chuyên ngành như Hiệp định Nông nghiệp (cắt bỏ trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp), Hiệp định TBT (xóa bỏ hàng rào kỹ thuật), Hiệp định SPS (xóa bỏ các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm gây cản trở thương mại), Hiệp định về Xuất xứ hàng hóa, Hiệp định về các biện pháp tự vệ, v.v...

Như vậy, WTO và các hiệp định của nó đã tạo nên một khung thể chế và pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh và thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế theo hướng đa phương hóa, tự do hóa. Nhưng giai đoạn rực rỡ của WTO không kéo dài. Sang thế kỷ XXI, đặc biệt là sau thất bại của Vòng đàm phán Doha, vai trò của WTO dần dần đi xuống, thể hiện ở WTO không có tiếng nói trong việc đưa ra các luật chơi mới của thương mại toàn cầu, không thể xử lý những tranh chấp thương mại giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh WTO mất dần vai trò, trong khi nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia, các nền kinh tế vẫn hiện hữu, từng nhóm nước có chung lợi ích tìm đến với nhau, đạt được những thỏa thuận riêng, gọi là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây được gọi là xu hướng khu vực hóa, mặc dù vẫn cổ vũ cho tự do hóa thương mại, nhưng chỉ trong phạm vi một khu vực, một nhóm nước cụ thể, thay vì trên phạm vi toàn cầu.

Trớ trêu thay, mặc dù khu vực hóa làm phân mảnh thương mại quốc tế, khiến cho hệ thống pháp lý điều chỉnh thương mại giữa các nước trở nên phức tạp hơn với nhiều luật lệ, quy tắc khác nhau, các hiệp định thương mại tự do đều dựa trên nền tảng là các hiệp định WTO.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, nhớ lại: "Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995, nhưng phải 11 năm sau, đến 2006 chúng ta mới trở thành thành viên WTO. Quá trình đàm phán gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này là cơ sở quan trọng mở ra các hội nhập sâu rộng khác trong giai đoạn sau đó".

Theo thống kê của WTO, tính đến đầu năm nay, thế giới có 373 hiệp định thương mại cấp khu vực (RTA) đang có hiệu lực. WTO sử dụng khái niệm hiệp định thương mại khu vực, trong đó bao gồm hiệp định thương mại tự do, một số hiệp định chuyên ngành và liên minh thuế quan. Con số RTA này gấp 7 lần số lượng hiệp định thương mại khu vực ở thời điểm WTO ra đời. Giai đoạn từ 2000 trở lại đây chứng kiến sự ra đời ngày càng nhiều của các hiệp định dạng này. Năm có số lượng các hiệp định được ký nhiều nhất là 2021, khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên thế giới. EU và Vương quốc Anh là những nền kinh tế có nhiều hiệp định thương mại khu vực nhất.

Với Việt Nam, quá trình tham gia các hiệp định thương mại khu vực được đẩy nhanh từ khoảng năm 2010. Cũng vào thời gian đó, cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2012, cùng với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu thường xuyên ở mức 2 con số, Việt Nam liên tục xuất siêu (nếu không tính năm 2015 với trị giá nhập siêu rất nhỏ) với trị giá ngày càng lớn. Kết quả xuất nhập khẩu năm 2024 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay là 786 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD (mức xuất siêu cao nhất năm 2023 là 28 tỷ USD).

***

Tại thời điểm hiện nay, thương mại quốc tế đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chủ nghĩa đơn phương. Nếu như toàn cầu hóa và khu vực hóa đều hướng tới thương mại tự do hơn giữa các nền kinh tế thì chủ nghĩa đơn phương đi ngược lại xu hướng trên. Thay vì mở cửa, giảm bớt rào cản thì phương châm của chủ nghĩa này là dựng thêm các hàng rào, đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu.

Thực ra, chủ nghĩa đơn phương không có gì mới mẻ. Rất nhiều năm trước đây, trước khi GATT ra đời thì hoạt động thương mại quốc tế vẫn vấp phải các loại hàng rào khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thuế quan (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) và một số biện pháp phi thuế quan như giấy phép, hạn ngạch.

Sự trở lại của chủ nghĩa đơn phương trong khoảng 10 năm trở lại đây thường xuất hiện dưới các hình thức kín đáo, và theo các nguyên tắc được WTO cho phép. Đó là việc áp dụng các khoản thuế bổ sung khi một nước phát hiện ra hàng hóa nhập khẩu ở tình trạng cạnh tranh không công bằng do bán dưới giá thành hoặc được chính phủ nước xuất khẩu trợ cấp. Các biện pháp này được gọi chung là thuế phòng vệ thương mại.

Với Việt Nam, từ rất sớm chúng ta đã làm quen với các biện pháp này qua các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với cá tra, cá basa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, giày thể thao nhập khẩu vào EU. Càng về sau này, số lượng các vụ kiện như vậy càng tăng lên, diện mặt hàng chịu tác động cũng nhiều hơn và số nước tham gia cũng đông hơn. Từ việc Canada, Brazil, Úc, EU cho đến Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, ... với các mặt hàng từ thép, nhôm, tôm, pin mặt trời, xe nâng, gạch ốp lát, gỗ dán, lốp xe, điều hòa nhiệt độ, sợi, v.v...

Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2024, đã có khoảng 273 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam tại 25 thị trường. Đây đều là những thị trường chủ lực của hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả những thị trường có hiệp định thương mại tự do.

Ở Hoa Kỳ, sau khi trở lại Nhà Trắng với nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump lập tức sử dụng thuế quan như một trong những công cụ chính nhằm định hình lại chính sách kinh tế và đối ngoại với các nước.

Mục tiêu của ông Trump rất rõ ràng. Việc tăng thuế nhập khẩu sẽ góp phần thu thêm được một khoản thuế cho ngân sách. Nhưng quan trọng hơn, ông muốn gửi thông điệp để các nước liên quan điều chỉnh chính sách theo yêu cầu của Nhà Trắng, và để doanh nghiệp đang đầu tư ở các nước đem tiền trở lại đầu tư ở Hoa Kỳ, qua đó hy vọng đem lại việc làm và thịnh vượng.

Trước mắt, ông Trump đã ký sắc lệnh chính thức áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico (hiện việc áp thuế được hoãn để các bên đàm phán), 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 4/2 này. Đây đều là những đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ.

Có thể thấy, các động thái và mục tiêu nêu trên đang gây ra tranh luận. "Cuộc chiến thương mại" được khởi động ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump cho thấy chủ nghĩa đơn phương sẽ vẫn là một xu hướng có tác động lớn đến thương mại quốc tế thời gian tới.

Bên cạnh thuế quan thì Hoa Kỳ cũng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Không có gì ngạc nhiên khi tại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, số vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng khoảng 40%.

Khi được hỏi về dự báo quan hệ thương mại với Hoa Kỳ khi ông Trump trở lại nhiệm kỳ hai, ông Long, một doanh nhân xuất khẩu gỗ ở Bình Dương nói: "Tất cả còn là một ẩn số! Kịch bản khả quan là duy trì tình hình như hiện nay. Nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho kịch bản khác để có sự chủ động".

Suy nghĩ của ông Long chắc cũng là nhận định của nhiều doanh nhân khác. Quan trọng là chúng ta có thái độ ứng xử thích hợp nếu kịch bản khác xảy ra. Một mặt, kiên trì đấu tranh với các nước để chứng minh hàng hóa của chúng ta không thuộc diện được trợ cấp hay bán phá giá, một mặt, cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, minh bạch về quá trình sản xuất để sẵn sàng chứng minh.

Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và nhiều biến động, doanh nghiệp nào có tầm nhìn xa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là những người giữ thế chủ động và vững vàng trước thăng trầm của thị trường.

Tác giả: Ông Trần Thanh Hải là Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!